Một số kinh nghiệm tổ chức điều trị nghiện ma túy tại Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng Ngày đăng: 16/06/2016
Tên gọi ban đầu của Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng là Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm 05-06 tỉnh Lâm Đồng), được thành lập năm 2001. Gần 12 năm Trung tâm thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là cai nghiện, chữa bệnh cho các "đối tượng" là người nghiện ma túy và người hoạt động mại dâm được chủ tịch UBND cấp huyện đưa vào quản lý, giáo dục tập trung bằng một quyết định hành chính. Trong thời gian đó, số lượt người bị bắt buộc phải vào Trung tâm là 1.322, trong đó có 1.288 lượt người nghiện ma túy và 234 lượt người hoạt động mại dâm.

Trung tâm đã từng đối diện với các áp lực nặng nề như học viên tổ chức bạo động, bỏ trốn, thường xảy ra các tình huống gây rối. Ở một góc độ nhất định nào đó, Trung tâm đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng, một số người đã bỏ hẳn nghiện ma túy và thành công trên con đường lập thân lập nghiệp, một số đã trở thành những điển hình cai nghiện thành công, được nhận giấy khen, bằng khen từ các cơ quan trung ương và địa phương. Thế nhưng, ở nhiều góc độ khác, bộ máy nhân sự dành cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh vẫn chiếm tỉ lệ khá cao - đôi khi áp đảo cả đội ngũ chuyên viên công tác xã hội, và số đông đối tượng khi ra khỏi Trung tâm có cảm giác như thoát khỏi một nơi hạn chế quyền tự do của mình.

Trước những khó khăn vướng mắc về cơ chế và quan điểm, nhận thức được những tồn tại về hiệu quả trong hoạt động, Trung tâm 05-06 Lâm Đồng đã cố gắng tìm một lối đi riêng: Cố gắng xem trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy vai trò của cá nhân người nghiện; xây dựng giải pháp tác nghiệp dựa trên vấn đề và nhu cầu của người nghiện, xây dựng đội ngũ tự quản và thân nhân người nghiện thành lực lượng thứ hai tham gia vận hành các hoạt động chuyên môn. Kết quả có vẻ khả quan hơn, nhưng trên nền tảng pháp lý hiện hữu, những cố gắng đó chỉ làm mềm hóa, làm giảm nhẹ đi yếu tố bắt buộc, và khi bắt buộc là chủ đạo thì yếu tố tự giác điều chỉnh của cá nhân luôn chỉ đạt đến mức giới hạn không cao.

Từ giữa năm 2013, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, Trung tâm đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phải tự điều chỉnh mình trên cơ sở những yêu cầu bức xúc của thực tế cuộc sống. Các cơ sở, căn cứ đặt nền móng cho sự chuyển đổi của Trung tâm chính là những yêu cầu bức xúc từ cuộc sống:

Thứ nhất, Hiến pháp 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã có cái nhìn mới về người nghiện. Người nghiện được bảo đảm các quyền về nhân thân, không bị bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bằng một quyết định hành chính, được bảo vệ nếu chứng minh được mình không bị lệ thuộc bởi ma túy, sẽ không còn tình trạng người nghiện bị đưa vào các Trung tâm ngoài ý muốn của họ. Và như vậy, nếu không tự điều chỉnh mình, Trung tâm sẽ không còn người đến cai nghiện.

Thứ hai, nhu cầu của gia đình người nghiện. Thân nhân người nghiện luôn tồn tại những yêu cầu mâu thuẫn - vừa muốn Nhà nước đưa người thân của mình vào các Trung tâm để cai nghiện, vừa sợ người thân bị ngược đãi, bị lây nhiễm các loại bệnh, bị tiêm nhiễm thêm các thói xấu khi phải sống trong môi trường tập trung của một Trung tâm cai nghiện. Nói cách khác, họ vừa muốn được giúp đỡ, vừa chưa đủ lòng tin vào hiệu quả của một Trung tâm cai nghiện công lập.

Thứ ba, chính bản thân người nghiện có những nhu cầu rất chính đáng. Bên cạnh nhiều người nghiện cố tình vi phạm pháp luật vẫn có một số người muốn nhưng không đủ sức để tự từ bỏ nghiện. Ngay cả nhiều người nghiện sống trái pháp luật vẫn có những khoảnh khắc ước ao mình không bị nghiện. Họ muốn thoát nghiện nhưng không muốn đến các cơ sở cai nghiện tập trung vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân rất thật là phải đối diện với sự tù túng, sự đe dọa thường nhật của các cơ sở cai nghiện này.

