Điều trị thay thế bằng Methadone: Những khó khăn Ngày đăng: 04/01/2016
Thời gian qua, công tác cai nghiện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã giúp hàng nghìn người ổn định cuộc sống, có thu nhập, góp phần giảm tội phạm, lây nhiễm HIV, ổn định xã hội. Tuy nhiên, công tác này đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Điều đầu tiên phải kể đến là sự nhẫm lẫn giữa các khái niệm dẫn đến cách hiểu, truyền thông và xử lý công việc chưa thật chính xác.

Theo đó, cần phải hiểu sự khác nhau giữa cai nghiện ma túy với điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (điều trị thay thế); sự khác nhau giữa thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện với thuốc điều trị thay thế.

Nghị định 94/2010/NĐ-CP nêu rõ, cai nghiện ma túy thuộc lĩnh vực giảm cầu trong phòng chống ma túy. Các biện pháp y tế, tâm lý, xã hội… được áp dụng nhằm giúp người nghiện bỏ sử dụng ma túy, hòa nhập cộng đồng.

Trong khi đó, tại Nghị định 96/2012/NĐ-CP quy định, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là việc sử dụng thuốc thay thế để điều trị người nghiện chất dạng thuốc phiện” thuộc lĩnh vực giảm tác hại trong phòng chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy.

Bên cạnh đó, thuốc hỗ trợ cắt cơn, giải độc của quy trình cai nghiện hiện nay có nhiều loại như: thuốc trong phác đồ An thần kinh (do Bộ Y tế ban hành), Bông sen, Cedemex, Heantos, Kamat…thành phần chính của thuốc này thường là các thuốc có tính chất an thần, bồi bổ, nâng cao sức khỏe để giúp người cai nghiện vượt qua giai đoạn đầu khó khăn nhất khi dừng sử dụng ma túy (giảm thiểu các phản ứng của cơ thể thường gọi là “hội chứng cai nghiện” khi người nghiện “đói” ma túy). Thời gian sử dụng thuốc thường 1-2 tuần đến 1 tháng.

Trong khi đó, thuốc điều trị thay thế cho người nghiện nhóm thuốc phiện (nhóm thuốc phiện gồm thuốc phiện, dolargan, morphine, heroine…) là các chất đồng vận với nhóm thuốc phiện (tạm hiểu là có tính dược lý như nhóm thuốc phiện) như các chất Methadone, Buprenorphine, suboxone… thường dùng bằng đường uống.Thuốc điều trị thay thế thực chất là chất gây nghiện được Liên Hợp Quốc quy định là “thuốc”.Điều trị thay thế là điều trị hàng ngày (hoặc cách nhật), có thể phải dùng suốt đời.Hiện nay, nhiều nước đã dừng hoặc hạn chế phương pháp điều trị thay thế.

Như vậy, cai nghiện ma túy và điều trị thay thế là hai phương pháp hoàn toàn khác nhau cũng như tính chất dược lý, mục tiêu sử dụng, cách sử dụng, thời gian sử dụng của thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc điều trị thay thế là khác nhau hoàn toàn..

Thứ hai, là thiếu sự kết hợp các dịch vụ xã hội.

Cuối năm 2015, tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, có 305 người điều trị bằng Methadone, chiếm 43,6% số người nghiện cả huyện. Riêng thị trấn Sìn Hồ có 93 người điều trị, chiếm 66,4% số người nghiện. Theo Trung tâm y tế dự phòng huyện thì có người sau khi điều trị mua được xe máy, nạn trộm cắp giảm. Thực tế cho thấy, ngoài những người nghiện lâu năm, nghiện quá nặng, nếu được tư vấn tốt, tự nguyện tham gia chương trình thì điều trị thay thế còn phù hợp với các vùng miền núi, nơi người nghiện vẫn chủ yếu dùng thuốc phiện, heroin, nghiện lâu năm, gia cảnh nghèo khó.

Tuy nhiên, xã và huyện cũng cho biết, ngoài tổ chức điều trị thay thế thì nhìn chung, chưa có biện pháp gì khác giúp đỡ người uống Methadone. Nhiều nơi khác cũng vậy.

