Phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội- còn đó những khó khăn Ngày đăng: 18/12/2015
Tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng đã và đang gây ra tác hại nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, nét đẹp văn hóa, sức khỏe của người dân, làm tăng lây nhiễm HIV⁄AIDS và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn cả nước nói chung và đối với người dân thủ đô nói riêng. Thực hiện Quyết định 679⁄QĐ-TTg ngày 10⁄5⁄2011 Phê duyệt chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 và Chỉ thị số 22⁄CT-TTg ngày 15⁄10⁄2013 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm như: Kế hoạch số 89⁄KH-UBND ngày 16⁄7⁄2011 thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 23⁄CT-UBND ngày 07⁄11⁄2013 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình hiện nay. Theo đó, đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo đến các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; chỉ đạo các cấp xây dựng và đưa việc phòng chống mại dâm thành nghị quyết chuyên đề của đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của nhân dân về tệ nạn mại dâm; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện và tuần tra, khảo sát, kiểm tra các tụ điểm mại dâm công cộng.

          Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm thành phố, các quận, huyện và sự vào cuộc của người dân, 5 năm qua, tình hình mại dâm trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, không có những điểm nổi cộm, phức tạp về mại dâm gây mất an ninh trật tự xã hội. Đã điều tra, khám phá 1.088 vụ/750 vụ môi giới, chứa mại dâm, dâm ô trẻ em, hiếp dâm, mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm (đạt 145% kế hoạch); xét xử 774/600 vụ án, liên quan đến tệ nạn mại dâm (đạt 129% kế hoạch). Quản lý, chữa trị, giáo dục 321/1000 người bán dâm và người bán dâm nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội số II. Hỗ trợ tạo việc làm tại cộng đồng cho 57/50 người bán dâm, đạt 102,5% kế hoạch.

Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (PLAN, CSAGA, LIGHT ), từ năm 2012 đến năm 2015, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội đã triển khai Dự án Hỗ trợ  xây dựng chính sách và thí điểm  mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục, kết quả, đã dạy nghề cho 90 người, hỗ trợ mô hình sinh kế cho 40 chị em hiện đã hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Nhân rộng mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã tại 79 xã, phường, thị trấn phức tạp về tệ nạn mại dâm, bình quân 82,4% tổng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, đạt 97% kế hoạch (năm 2011: 486/577 xã, đạt 84,4%; năm 2012: 420/577 xã, đạt 73%; năm 2013: 479/577 xã, đạt 83%; năm 2014: 522/584 xã, đạt 89,3% kế hoạch).

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng internet và các thiết bị điện tử thông minh, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Các đối tượng môi giới có thể cập nhật thông tin, hình ảnh và số điện thoại gái bán dâm lên các trang mạng để người mua dâm tự liên hệ, thỏa thuận giá cả và địa điểm mua bán dâm. Đã phát hiện người bán dâm là nam giới (chủ yếu là đồng tính nam). Nam cải trang thành nữ giới để hoạt động bán dâm ở các địa bàn công cộng (trong số này có cả trẻ vị thành niên). Mại dâm theo hình thức “gái gọi” có chiều hướng gia tăng, người bán dâm liên kết với nhau thành từng nhóm, hình thành đường dây liên tỉnh hoặc móc nối với các hướng dẫn viên du lịch nhằm cung cấp người bán dâm cho khách đến các địa điểm du lịch cả trong và ngoài nước. Hoạt động mại dâm có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp, người nước ngoài cấu kết với các đối tượng là người Việt Nam, tổ chức đường dây hoạt động mại dâm cho khách du lịch là người nước ngoài, việc mua, bán dâm nhận tiền, bố trí địa điểm đều thông qua “má mì” điều hành... Do vậy, việc đấu tranh, triệt phá và xử lý của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, những khó khăn về cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xử lý và giải quyết tình trạng mại dâm chưa triệt để. Công tác giúp đỡ người bán dâm tại cộng đồng kết quả còn hạn chế, cách tiếp cận cũng như các chính sách hỗ trợ, mới được triển khai nên chưa nhiều kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng chống mại dâm ở cơ sở thường không ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc, kỹ năng tiếp cận tư vấn hạn chế. Chưa có cơ sở pháp lý quy định xử lý hành chính vi phạm kích dục cho khách (bằng miệng, tay...) ở các quán gội đầu thư giãn, massage và mại dâm đồng tính (hiện nay hình thức hoạt động mại dâm này có chiều hướng gia tăng). Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố chưa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, mại dâm nên cũng ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý. Chưa có quy định tạm giữ người bán dâm quá 24 giờ nên khó khăn trong công tác điều tra, xét xử các vụ án do hầu hết người bán dâm là người ngoại tỉnh sau khi vi phạm thì họ hoạt động tại địa bàn khác, khi cần làm chứng tại phiên tòa thì không triệu tập được.

Để công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ngày càng tốt hơn, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền phòng, chống mại dâm, giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt Nam đến mọi tầng lớp nhân dân để cơ quan, tổ chức, gia đình chấp hành và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm; tăng cường trấn áp tội phạm liên quan đến mại dâm, triệt phá các tụ điểm, “khu vực”, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các địa bàn trọng điểm; điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm; xây dựng các mô hình hỗ trợ phù hợp tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm tiếp cận, sử dụng các dịch vụ can thiệp dự phòng, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững./.