Vượt qua cám dỗ… Ngày đăng: 01/04/2016
Từng đắm chìm trong ma túy, giờ đây chị Nguyễn Thị Hằng đã đổi thay. Chị quyết tâm dành phần đời còn lại để vun đắp cho Trung tâm “Nắng cuối trời”, với mong ước đưa những con người lầm lỡ vì ma túy cùng chung tay chống lại ma túy và chống lại thảm họa của HIV⁄AIDS.

Chia sẻ với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về ý tưởng thành lập “Nắng cuối trời”, chị Hằng cho hay, có thời gian chị đã từng nghiện ma túy 6 năm liền. Chị bắt đầu sử dụng kim tiêm từ năm 2009. Chính vì thiếu hiểu biết, nên chị đã sử dụng chung kim tiêm với người nhiễm HIV. Khi thấy bạn nghiện của mình chết vì AIDS, lúc đấy chị biết mình đã mắc phải căn bệnh thế kỷ. Lúc đó, mọi thứ trước mắt chị như sụp đổ. Sau đó, nhờ có động viên của gia đình nên chị đã vượt qua được cơn khủng hoảng, chị quyết tâm đi cai nghiện ở trung tâm và được điều trị ARV trong trung tâm vào đầu năm 2010.

Đoàn kết để vượt qua cám dỗ 

Chính vì đã từng là người nghiện ma túy, nên chị Hằng hiểu được nỗi khổ của người nghiện. Ai cũng biết tác hại của ma túy rất khủng khiếp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn tiền, dễ dẫn đến phạm tội, nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua sự cám dỗ của ma túy. Vì vậy, chị Hằng muốn giúp những người nghiện và từng nghiện quãng thời gian khó khăn, vượt qua cám dỗ và mặc cảm bản thân để có cuộc sống như những người bình thường khác.

“Nắng cuối trời” được thành lập từ ngày 12/8/2011 và nhanh chóng trở thành mái nhà chung của những người nghiện ma túy và những người nghiện sống chung với HIV ở Vĩnh Phúc. Lý giải về tên “Nắng cuối trời”, chị Hằng cho biết, khi các thành viên nòng cốt trong nhóm tin tưởng, bầu chị làm trưởng nhóm, chị Hằng đã nỗ lực, dồn hết công sức để phát triển “Nắng cuối trời”. Chị cho rằng, tất cả mọi người đều là những tia nắng. Dù tia nắng rất nhỏ nhưng cần cho sự sống, là người cần luôn luôn hướng thiện nên những tia nắng nhỏ cuối trời sẽ đoàn kết, gắn bó, cùng đồng tâm hiệp lực vượt mọi khó khăn. 

Đặc biệt, “Nắng cuối trời” được ra đời đúng dịp Dự án Vusta - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS bắt đầu triển khai trên “địa bàn trắng”. Do đó, nhóm đã nhận được rất nhiều hỗ trợ của dự án, từ kinh phí hoạt động, văn phòng, hoạt động nhóm, tập huấn kỹ năng, vật phẩm…

Khi mới thành lập, "Nắng cuối trời" đã gặp rất nhiều khó khăn. Cả nhóm phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng, bởi rất nhiều người vẫn nhìn nhận những người đã từng sử dụng ma túy và nhiễm HIV/AIDS với thái độ phân biệt và thiếu thiện cảm.

Chị Hằng kể: "Bà con hàng xóm ban đầu nhìn chúng tôi rất dè chừng. Ngay từ khi biết nhóm chúng tôi hoạt động tại căn nhà đó, những đứa trẻ hằng ngày chơi nhảy dây, đá bóng trước cổng đã rời đi. Những bờ tường của nhà hàng xóm trước kia chỉ là những hàng rào thấp để trang trí, nay đã xây cao vút lên bằng xi măng kiên cố. Những chiếc cổng bình thường của những ngôi nhà xung quanh nay được gia chủ gia cố chắc chắn với nhiều lớp khóa bảo vệ... Chỉ có những thành viên nhóm hằng ngày lặng lẽ ra vào. Thậm chí, khi dựng biển "Nắng cuối trời" lên đầu nhà, Công an phường đến bắt dỡ xuống vì tưởng chúng tôi tụ tập nghiện ngập".

