Chỗ dựa cho người nghiện ma túy sau cai Ngày đăng: 03/02/2016
Hơn 10 năm qua, những tình nguyện viên (TNV) của các Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn phát huy vai trò tích cực của mình trong tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng. Những việc làm của họ thực sự là “cầu nối” giữa chính quyền cơ sở với người sau cai và gia đình họ, góp phần quan trọng làm giảm tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố nói riêng và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương nói chung.

Phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) có 156 người nghiện có hồ sơ quản lý, từ lâu được xác định là một trong những địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội bởi nơi đây có nhiều lao động từ các địa phương khác về tạm trú làm ăn, buôn bán. Để hỗ trợ chính quyền địa phương ổn định an ninh trật tự cũng như giúp những người nghiện sau cai làm lại cuộc đời, Đội công tác xã hội tình nguyện của phường đã "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Chủ nhiệm CLB B93 kiêm Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Chương Dương Lê Hồng Hạnh, cho biết: Các TNV của Đội đều có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết luôn tìm mọi biện pháp tiếp cận người nghiện và gia đình họ để tuyên truyền về tác hại của ma túy, tư vấn các hình thức cai nghiện phù hợp, nhờ đó đã tạo được lòng tin với  người sau cai và thu hút họ tham gia vào CLB B93, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của phường; với những người nghiện có nhiều tiến bộ, thuyết phục họ tham gia tuyên truyền và trực tiếp là báo cáo viên tại các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ; tham gia đóng vai trong các tiểu phẩm tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa nhân ngày thế giới phòng, chống ma túy. Thông qua các hoạt động đó đã giúp người nghiện giảm mặc cảm, thêm tự tin và hoàn toàn tin tưởng vào các tình nguyện viên, sẵn sàng chia sẻ mọi tâm tư, tình cảm và vướng mắc trong cuộc sống.

Ngoài việc giúp đỡ trực tiếp người nghiện ma túy, đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tình nguyện viên còn chủ động đề nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho các gia đình này được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống. Với những việc làm thiết thực, các tình nguyện viên đã giúp nhiều người nghiện ma túy sau cai của phường đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời.

Đội công tác xã hội tình nguyện của phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) có 20 thành viên, đã duy trì hoạt động được hơn 10 năm, là một trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố trong việc giúp được nhiều người nghiện sau cai từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định. Đội trưởng kiêm Chủ nhiệm CLB B93 phường Ngọc Thụy, bác Lê Hồng Quân  vốn là giảng viên Học viện Hậu Cần. Khi về nghỉ hưu, bác luôn trăn trở trước tình hình tệ nạn ma túy đang hàng ngày hàng giờ xâm nhập vào giới trẻ, trong đó có cả các con em đồng đội của bác. Không làm ngơ trước thực trạng đó, bác tham gia vào Đội công tác xã hội tình nguyện, chủ nhiệm Câu lạc bộ B93. Là Đội trưởng, bác luôn nhắc nhở các tình nguyện viên trong Đội của mình rằng, tình nguyện viên ngoài nhiệt tình, tâm huyết cần phải có tình yêu thương sâu sắc và lòng vị tha bao dung, độ lượng đối với người nghiện ma túy.

Với phương châm đó, bác và các tình nguyện viên trong Đội luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người nghiện và gia đình; đồng thời, thường xuyên gặp gỡ bạn bè, anh em họ hàng để tuyên truyền, vận động; giúp hàn gắn mối quan hệ giữa người nghiện với gia đình, họ hàng. Không chỉ vậy, bác còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm việc làm cho người sau cai nghiện. Nhờ những việc làm thiết thực đó, bác Quân cùng các tình nguyện viên trong Đội đã giúp 21 người từ bỏ ma túy trở thành công dân tốt, trong đó có 3 người trên 13 năm chưa tái nghiện.

Từ năm 2003 đến nay, thành phố Hà Nội đã nhiều lần kiện toàn mô hình đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn. Toàn thành phố hiện có 584 đội công tác xã hội tình nguyện với trên 5.000 TNV tham gia các hoạt động khá nền nếp. Đa số TNV đều là những người có uy tín với cộng đồng dân cư nên thuận lợi trong việc tiếp cận, quản lý, giúp đỡ người nghiện. Chính sự nhiệt huyết của họ đã giúp các hội, ngành, đoàn thể ở cơ sở ngày càng phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, hạn chế người nghiện mới phát sinh, số điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm. 

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), từ đầu năm đến nay, các Đội công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận, tư vấn trực tiếp cho hơn 35.000 lượt người nghiện và gia đình họ; vận động được 350 người đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm; phân công quản lý, giúp hơn 600 người sau cai tại nơi cư trú; tham gia viết gần 700 tin, bài cung cấp cho ban văn hóa thông tin xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh…

Hình ảnh những TNV không kể tuổi tác, không quản nắng mưa đang hàng ngày, hàng giờ đến từng nhà người nghiện và gia đình họ để tuyên truyền, tư vấn, vận động đã trở nên quen thuộc ở các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hình ảnh đẹp đó đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của thành phố, được Bộ LĐ-TB&XH biểu dương và ghi nhận.

K.H (tổng hợp)