Phòng, chống mại dâm: Lời khẳng định của Thủ tướng và hành động của chúng ta Ngày đăng: 05/10/2016
Trước một vấn đề xã hội phức tạp, còn nhiều tranh cãi về cách quản lý: hợp pháp hóa hay phòng, chống mại dâm (PCMD), lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ kiến tạo, có thể nói, mang tầm chiến lược và thời đại với cái nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, mang đậm tính nhân văn.

Từ khẳng định của Thủ tướng

“Tôi khẳng định Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ”. Đó là lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tổ chức tại thành phố Hội An (Quảng Nam) ngày 9/8/2016.

Từng là Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khi còn là Phó Thủ tướng, hơn ai hết, chắc chắn, Thủ tướng thấu hiểu tệ nạn mại dâm không mang lại văn minh gì cho đất nước, hạnh phúc gì cho phụ nữ, có chăng chỉ đem đến nỗi đau tột cùng cho họ như gần 300 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên trong Văn Chiêu hồn: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu”. Thời nay, mại dâm không những gắn với lừa đảo, đày đọa, bóc lột tình dục phụ nữ như trong Truyện Kiều mà còn gắn chặt với bệnh tật, nạn buôn người, ma túy, rửa tiền và các loại tội phạm và tệ nạn nhức nhối khác.

Mặc dù hiện nay, một số phụ nữ muốn xã hội coi mại dâm là một nghề, được pháp luật thừa nhận, nhưng số người đó quá nhỏ bé so với hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, vốn coi trọng đạo đức truyền thống, coi những giá trị tình cảm và tinh thần là thiêng liêng. Và không ai có thể mong muốn con em, người thân, bạn bè đem thân xác để làm trò giải trí hay là phương tiện kiếm tiền. Càng không ai tự hào, Việt Nam, với bản sắc văn hóa mấy nghìn năm, nay được ghi vào danh sách là “thiên đường du lịch tình dục” cho khách bốn phương! Do vậy, lời của Thủ tướng là tiền đề để bảo vệ phụ nữ, cứu được bao người sẽ không sa vào cuộc sống nhơ nhuốc, khổ đau.

Xin dẫn một số tình hình quản lý mại dâm hiện nay trên thế giới để chứng minh lời khẳng định dứt khoát của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về không công nhận bán dâm là một nghề là khoa học và phù hợp với thời đại.

Nhìn ra thế giới, Liên Hợp Quốc trong "Công ước ngăn chặn mua bán người và nạn khai thác mại dâm" quy định những hoạt động mua dâm, ép buộc người khác bán dâm là tội ác. Các nước tham gia Công ước đã ra tuyên bố chung "Mại dâm và các dạng tội ác khác đi kèm là hành vi chà đạp lên phẩm giá và giá trị của con người". Báo cáo năm 2009 của Liên Hợp Quốc cho thấy, 79% nạn nhân của bọn buôn người là để phục vụ mại dâm, và mại dâm đã được coi là "Chế độ nô lệ lớn nhất trong lịch sử".

Nhiều nước từng hợp pháp hóa mại dâm hoặc “thả lỏng” cho mại dâm hoành hành cũng đã nhìn nhận lại và phải thay đổi chính sách.

Trước năm 1998, mại dâm tự do ở Thụy Điển. Đến năm 1999, nước này đưa ra luật nghiêm cấm mại dâm. Chính phủ Thụy Điển tuyên bố đấu tranh không khoan nhượng với nạn mại dâm và lý giải tầm quan trọng xã hội của việc chống tệ nạn mại dâm: Mại dâm gây ra tác hại nghiêm trọng cho mỗi cá nhân cũng như toàn thể xã hội. Tội phạm có tổ chức bao gồm cả buôn người cho mục đích tình dục, buôn bán ma túy, cũng thường liên quan đến mại dâm.

Chính phủ Pháp đã đề ra những biện pháp ngăn chặn nạn mại dâm bằng cách phạt nặng người mua dâm. Theo quy định đề ra năm 2013, nếu tái phạm mua dâm sẽ bị phạt 6 tháng tù giam cùng với 9.800 USD. Môi giới mại dâm có thể bị phạt tù 7 năm. Một nghị sĩ nói rằng, cứ 10 gái bán dâm thì có 9 là nạn nhân của bọn buôn người. Pháp trở thành nước châu Âu thứ năm trừng phạt nặng hành vi mua dâm, cùng với Thụy Điển, Na Uy, Iceland và Anh.

