Cần xử lý hình sự mua, bán “lá Khát” Ngày đăng: 04/07/2016
Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma tuý báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xây dựng hướng dẫn xử lý chất ma túy trong cây “lá Khát”. Theo đó, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đề nghị xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm liên quan đến “lá Khát”.

Ma túy gắn mác “chùm ngây”

Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với Chi cục Hải quan Sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) và các lực lượng chức năng vừa phát hiện hàng trăm kiện hàng với hơn 4,7 tấn “lá Khát” được nhập lậu trái phép vào Việt Nam. Những lô hàng này chủ yếu được gửi từ Ethiopia, Kenya (châu Phi) về Việt Nam qua đường bưu điện.

Tại sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng chức năng phát hiện hơn 200 bưu kiện (2,7 tấn) “lá Khát” gửi qua đường bưu điện. Điển hình ngày 24/5, phát hiện và tạm giữ 128 kiện với 1.556 kg “lá Khát”, trong đó có gần 500 kg “lá Khát” đóng trong 52 kiện đang làm thủ tục chuẩn bị gửi đi Mỹ, Anh, Úc.

Còn tại TP.HCM, lực lượng chức năng cũng phát hiện và tạm giữ khoảng 2 tấn “lá Khát”. Điều đáng nói, để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng đã phù phép “lá Khát” bằng cách ủ men đóng gói sẵn và khai báo là “chè đen”, “chè xanh”, “lá henna” hoặc gửi dưới phương thức là quà biếu.

Điển hình Công ty TNHH dịch vụ thương mại H. N. (tại Hà Nội) có gửi đi 11 kiện với 108 kg “lá Khát” đóng trong túi bạc màu trắng có dán nhãn mác là Moringa leave pure, natural dried leave (tên tiếng Việt là Chùm ngây khô, tinh chất tự nhiên) gửi đi Mỹ và đi Úc. Đây là những kiện hàng do công ty nhập khẩu về sau đó đóng gói nhãn mác của công ty rồi vận chuyển đi các nước tiêu thụ.

“Vì Việt Nam là một nước xuất khẩu chè, nên các đối tượng vận chuyển về Việt Nam, sau đó trà trộn vào các loại thảo mộc khô dưới hình thức chè, cây nguyên liệu không chứa chất ma túy để hợp lý hóa nguồn hàng để tránh sự kiểm soát của các nước khác” - Đại tá Mai Sơn Cương, Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy nhận định.

Đáng chú ý, một số lượng không nhỏ “lá Khát” do đã khai báo gian dối nên đã qua mặt cơ quan Kiểm dịch thực vật (thuộc Bộ NN&PTNT) và được cơ quan này cấp giấy phép xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên do lô hàng có nhiều bất thường nên lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và bắt giữ.

Đại tá Mai Sơn Cương cho biết, theo kết quả giám định tại Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) các mẫu “lá Khát” đều có thành phần chất ma túy Cathione nằm trong danh mục I, số thứ tự: 9, Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Ngăn chặn “lá Khát” vào Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, trong “lá Khát” có thành phần chất ma túy Cathione (nằm trong danh mục I, Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép “lá Khát” có chứa thành phần ma túy Cathione không được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015.

Để có cơ sở xử lý hình sự đối với các đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép “lá Khát”, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã có văn bản đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma tuý báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chính sách xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm liên quan đến “lá Khát”.

Trước tình hình phức tạp của việc nhập lậu trái phép “lá Khát” vào Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết Cục đã trao đổi với các ngành liên quan, có biện pháp phòng ngừa, không để cho chất ma túy nguy hiểm này xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi có điện yêu cầu lực lượng Cảnh sát ĐTTP ma túy của 63 tỉnh, thành cùng với Cục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, đặc biệt là lực lượng Hải quan và kiểm soát cửa khẩu để ngăn chặn bằng được việc vận chuyển cây “lá Khát” vào Việt Nam và đưa đi nước ngoài".

Chất ma túy nguy hiểm

Theo Đại tá Mai Sơn Cương, “lá Khát” (còn có tên gọi catha, thiên đường) là cây chứa chất ma túy được trồng nhiều ở khu vực Sừng châu Phi, tập trung chủ yếu ở Ethiopia, Kenya.

“Lá Khát” thuộc nhóm cần sa tổng hợp, là cây chứa chất ma túy Cathoine được quy định trong danh mục I, Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là chất tuyệt đối cấm, kể cả sử dụng trong y tế và nghiên cứu khoa học.

“Lá Khát” là ma túy rất độc, khả năng gây nghiện rất cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người như gây nên hiện tượng điên loạn, là một trong những tác nhân gây ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng, ung thư răng, thậm chí tước đoạt đi mạng sống của người sử dụng.

Khi sử dụng “lá Khát” người sử dụng sẽ phụ thuộc vào nó và không kiểm soát được hành vi, có thể làm bất kỳ điều gì mà người bình thường không thể làm được như bơi lội trên vũng nước, hoang tưởng có người nào đó theo đuổi mình, leo trèo lên tháp chùa cao mấy chục mét. Thậm chí gây ra trọng án về hình sự.

Đại tá Mai Sơn Cương cũng cho biết qua công tác trinh sát đến nay vẫn chưa phát hiện việc sử dụng “lá Khát” ở Việt Nam mà chủ yếu là nhập về và xuất đi.

                                                                  Theo Huy Hà (Trang Tiếng Chuông)