Nhóm Tự lực giúp người cai nghiện tại cộng đồng Ngày đăng: 04/07/2016
Bồ Công Anh là một Nhóm Tự lực được thành lập từ ngày 14⁄4⁄2015 tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, ban đầu có 13 thành viên, gồm 01 nhóm trưởng, 1 phó nhóm tài chính, 1 phó nhóm giám sát nhập số liệu và 10 tiếp cận viên thuộc nhóm người bán dâm, Nam quan hệ đồng giới và người sử dụng ma túy. Đến nay, nhóm đã phát triển thành 30 thành viên gồm 01 Trưởng Ban Điều hành, 2 phó nhóm 09 tiếp cận viên là người bán dâm, 04 tiếp cận viên là người từng sử dụng ma túy và 07 tiếp cận viên Nam quan hệ đồng giới và 07 tiếp cận viên hỗ trợ cai nghiện tự nguyện.

Nhóm đã cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho những đối tượng đích người sử dụng ma túy, Nam quan hệ đồng giới và người bán dâm như truyền thông trực tiếp, phát tài liệu, phát vật phẩm, chuyển gởi dịch vụ, hỗ trợ điều trị Methadone và STI, cai nguyện tự nguyện tại phường Phương Sơn và Phương Sài Tp Nha Trang nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tại cộng đồng.

Trưởng nhóm là Đặng Thị Hồng Nhung trước đây cũng là người nghiện ma túy, nay đã cai nghiện nên rất hiểu về nhu cầu của người nghiện khi cai. Nhung tâm sự: nếu trước đây có sự hỗ trợ của những người bạn ở trong nhóm như hiện nay em đã không bị trượt dài vào nghiện ngập. Chính vì vậy, khi Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội  Khánh Hòa và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai hỗ trợ 6 điểm cai nghiện tự nguyện trên địa bàn thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang (2 điểm Phương Sơn và Phước Hải) huyện Diên Khánh, Ninh Hòa,Vạn Giã, nhóm Bồ Công Anh được sự tín nhiệm của Chi Cục đã thêm cơ hội tham gia vào công tác hỗ trợ người sử dụng ma túy cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Địa điểm tổ chức tại Trạm y tế Phương Sơn và Văn Phòng Liên Minh Bồ Công Anh.

Theo Trưởng nhóm Bồ Công Anh, trước khi vào cai khách hàng thường lo lắng về chất lượng dịch vụ, nhưng khi tham gia vào chương trình có sự hỗ trợ của Chi Cục PCTNXH, SCDI và tiếp cận viên của nhóm, các khách hàng rất hài lòng về chương trình này. Sau khi được hỗ trợ khách hành ổn định sức khỏe rời khỏi chương trình đã ý thức được việc nghiện ma túy có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và duy trì hành vi tốt, phấn đấu không tái sử dụng ma túy. Đồng thời, giới thiệu chương trình điều trị tự nguyện đến với các bạn là người đang mắc nghiện tiếp cận với chương trình để được hỗ trợ.

Một trong những thuận lợi của nhóm trong quá trình triền khai hỗ trợ chăm sóc khách hàng là tiếp cận viên trước đây hầu hết là người đã từng sử dụng ma túy,việc hỗ trợ cai nghiện có những khó khăn riêng nên người đã từng sử dụng ma túy sẽ nắm bắt và hiểu một cách cặn kẽ nhu cầu, tâm lý của người cai nghiện để có cách tiếp cận và hỗ trợ kịp thời. Nhóm hiểu rằng người hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng không chỉ cần có sự nhiệt tình chăm sóc là đủ mà còn phải có kỹ năng trợ giúp tâm lý với người đang cai nghiện. Để làm được điều này Ban Điều hành đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn kỹ năng làm việc với người sử dụng ma túy cho các tiếp cận viên để nâng cao hiệu quả hoạt động của những người này khi giúp đỡ người cai nghiện.

Từ tháng 4/2016 đến nay, với một thời gian ngắn nhóm đã rất tích cực hoạt động hỗ trợ cắt cơn cho 16 khách hàng là người nghiện ma túy(heroin). Từ kết quả ban đầu khách hành tìm đến xin được hỗ trợ ngày càng nhiều, nhóm coi đó là niềm động viên khích lệ trong công việc. Tính đến thời điểm này, lượng khách hàng đăng ký tham gia vào chương trình ngày càng nhiều song điều kiện hỗ trợ, cơ sở vật chất có hạn, vì thế nhóm phải lập một danh sách khách hàng để có thể lần lượt trợ giúp. Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, nhóm đã tổ chức các buổi truyền thông về kỹ năng dự phòng tái nghiện cho người nghiện và gia đình để giúp họ có nhận thức đúng về công tác cai nghiện và làm tốt việc giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng. Trong truyền thông nhóm huy động được sự tham gia của người đã sử dụng ma túy trực tiếp trao đổi với cộng đồng nên có hiệu quả cao.

Tuy đã có những kết quả bước đầu song vẫn còn những khó khăn cần khắc phục để nâng cao hiệu quả hỗ trợ người nghiện cai nghiện tại cộng đồng như: đến thời điểm này số tiếp cận viên của nhóm tăng lên 30 người, một số tiếp cận viên không có gia đình, không có nhà ở nên Văn phòng trở thành ngôi nhà chung của các bạn. Đa phần các tiếp cận viên tham gia vào chương trình hỗ trợ cai nghiện còn thiếu các kỹ năng, chưa được tham gia các buổi tập huấn chuyên sâu về việc hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy.

Sự phối kết hợp giữa cán bộ y tế và anh em hỗ trợ chưa chặt chẽ dẫn đến một số trường hợp chưa thống nhất khi khách hàng đến tư vấn cai nghiện. Cơ sở vật chất hiện nay tại Trung tâm y tế và Văn phòng còn thiếu, hạn chế nên ảnh hưởng  đến hiệu quả trong công việc hỗ trợ cho khách hàng tham gia chương trình cai nghiện. Cộng đồng dân cư còn mặc cảm, chưa được sự đồng thuận cao. Một số anh chị em mới từ Trung tâm CBGDLĐXH trở về cha mẹ mất, anh chị em ruột còn kỳ thị vì thế khó khăn trong việc nhập khẩu, đăng kỳ học nghề, tìm việc làm ổn định đời sống.

Có thể nói sự tham gia của các Nhóm Tự lực trong việc hỗ trợ người nghiện cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng là một nét mới trong công tác cai nghiện hiện nay, những người đã từng sử dụng ma túy được tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng để giúp người cùng cảnh ngộ quyết tâm cai nghiện là sự thay đổi trong việc tiếp cận về điều trị nghiện ma túy. Cộng đồng cần có các nhìn tích cực hơn về người nghiện, họ là người bệnh và hơn ai hết cần được giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông để vơi đi nỗi đau nghiện ngập và sự kỳ thị xa lánh của cộng đồng, để từ đó họ đứng dậy vươn lên giúp đỡ người cùng cảnh ngộ hòa nhập cộng đồng. Hy vọng với những mô hình mới này cần được đánh giá, nhân rộng khơi dậy tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại để mọi người hiểu và gần gũi hơn với người nghiện ma túy, giúp đỡ họ thoát khỏi vực thẳm ma túy trở về trong vòng tay ấm áp của cộng đồng./.

                                                                                                  CNP