Tăng cường cơ chế phối hợp trong chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, mua bán Ngày đăng: 19/07/2024
Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo 'Nâng cao ứng phó có điều phối với bạo lực giới và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân giữa các cơ quan trong mạng lưới chuyển tuyến của Ngôi nhà bình yên'

Ngày 8/3/2007, mô hình nhà tạm lánh đầu tiên tại Việt Nam dành cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán trở về mang tên Ngôi nhà Bình yên ra đời tại Hà Nội và được nhân rộng ở Cần Thơ vào năm 2018.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 chỉ rõ: Mặc dù nạn nhân là nam giới bị bạo lực gia đình có xu hướng tăng so với năm 2022 nhưng tỷ lệ nạn nhân là nữ giới vẫn chiếm 81,2%, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam).

Bên cạnh đó, tình hình mua bán người cũng có những xu hướng thay đổi so với những năm trước. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2020, số nạn nhân mua bán người là phụ nữ, trẻ em chiếm khoảng 73%; từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, con số này là khoảng 60%.

Số lượng nạn nhân là nam giới tăng do mắc bẫy việc nhẹ lương cao sang làm việc tại các sòng bài, casino ở Campuchia, Lào hoặc bị bóc lột, cưỡng bức lao động trên các thuyền đánh cá thông qua môi giới lao động biển ("cò" ngư phủ).

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, trong suốt quá trình vận hành, phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển hay Ngôi nhà bình yên đã nỗ lực xây dựng mạng lưới phối hợp với các bên liên quan thông qua việc ký kết Kế hoạch phối hợp, xây dựng cơ chế làm việc trong hỗ trợ nạn nhân.

Đặc biệt, từ hoạt động thực tiễn của Ngôi nhà bình yên, trong bối cảnh các ca bạo lực ngày một nghiêm trọng, phức tạp, để có thể hỗ trợ toàn diện và bền vững cho 1 nạn nhân của bạo lực giới, cần rất nhiều sự vào cuộc, chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thúy Hiền bày tỏ mong muốn Ngôi nhà bình yên của Hội không chỉ là nơi chốn bình yên của phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới mà sẽ là nơi kết nối với các Tổ chức/cá nhân - là chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới bàn các giải pháp làm tốt hơn công tác phòng chống bạo lực giới; để Nhà bình yên tiếp tục là căn cứ thực tiễn minh chứng cho công tác bảo vệ nhân quyền của Việt Nam; đóng góp tiếng nói trong quá trình vận động chính sách; cũng như địa chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, thực hành nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, góp ý để cùng nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của Ngôi nhà bình yên; tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp trong chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân; đồng thời trao đổi các giải pháp nhằm tăng thêm nguồn lực cho hoạt động của Ngôi nhà bình yên.

K.Dung (t/hợp)