An Giang với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 22/02/2016
Trong những qua, công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội, nạn nhân bị mua bán trở về có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội; giúp nạn nhân có điều kiện học văn hóa, học nghề, cơ hội việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Từ năm 2011 đến nay, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang, Trung tâm Bảo trợ tiếp nhận và hỗ trợ 37 nạn nhân bị mua bán từ tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các nước Trung Quốc, Campuchia, Nga, Malaysia trở về.

Sau khi trở về, có 20 em tự nguyện lưu trú tại Cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tại đây, các em được hỗ trợ ăn, nghỉ; khám sức khỏe ban đầu; tư vấn hỗ trợ tâm lý, pháp lý, hướng nghiệp, dạy nghề; cung cấp thông tin về phòng, chống mua bán người để tránh tái bị mua bán; tham vấn về kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp cùng địa phương và gia đình đưa các em về tái hòa nhập cộng đồng. Đối với những trường hợp không lưu trú tại Cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, các huyện, thị xã, thành phố làm hồ sơ, thủ tục hỗ trợ nạn nhân học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu.

Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phỏng vấn 33 phụ nữ, trẻ em tại thị xã Tân Châu nhằm xác định là nạn nhân bị mua bán trở về để thực hiện hỗ trợ, qua đó, đã nhận diện được 13/33 nạn nhân tự trở về. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng tự tạo việc làm, kỹ năng sản xuất, kinh doanh nhỏ”; “Kỹ năng giám sát mô hình tín dụng tiết kiệm nhóm” cho các nạn nhân trên và giải ngân cho 12 nạn nhân có nguyện vọng vay vốn làm ăn với tổng kinh phí: 52.000.000 đ.

Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và tổ chức Vòng Tay Thái Bình xây dựng 11 căn nhà tình thương cho nạn nhân bị mua bán trở về đang gặp khó khăn về nhà ở, trong đó tổ chức Vòng Tay Thái Bình tại An Giang  hỗ trợ 08 căn, chi phí xây dựng cho mỗi căn nhà khoảng 50 triệu đồng và một số vật dụng thiết yếu, hỗ trợ cho 17 nạn nhân vay vốn làm ăn, sửa chữa nhà; mua phụ tùng sửa xe đạp; nguyên liệu làm tóc và móng với số tiền là 75 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, Nhà Nhân Ái đã tiếp nhận 12 nạn nhân vào lưu trú học nghề may, nghệ thuật uốn tóc, trang điểm và làm móng; chi phí học nghề cho mỗi em bình quân 15 triệu đồng.

Ngoài ra, Chi cục PCTNXH phối hợp với Báo An Giang, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang đăng 15 tin, bài và phóng sự tuyên truyền về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức buổi truyền thông theo dạng sân khấu hóa với nội dung hát ca ngợi quê hương, đất nước và thực hiện vở cải lương “Cạm bẫy” để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, với hơn 500 người tham dự. Cấp phát 20.000 tờ rơi, tài liệu, bướm tuyên truyền về phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Duy trì hoạt động đường dây nóng 180055576 nhằm tư vấn về di cư an toàn, tiếp nhận và cung cấp thông tin về mua bán người, giới thiệu các địa chỉ hỗ trợ an toàn, tin cậy cho nạn nhân bị mua bán trở về. Trong 5 năm qua, đường dây nóng đã tiếp nhận 1.500 cuộc gọi với nội dung thăm hỏi, tư vấn hỗ trợ dạy nghề, sửa chữa nhà, mua bán nhỏ của các nạn nhân và gia đình, thông qua đó, cập nhật tình hình tái hòa nhập của những nạn nhân tại cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng gặp một số khó khăn như: nạn nhân bị mua bán trở về thường có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp, dạy nghề, một số nạn nhân thiếu nhận thức, quen cách sống đua đòi, thiếu ý chí vươn lên, sau khi được tiếp nhận trở về lại tiếp tục rời địa phương tìm việc làm ngoài tỉnh hoặc tái nghề. Nhiều nạn nhân bị mua bán trở về không tự khai báo với chính quyền địa phương do mặc cảm, sợ bị kỳ thị của cộng đồng nên cán bộ địa phương không thực hiện các thủ tục xác định là nạn nhân bị mua bán trở về không cập nhật được thông tin; không thực hiện các thủ tục pháp lý; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

T.H