Tuy nhiên, sau khi thấy hiệu quả hoạt động của “Nắng cuối trời”, mọi người đã thay đổi cách nhìn nhận về nhóm. Sau đó, nhóm cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ phía chính quyền, địa phương… Ví dụ, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội của tỉnh đã hỗ trợ cho nhóm kết nối với các ban, ngành, đoàn thể  khác để có thể tiếp cận nhanh hơn, cũng như là để cung cấp các gói dịch vụ y tế tốt hơn. Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động do dự án hỗ trợ, hiện nay “Nắng cuối trời” cũng tham gia một số hoạt động khác của địa phương trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhờ hoạt động hiệu quả, hiện “Nắng cuối trời” có đến 14 thành viên nòng cốt, con số đồng đẳng viên, cộng tác viên của nhóm đã lên tới 800 người, bao gồm cả những người đã từng sử dụng ma túy và những người đang sử dụng ma túy. "Nắng cuối trời" chủ yếu sử dụng yếu tố tinh thần, ý chí của người được tiếp cận. Các thành viên phân tích cho họ và gia đình những tác hại khôn lường của những người nghiện ma túy; động viên họ đừng vì ánh mắt kỳ thị của cộng đồng mà buông xuôi cuộc sống của chính mình... Mưa dầm thấm lâu, những tác động tâm lý ấy đã khiến người nghiện ma túy và hành nghề mại dâm dần lấy lại được niềm tin và nghị lực.

Dự phòng lây nhiễm HIV cho người nguy cơ cao nhiễm HIV

Dưới sự tài trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, công việc thường nhật của các thành viên, cộng tác viên của “Nắng cuối trời” là dự phòng lây nhiễm HIV cho những người nghiện chích ma túy, nguy cơ cao nhiễm HIV. Hàng ngày họ tìm đến những người nghiện ma túy để cung cấp bơm kim tiêm sạch. Đồng thời, truyền thông các kiến thức dự phòng lây nhiễm, nâng cao kiến thức phòng tránh, vận động xét nghiệm HIV tự nguyện và chuyển gửi điều trị ARV.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV trong năm 2015, chị Hằng cho biết, nhóm nhận chỉ tiêu tiếp cận 600 người sử dụng ma túy trên địa bàn Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, đến gần cuối năm thì nhóm đã vượt qua chỉ tiêu đó, tiếp cận được hơn 700 người, dịch vụ cung cấp cho nhóm đối tượng này phải đạt từ 70-80%, nhưng nhóm đã đạt đến 95%. Nhóm luôn luôn vượt chỉ tiêu, đặc biệt, có một chỉ tiêu “Nắng cuối trời” đã đạt được hơn so với các nhóm khác, đó là vận động được 100% trường hợp phát hiện dương tính HIV tiếp cận điều trị ARV. Cụ thể, nhóm đã vận động được 750 lượt người xét nghiệm tư vấn HIV, trong đó 58 trường hợp phát hiện dương tính; phân phát được hơn 100.000 bơm kim tiêm, bao cao su; tổ chức các buổi truyền thông kiến thức về HIV, tác hại của ma túy, quy trình điều trị Methaodone, ARV…

Mỗi tháng, những thành viên nòng cốt của “Nắng cuối trời” nhận được 1,1 triệu đồng tiền hỗ trợ để thực hiện dự án. Số tiền không nhiều, bên cạnh công việc này, họ phải tranh thủ làm những công việc khác để có đồng chi tiêu, nhưng tất cả mọi người đều muốn tham gia, vì họ muốn khẳng định bản thân mình với gia đình và xã hội rằng họ là những người có ích. Đôi khi, các thành viên còn đóng tiền để tự tổ chức các buổi picnic, chia sẻ kinh nghiệm, động viên tinh thần những người cùng cảnh ngộ.