Nhận thức được những nhu cầu ấy, Trung tâm Lâm Đồng đứng trước sự lựa chọn: hoặc phải thay đổi hoặc không tồn tại như một thực thể có ích. Sự thay đổi (nếu có) phải bắt đầu từ trong nhận thức, thay đổi từ sự chủ động đến với thân chủ chứ không chờ đợi thân chủ được đưa đến, thay đổi trong chất lượng nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên, và trước hết là phải đáp ứng đúng nhu cầu của những người cần đến dịch vụ.

Bắt tay vào quá trình chuyển đổi, Trung tâm gặp không ít khó khăn: Cơ sở vật chất chật hẹp (tổng đầu tư xây dựng 8 tỉ, công suất tiếp nhận thường xuyên 177 người), đội ngũ nhân viên ít ỏi (ngân sách chỉ chi trả cho 17 vị trí việc làm), chưa có mô hình thực tế để tham khảo, cơ sở pháp lý của nhiều hoạt động chưa đầy đủ. Bù lại, Trung tâm có nhiều thuận lợi: được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hơn 10 năm, sự hợp tác của cộng đồng rất chặt chẽ và hiệu quả, thương hiệu của đơn vị đã được thừa nhận, đặc biệt đội ngũ nhân viên xã hội dù ít nhưng khá nhạy bén với cái mới, luôn sẵn sàng tiếp cận và thực hiện các giải pháp mới.

Để thực hiện quá trình chuyển đổi, Trung tâm Lâm Đồng đã thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Một là, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của mình. Tháng 9/2015, Trung tâm lập Đề án thay đổi tên gọi (từ Trung tâm 05-06 thành Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng), bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm (tăng điều trị tự nguyện, giảm quản lý sau cai, lập phòng Tư vấn và điều trị ngoại trú, hợp pháp hóa các Văn phòng tư vấn cộng đồng đã thành lập trước đó). Với Nghị quyết 98 của Chính Phủ và các hướng dẫn của Bộ Lao động - TBXH, đầu tháng 11/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định về việc thay đổi tên gọi và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo đề nghị của Trung tâm. Cuối tháng 12/2015, Trung tâm triển khai đầy đủ các nội dung theo đề án được duyệt.

Hai là, nhanh chóng và triệt để thực hiện chuyển đổi nhận thức và phong cách làm việc. Từ đầu tháng 01/2016, Trung tâm ráo riết quán triệt các nguyên tắc và phương châm làm việc mới, trong đó tinh thần chủ đạo là tinh thần phục vụ. Nhận thức về tính phục vụ, tinh thần phục vụ đối với thân chủ là người nghiện được lồng vào tất cả các văn bản chỉ đạo, điều hành và phương pháp làm việc của đơn vị trong năm 2016. Toàn bộ quy chế làm việc, quy chế thi đua hiệu quả, quy tắc ứng xử đều được điều chỉnh. Phong cách làm việc theo hướng quản lý cai trị trước đây được yêu cầu thay đổi sang phong cách phục vụ. Từng bộ phận và cá nhân được yêu cầu hoặc thay đổi nhận thức hoặc phải rời khỏi bộ máy. Tuy không dễ dàng, nhưng đến cuối quý I/2016 đa số nhân viên đã thực sự chuyển mình theo yêu cầu về nhận thức mới.

Ba là, điều chỉnh và hoàn thiện các phương thức trị liệu. Trên cơ sở các giải pháp công tác xã hội chuyên nghiệp đối với hoạt động điều trị nghiện ma túy, các giải pháp điều trị tại Trung tâm được hệ thống hóa thành ba nhóm: giáo dục trị liệu, sinh hoạt trị liệu và lao động trị liệu. Các quy chế, quy trình điều trị được thay đổi theo hướng tăng sự hợp tác của người vào điều trị. Học viên được lựa chọn từ điều kiện phục vụ (chọn phòng ở, chọn thực đơn, chọn bạn cùng ăn…) đến tự chọn liệu trình và thời gian điều trị. Đồng thời với sự lựa chọn và hợp tác, học viên được yêu cầu cao về tính kỷ cương trong quá trình điều trị. Cả thầy và trò đều phải đảm bảo kỷ cương. Thầy được yêu cầu "Rèn thầy trước, luyện trò sau", trò được yêu cầu "Kỷ cương, sòng phẳng và trách nhiệm". Định kỳ 2 tuần có chương trình "Trò chuyện với Giám đốc", định kỳ 2 tháng có "Đối thoại giữa học viên và lãnh đạo", định kỳ 6 tháng có "Khảo sát sự hài lòng" dành cho học viên và thân nhân đối với từng nhóm công việc và từng chức danh công tác tại Trung tâm.

