Cần tháo gỡ khó khăn trong việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay Ngày đăng: 17/05/2016
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng đến cuối năm 2015, tổng số người nghiện ma túy cả nước khoảng 204.377 người, trong đó 19% là người nghiện ma túy tổng hợp. Hiện có 57⁄63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, với 239 cơ sở, điều trị cho 43.720 người. Đến tháng 6-2015, cả nước mới đưa được khoảng 3,6 nghìn trường hợp vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do vậy tình hình người nghiện ở ngoài xã hội chưa được quản lý, điều trị gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả làm giảm tệ nạn ma túy cần nhiều nỗ lực, trong đó có việc tháo gỡ những vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý người nghiện gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Từ ngày 1-7-2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân (TAND) xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014.

Để hướng dẫn thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành biểu mẫu lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc; TAND tối cao ban hành một số mẫu văn bản của TAND trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế gặp một số khó khăn vướng mắc như: Theo quy định của Nghị định 221/2013/NĐ-CP, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện. 

Tại Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định áp dụng với đối tượng nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cơ trú ổn định. Nhưng để xác định tình trạng nghiện ma túy thì bác sỹ, y sỹ bắt buộc có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Song với một số địa phương, nhiều trạm trưởng y tế cơ sở cũng chưa có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma tuý do Sở Y tế cấp theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Mặt khác, theo Luật Phòng chống ma túy quy định, người được coi là nghiện ma túy thì một trong tiêu chí bắt buộc là phải lệ thuộc vào ma túy, tức là sau 24 tiếng phải xuất hiện hội chứng sau cai nhưng theo Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định không được tạm giữ hành chính với đối tượng liên quan đến ma túy.

Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định việc quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện quyết định, nhưng hiện tại các ngành liên quan chưa tổ chức tập huấn và có văn bản hướng dẫn cấp cơ sở thống nhất cách lập hồ sơ, quy trình xét duyệt người nghiện đi cai nghiện bắt buộc dẫn đến sự lúng túng của các địa phương, khi thực hiện quy trình xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, quy định quy trình xét duyệt quá dài gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ, Nghị định 221/2013/NĐ-CP cũng quy định người bị áp dụng cai nghiện bắt buộc được thông qua việc lập hồ sơ và được đọc, sao chép hồ sơ, đây là quy định không phù hợp với thực tế vì tâm lý người nghiện khi biết bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thường có tâm lý trốn tránh các cơ quan chức năng. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khiến công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/CP về việc giao các tổ chức chính trị - xã hội (hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…) quản lý đối tượng nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục hơn 30 ngày để đưa đi cai bắt buộc, trong khi các tổ chức này không có chuyên môn y tế, cơ sở vật chất. Cùng với đó là sự chưa vào cuộc của chính quyền cấp xã trong công tác tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.

Trong những khó khăn đó, một số địa phương đã tìm ra hướng đi cho mình. Hiện nay, Hà Nội đang áp dụng 5 hình thức cai nghiện nhằm giảm người nghiện, trong đó có cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/NĐ- CP. Theo đó, TP Hà Nội đã ban hành quy chế 7144/QĐ về trình tự thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Năm 2015, các trung tâm đã tiếp nhận cai nghiện tự nguyện cho hơn 1.800 trường hợp. 

Song với các trường hợp cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm thì cả năm 2015, lực lượng Công an các cấp mới đưa được 133 người đi cai nghiện bắt buộc; đưa 182 lượt người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các trung tâm để lưu trú tạm thời chờ tòa án ra quyết định.

Để có biện pháp giảm người nghiện trong cả nước nói chung, cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Nghị định 221/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan để phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi trong công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cùng với việc đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu tác hại của ma túy, pháp luật phòng chống ma túy;  gia đình cần phối hợp với các tổ chức xã hội tạo sân chơi lành mạnh cho các em, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên giúp các em tránh xa ma túy./.

(Theo Xuân Mai báo CAND)