Chị Hằng cho hay, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại kết quả là những con số cụ thể, mà còn mang lại niềm vui, tinh thần, giúp cho những người sử dụng ma túy muốn làm lại cuộc đời. Hiện tại, niềm vui lớn của chị Hằng là “Nắng cuối trời” đã thực có được sự tin tưởng của cộng đồng. Vì trước kia, có những gia đình cho con là người nghiện ma túy đến tham gia nhóm, họ phải đi theo để giám sát, theo dõi, nhưng bây giờ mọi người đã rất tin tưởng nhóm, đặt toàn bộ niềm tin vào “Nắng cuối trời”.

Đối với việc cung cấp dịch vụ, nhiều người nghiện đã không còn gặp khó khăn khi muốn được tư vấn xét nghiệm tự nguyện, các bạn được những bác sĩ chuyên môn tư vấn, có kinh phí hỗ trợ đi đến địa điểm để xét nghiệm… “Tất cả những dịch vụ này quá thuận tiện cho họ, vì vậy sức khỏe của họ được nâng cao vì họ thường xuyên được tư vấn, xét nghiệm, khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hoặc đối với những người muốn điều trị Methadone, hay điều trị tại nhà, thì họ cũng được tư vấn rất cẩn thận. Những việc này thật sự có lợi ích cho những người sử dụng ma túy. Còn đối với những thành viên nòng cốt, dự án đã đem đến sự đoàn kết cho các thành viên trong nhóm, giúp cho các thành viên trong nhóm được tụ hội dưới một “mái nhà” yêu thương, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, vượt khó và vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tăng khả năng điều hành nhóm, khả năng sử dụng công nghệ thông tin…”, chị Hằng chia sẻ.

Cầu nối “se duyên” hạnh phúc

Không chỉ giúp chị Hằng vươn lên, vượt qua số phận, chính dự án còn là cầu nối “se duyên” giữa chị và phu quân của chị. Chị Hằng chia sẻ: Trước đó, trong khi đang lang thang tìm thuốc ở Hà Nội, chị bất ngờ gặp một “bạn nghiện” cũ tên Minh, hiện làm việc cho Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Anh ấy khuyên chị tham gia vào dự án xã hội giúp cai nghiện và phòng chống lây nhiễm HIV. Khi tôi đến đó, tôi đã gặp Hải - chồng chị hiện nay. Anh ấy đã cai được ma túy và khuyên chị nên bỏ. Anh ấy là một người nghiện nặng, nhưng giờ lại bỏ được. Điều đó khiến chị suy nghĩ rất nhiều.

Nhờ có sự tận tâm của anh Hải mà chị Hằng dứt hẳn được cơn nghiện, cuộc sống dần trở nên bình thường nhưng mặc cảm về HIV thì vẫn còn đeo đẳng chị Hằng. Để có thể xóa bỏ mặc cảm và chăm sóc cho chị Hằng cả đời, anh Hải đã quyết định cầu hôn với chị Hằng dù biết chị nhiễm HIV. Ban đầu chị nhất định từ chối bởi sợ sẽ lây HIV sang anh Hải. Nhưng bằng tình cảm chân thành, anh Hải đã thuyết phục chị đồng ý. Anh dạy chị cách sử dụng máy vi tính, giúp chị liên hệ với các tổ chức phòng, chống ma túy, lây nhiễm HIV ở địa phương và hỗ trợ thực hiện các hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.

Hiện nay, hai anh chị đã có một bé trai kháu khỉnh, do có kiến thức tốt về dự phòng lây nhiễm HIV nên bé trai của anh chị hoàn toàn khỏe mạnh. Có lẽ đây chính là món quà mà tạo hóa ban tặng cho anh chị vì những đóng góp của anh chị đối với cộng đồng, là kết tinh hạnh phúc giúp anh chị vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Niềm hạnh phúc sáng bừng trong khóe mắt, chị Hằng tâm sự: "Có bé con kháu khỉnh, khỏe mạnh là điều tôi đã không dám nghĩ đến. Nhưng tất cả đang là sự thật. Không phải là giấc mơ. Vợ chồng tôi sẽ chăm sóc con thật tốt, cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp cho “Nắng cuối trời” tiếp tục phát triển, vì tôi biết có thể vẫn còn rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ".

Theo Thùy Chi (Trang Tiếng chuông)