Trước mắt và lâu dài, những vấn đề cần tập trung khắc phục, xử lý là: hạn chế tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị (có nơi đến 25% ngay trong giai đoạn đầu); bệnh nhân sử dụng lại heroin và cả ma túy đá (methamphetamine) trong quá trình điều trị và buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy bất hợp pháp; không có công ăn việc làm ổn định; tham gia điều trị thay thế để trốn tránh cai nghiện bắt buộc; dẫn đến nghiện methadone và các hệ lụy …

Trong chuyến thăm và làm việc của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cuối năm 2009 tại Hoa Kỳ về chương trình sản xuất Methadone, các chuyên gia Hoa Kỳ đã khuyến cáo “điều trị thay thế nghiện bằng Methadone đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương, kết hợp các dịch vụ xã hội khác, nếu chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể giải quyết được và kém hiệu quả…cần chú ý sử dụng đúng liều (quá liều có thể gây tử vong hoặc ngộ độc, dùng lâu không giảm liều có thể nghiện chất thay thế…)”.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng 

Để khắc phục những khó khăn đã nêu trên, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ các lực lượng để thực hiện nhiều “dịch vụ xã hội”. Cụ thể, chung tay tư vấn cho người điều trị; quan tâm đến chương trình giảm liều cho bệnh nhân để không gây nghiện methadone (cai nghiện sẽ khó khăn gấp nhiều lần so với nghiện nhóm opiat) và phòng chống ảnh hưởng đến con cái của họ (theo 1 nghiên cứu được thông báo, tại Mỹ hơn 10 năm qua, có hơn 130.000 trẻ em (năm 2013 có 27.000 em) mới sinh ra đã lệ thuộc vào chất gây nghiện trong đó có Methadone, do mẹ các em đang dùng các loại này. Các hội chứng biểu hiện là biếng ăn, nôn chớ, tiêu chảy nặng, nhạy cảm với các kích ứng nhỏ nhất.Hiện nay, cứ 19 phút có 1 em sinh đã lệ thuộc chất gây nghiện.Hơn 5 năm qua, hơn 100 trẻ em tử vong).

Ở các vùng cao, từ thôn bản đến trạm y tế xã có khi xa hàng chục cây số, đường đất đi lại chưa thuận lợi, có khi phải đi bộ, nếu đến điểm Methadone cấp huyện còn xa hơn, do vậy, nếu có phương cách đưa thuốc đến tận thôn bản sẽ là một cách phục vụ hợp lý nhất. Tại một số nước, họ cho dùng buprenorphine, bệnh nhân 2-3 ngày dùng 1 lần hoặc dùng suboxone (tổng hợp của buprenorphine và naloxone) bệnh nhân có thể mang về cho 10-15 ngày sau khi đã kiểm tra độ tin tưởng của bệnh nhân.

Lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ địa bàn để xử lý nghiêm các ổ nhóm buôn bán ma túy, nhất là buôn bán nhỏ, lẻ để ngăn chặn người điều trị thay thế ít có cơ hội mua ma túy sử dụng; bên cạnh việc chống kỳ thị người nghiện, tư vấn để không sử dụng ma túy thì vẫn quản lý theo dõi chặt chẽ người điều trị thay thế sử dụng ma túy.

Pháp luật cần bổ sung các điều khoản, nếu người điều trị thay thế sử dụng ma túy thì không những đưa ra khỏi chương trình điều trị mà cần đưa ngay vào chương trình cai nghiện bắt buộc, nhất là người lợi dụng chương trình để sử dụng ma túy trái phép mà không bị xử lý.

Cân nhắc việc triển khai các chương trình điều trị thay thế trong trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng hay chú trọng tăng cường việc quản lý ma túy thẩm lậu vào các cơ sở này. Thực tế phạm nhân có tiền sử nghiện các chất dạng thuốc phiện, sau một vài tháng không còn xuất hiện hội chứng cai, ổn định thể chất và tinh thần, đáp ứng công tác lao động cải tạo. Khi họ không còn sử dụng ma túy, phục hồi và thời gian chấp hành án dài thì việc áp dụng điều trị thay thế là không phù hợp, không khoa học và lãng phí nguồn lực.

Ủy ban nhân dân, các ban, ngành ở cơ sở luôn là lực lượng quan trọng phối hợp với gia đình trong việc hỗ trợ bệnh nhân: tư vấn mọi mặt, thăm hỏi, con cái học hành, lập các Câu lạc bộ, các sinh hoạt văn hóa- thể thao tại cộng đồng, giải quyết khủng hoảng tâm lý, các khó khăn về kinh tế, công ăn, việc làm…Những người điều trị thay thế có kết quả tốt thời gian qua không tách rời sự quan tâm, chăm lo của gia đình và cộng đồng xã hội.

Các cơ quan chức năng cần tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát thật sự khách quan, khoa học về kết quả điều trị thay thế để có các giải pháp xử lý đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Lê Hiền