Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ Công an, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế về thực hiện công tác phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm 8 tháng đầu năm 2016 Ngày đăng: 16/08/2016
Ngày 15⁄8⁄2016, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế về công tác phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm 8 tháng đầu năm 2016; Ông Đặng Thuần Phong Phó Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì hội nghị; Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và một số Ủy viên thường trực UBVCVĐXHQH; về các Bộ, ngành có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát; Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập và đại diện một số Cục, Vụ, của các bộ, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, 8 tháng đầu năm 2016 có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được thống kê, nâng tổng số cơ sở loại hình này lên hơn 126.000 cơ sở với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc, có nguy cơ cao nếu không được quản lý chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên. Hiện còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 của các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 8.577 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 3.068 cơ sở vi phạm (tăng 1.068 lượt cơ sở và 365 cơ sở vi phạm so với cùng kỳ năm 2015). Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 616 cơ sở; phạt tiền 1.899 cơ sở với số tiền phạt hơn 18 tỷ 823 triệu đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 158 cơ sở và 395 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; tịch thu số tiền vi phạm; tịch thu số tiền góp vốn để sử dụng mục đích mua bán dâm).

Công tác đấu tranh, truy quét: 732 lượt tại các địa điểm công cộng, (tăng 216 lượt so với cùng kỳ năm 2015), triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 377 vụ với 1.432 đối tượng (tăng 34 vụ và giảm 1.017 đối tượng so với cùng kỳ năm 2015), trong đó người bán dâm là 834 người, mua dâm 294 người, chủ chứa, môi giới 304 người.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với 547 vụ/736 bị can, so với cùng kỳ năm 2015 số vụ án giảm là 08 vụ (tỷ lệ 1,46 %), nhưng tăng 117 bị can (tỷ lệ 15%) (trong đó, án mới khởi tố 359 vụ/516 bị can, gồm các tội: chứa mại dâm: 175 vụ/231 bị can, môi giới mại dâm: 216 vụ /282 bị can, mua dâm người chưa thành niên: 04 vụ/03 bị can). Viện kiểm sát đã truy tố: 364 vụ/486 bị can, giảm so với cùng kỳ năm 2015 là 01 vụ (tỷ lệ 0,27%), 25 bị can (tỷ lệ 5,1%) (trong đó: chứa mại dâm: 179 vụ/ 236 bị can, môi giới mại dâm: 181 vụ /244 bị can, mua dâm người chưa thành niên: 04 vụ/ 06 bị can).

Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 491 vụ với 644 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm (tăng 49 vụ, 41 bị can so với cùng kỳ năm 2015); đã giải quyết, xét xử 404 vụ với 520 bị cáo, đạt tỷ lệ 82,3%. Trong các vụ án đã xét xử, có 205 vụ/253 bị cáo phạm tội chứa mại dâm, 178 vụ/232 bị cáo phạm tội môi giới mại dâm và 3 vụ/6 bị cáo phạm tội mua dâm người chưa thành niên; các Toà án đã tuyên phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với 17 bị cáo; 3 năm đến 7 năm đối với 129 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 229 bị cáo và cho 116 bị cáo được hưởng án treo (chiếm 23,6%)...

Về công tác phòng, chống bạo lực giới, giảm hại và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm, tiếp tục xây dựng và duy trì 428 mô hình hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, số người được hưởng lợi từ mô hình: 2.066 lượt người bán dâm, 10.286 lượt người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, các chương trình can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng, chú trọng các hỗ trợ xã hội, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc…) còn đang trong giai đoạn thí điểm, triển khai chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn lực nên số người được tiếp cận còn rất ít so với thực tế, chủ yếu tập trung hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục. Thời gian thí điểm ngắn, chưa đủ cơ sở thực tiễn để xây dựng các chính sách, pháp luật cho phù hợp; trong 08 tháng đầu năm 2016 có 485 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng, trong đó: 224 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 153 lượt người được tư vấn trợ giúp pháp lý; 37 lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 71 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh 456 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ kinh phí trong và ngoài nước. Có khoảng 880 người bán dâm tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm tại các tỉnh, thành phố.

Về người nghiện ma túy, theo thống kê, rà soát của Bộ Công an cả nước hiện có 202.604 người nghiện, tăng 2.470 người so với cuối năm 2015 (200.134 người). Người nghiện ma túy đã xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi.

Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, xu hướng nghiện ma túy tổng hợp đang tăng nhanh, đặc biệt là người sử dụng nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, Cỏ Mỹ, Lá khát, Kẹo cười, Trà sữa... và các chất hướng thần khác. Người sử dụng bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, có nguy cơ gia tăng tội phạm gây mất trật tự, an ninh và an toàn xã hội, điển hình như: Thành phố Hồ Chí Minh số người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm trên 48%, Đà Nẵng 85%, Tây Ninh 61%, Trà Vinh 49%. Phần lớn người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoang tưởng trong đó nhiều trường hợp đã có hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Đến hết tháng 7/2016, các cơ sở cai nghiện ma túy trong cả nước đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 24.123 người, trong đó: cơ sở công lập 18.893 người (12.258 người cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện 3.301 người, quản lý sau cai tại cơ sở là 3.334 người); các cơ sở cai nghiện tư nhân là 5.230 người; Cai nghiện tại gia đình, cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng là 25.397 người, trong đó, cai nghiện tại cộng đồng là 5.513 người, quản lý sau cai tại cộng đồng là 19.884 người.

Về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có 58/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 251 cơ sở điều trị cho 46.443 người;  ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo triển khai tại 28 cơ sở có chức năng điều trị Methadone trong đó: 15 cơ sở điều trị cho 2.434 người (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên, Bắc Giang, Hòa Bình và thành phố Hồ Chí Minh); 13 cơ sở có chức năng điều trị Methadone nằm trong cơ sở cai nghiện đa chức năng và cơ sở tự nguyện đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định về điều trị Methadone.

Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, đến nay, đã có 27/63 tỉnh, thành phố thành lập cơ sở xã hội để tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã tiếp nhận, quản lý 14.715 người, trong đó: 4.245 người sau khi vào cơ sở xã hội đã xác định được nơi cư trú ổn định và đã đưa họ về địa phương để lập hồ sơ quản lý, giáo dục theo Luật xử lý vi phạm hành chính, 305 người không xác định được tình trạng nghiện cũng đã được trả về địa phương; 7.820 người được Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hiện các Cơ sở xã hội đang quản lý 2.345 người.

Phát biểu kết luận Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh: 8 tháng đầu năm mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng công tác phòng chống tội phạm ma túy, công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi, công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS của các Bộ, ngành đã đạt được những kết quả khả quan, để công tác phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống AIDS từ nay đến cuối năm có hiệu quả các bộ, ngành cần phải thực hiện một số công việc cấp bách sau:

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc triển khai các chương trình phòng chống ma túy, mại dâm, AIDS từ nay đến cuối năm, thường xuyên sơ kết, đánh giá kết quả triển khai, kịp thời rút kinh nghiệm để thực hiện công việc có hiệu quả.

- Thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên qua đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phát hiện những điểm chưa phù hợp hoặc vướng mắc đề xuất biện pháp tháo gỡ để tiếp tục triển khai có hiệu quả trong những tháng cuối năm.

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn về kinh phí đảm bảo có nguồn lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS, tội phạm ma túy, tội phạm liên quan đến mại dâm, tăng cường các hoạt động giảm hại, giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng./.

                                                                                                          CNP