Giữa tháng 7/2016, Bộ trưởng Bộ Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul tuyên bố đóng cửa tất cả nhà chứa và quán bar, gái gọi trên toàn quốc với các chiến dịch mạnh tay đầu tiên nhắm đến trung tâm du lịch Pattaya. Nữ Bộ trưởng muốn thúc đẩy ngành du lịch, thu hút khách du lịch giàu có đến với Thái Lan vì vẻ đẹp và sự thịnh vượng, chứ không vì những phố đèn đỏ nhiều tai tiếng. (Nhưng làm điều đó sẽ không dễ dàng, nạn mại dâm ở Thái Lan đã trở thành “quá mù ra mưa”!).

Còn đây là kết luận của nhiều nhà khoa học trên thế giới: Một số Chính phủ cho rằng nên "hợp pháp hóa mại dâm để dễ kiểm soát". Ở các khách sạn lớn, các khu giải trí, các vùng du lịch đều có các "dịch vụ hộ tống". Các Chính phủ và các nhà làm luật ở các nước này tin rằng: Việc cho phép mại dâm công khai với các biện pháp như cấp giấy phép, quy hoạch khu đèn đỏ... sẽ giúp quản lý tốt hơn các vấn nạn mà mại dâm gây ra. Nhưng thực tế sau nhiều năm lại khác hẳn, hợp pháp hóa mại dâm đã trở thành "một giấc mơ quan liêu ướt át". Các nước này thường không đạt được những mục tiêu đề ra mà còn làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Và hành động của chúng ta

Khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội và trách nhiệm hành động để chúng ta đẩy mạnh công tác PCMD. Những người còn tư tưởng trông chờ nhà nước có thể thay đổi chính sách PCMD cũng không còn “cơ hội” để lừng khừng nữa.

Để Việt Nam không có “phố đèn đỏ” thì trách nhiệm không phải chỉ của riêng ngành du lịch, mặc dù du lịch liên quan đến khách du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện-nơi dễ xảy ra mại dâm.

Trách nhiệm PCMD là của cả xã hội, trước hết là các cấp chính quyền. Gốc rễ để ngăn chặn mại dâm có hiệu quả là phát triển kinh tế-xã hội. Các loại tội phạm phải giảm. Phòng chống tham nhũng có hiệu quả thực sự. Sao cho sự ấm no đến mỗi gia đình, không ai vì thiếu thốn, đói khổ mà phải tặc lưỡi “liều một phen” hoặc vì túng quẫn mà bị bọn lừa đảo dụ dỗ vào con đường bán dâm. Nhưng chỉ ấm no thôi cũng chưa đủ. Một số người bán dâm không phải vì miếng cơm manh áo mà do lối sống thực dụng, đua đòi, hưởng thụ. Do vậy, cuộc sống ấm no phải gắn liền với truyền thông, giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biết tự bảo vệ phẩm giá trước các cám dỗ của cuộc sống.

Nhưng cũng không thể chờ đến khi đất nước đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” để mại dâm tự giảm đi mà phòng chống mại là nhiệm vụ cấp bách. Hơn nữa, để đạt mục tiêu chung đó, PCMD có hiệu quả góp phần quan trọng.

Chương trình của Chính phủ về PCMD trong giai đoạn hiện nay với các nhiệm vụ đã rất cụ thể: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về PCMD; thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế-xã hội tại địa bàn cơ sở; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong PCMD; đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Từ chương trình của Chính phủ, cần trở thành kế hoạch hành động mang tính quyết liệt, sự phối hợp thống nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra giám sát việc thực hiện của từng ngành, từng cấp. Các khu vực trọng điểm cần huy động cao lực lượng và nguồn lực. Phải sớm chấm dứt tình trạng: nơi môi giới mua bán dâm nhộn nhịp, gần như công khai, kéo dài, quần chúng bức xúc nhưng chính quyền sở tại báo cáo là không phát hiện ra; có nơi tỏ ra lúng túng, bất lực trước nạn mại dâm; có khi cả năm, một xã không có hoạt động gì về PCMD, mua bán người ngoài vài dòng sơ sài trong nghị quyết; người bán dâm bị chà đạp, bóc lột, muốn có vốn để trở về cuộc sống lương thiện… nhưng bị kỳ thị, không có tổ chức, cán bộ nào đến tiếp cận giúp đỡ; người có nguy cơ cao dẫn đến bán dâm nhưng không được tư vấn, hỗ trợ, vượt qua khủng hoảng. Kinh phí chi cho PCMD không được bố trí… Tất cả những điều đó dẫn đến nạn mại dâm vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và làm sói mòn lòng tin của người dân vào công tác này.

Từ khẳng định của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần nhìn nhận toàn diện, xốc lại, đổi mới đồng bộ công tác PCMD, từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đến chương trình, kế hoạch, giải pháp, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện, trong đó, mong Chính phủ, Thủ tướng quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Lê Hiền