Một số quy trình công tác xã hội như Quản lý trường hợp, tư vấn nhóm - tư vấn cá nhân, vãng gia, chuyển gửi dịch vụ y tế và xã hội được thực hiện. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật được yêu cầu có nội dung xoay quanh trục chủ đề phục vụ.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động can thiệp dự phòng trên cộng đồng. Năm 2014, Trung tâm mở Văn phòng tư vấn cai nghiện ma túy tại thành phố Đà Lạt, năm 2015 mở Văn phòng tư vấn tại huyện Đức Trọng, nửa đầu năm 2016 mở thêm Văn phòng tư vấn tại huyện Lâm Hà, cuối 2016 sẽ có thêm văn phòng tư vấn tại huyện Di Linh. Đây là các địa phương có đông người nghiện ma túy của Lâm Đồng. Nhiệm vụ chính của các văn phòng bao gồm: truyền thông dự phòng nghiện và tái nghiện; tư vấn cho cá nhân và tập thể có nhu cầu; tập huấn kỹ năng công tác xã hội cho các đội Công tác xã hội tình nguyện và Tổ công tác của địa phương; thực hiện chương trình “Đồng hành cùng học viên sau cai”, chuyển gửi các dịch vụ y tế - xã hội; hỗ trợ điều trị nghiện tại gia đình và cộng đồng. Các hoạt động này đã đáp ứng đúng nhu cầu của các địa phương, góp phần tháo gỡ khó khăn khi số lượng người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng tăng.

Năm là, tăng cường sự hợp tác, liên kết với các nguồn lực từ cộng đồng. Với quan niệm Trung tâm là nơi làm việc chung của mọi người và với cơ chế tự chủ về trách nhiệm từ rất sớm, Trung tâm đã gây dựng được nhiều đầu mối cộng tác trách nhiệm đáng quý và góp phần khá lớn vào hiệu quả công tác. Có thể kể đến một số đầu mối chính như trường Đại học Đà Lạt (liên kết về kỹ năng và nguồn nhân lực), cơ sở y tế tất cả các tuyến (về điều trị và chăm sóc sức khỏe), các sở ngành cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện (theo chức năng và phân cấp quản lý địa bàn), các đoàn thể xã hội, các tôn giáo, Ban liên lạc thân nhân học viên. Các đầu mối này đã cung cấp các nguồn lực rất tốt, đồng thời tích cực góp phần quảng bá ảnh hưởng và thương hiệu của Trung tâm ra cộng đồng.

Sáu là, không ngừng đầu tư tôn tạo cảnh quan môi trường - cả môi trường thiên nhiên lẫn môi trường xã hội. Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng là Trung tâm có công suất tiếp nhận không lớn, có suất đầu tư thấp nhưng từ lâu đã được công nhận là một Trung tâm xanh và thân thiện. Từ đường nét kiến trúc, quy hoạch đến cây xanh, bồn hoa, tiểu cảnh đều được chọn lọc và được chăm chút đầu tư, để một Trung tâm cai nghiện không còn bị xem là nơi giam giữ tù túng theo cách hiểu truyền thống mà mỗi ngày đi gần hơn đến cách nghĩ là môi trường thân thiện, phù hợp cho mỗi người tự vấn về sự vấp ngã và cách đứng dậy và đi tới.

Qua hơn nửa năm thực sự đi vào quá trình chuyển đổi, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu Trung tâm đã tạo được những kết quả đáng khích lệ, đó là:

- Xây dựng hoàn chỉnh nhận thức, quy trình, quy tắc ứng xử theo nguyên tắc phục vụ; gắn liền với các phương pháp làm việc công tác xã hội khoa học.

- Xây dựng được mạng lưới cộng tác chặt chẽ và hiệu quả từ cộng đồng.

- Hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống các văn phòng tư vấn, làm cho các văn phòng này trở thành chỗ dựa cho các địa phương trong nhiệm vụ điều trị nghiện ma túy. Trong năm 2015, có 701 lượt thân chủ được tư vấn, 16 buổi truyền thông cộng đồng, 126 lượt học viên được vãng gia, 3 đợt huấn luyện cho đội Công tác xã hội tình nguyện của các xã phường.

- Xây dựng được môi trường, cảnh quan ngày càng thân thiện.

- Bước đầu thu hút được nhiều người đến điều trị tự nguyện. Trong 5 tháng đầu năm 2016, có 179 người nghiện được điều trị tập trung, trong đó có 163 người đến điều trị tự nguyện (chiếm tỉ lệ 91% tổng số người điều trị) với thời gian ngắn nhất là hơn 4 tháng, điều trị dài nhất là 14 tháng.

Chỉ mới thực hiện chuyển đổi mô hình trong một thời gian ngắn, kết quả đạt được ban đầu còn khá khiêm tốn, nhưng cái được lớn nhất mà Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng đã có đó là quyết tâm thực hiện chuyển đổi. Có quyết tâm, có vận dụng tốt nhất các tri thức khoa học vào thực tiễn mới có hy vọng đạt kết quả chuyên môn, đạt lòng tin với cộng đồng./.

Dương Đức Thành

Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng