CÔNG TÁC CAI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH Ngày đăng: 27/12/2015
Tỉnh Nam Định nằm ở phía Nam vùng châu thổ sông Hồng, là tỉnh có dân số đông, thuận lợi về giao thông, có cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nên Nam Định vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn trung chuyển ma túy, do đó các hoạt động của tội phạm và tệ nạn nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh luôn diễn biến phức tạp. Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, tại thời điểm tháng 11⁄2015, toàn tỉnh có 2.807 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghi nghiện là 1.023 người. Toàn tỉnh có 229 đơn vị hành chính cấp xã, 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 211⁄229 đơn vị cấp xã có người nghiện ma túy; 5⁄10 đơn vị cấp huyện có 100% số xã⁄phường⁄thị trấn trên địa bàn có người nghiện.

Là tỉnh sớm quan tâm đến công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, đặc biệt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đã được chuẩn bị, chỉ đạo, tổ chức triển khai từ giai đoạn 2005 - 2008, sau 03 năm thực hiện với kết quả ban đầu khả quan, ngày 06/7/2009 UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án “Tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng giai đoạn 2009 - 2014”. Từ năm 2015, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính Phủ.

Để triển khai thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND quy định các khoản đóng góp, mức đóng góp, chế độ miễn giảm, các khoản hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy, người bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm và người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Thực hiện Đề án cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng giai đoạn 2009 - 2014 và Đề án đổi mới công tác cai nghiện theo tinh thần Nghị quyết 98/NQ-CP. Từ năm 2011 đến tháng 11/2015, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 3.129 lượt người và điều trị thay thế bằng Methadone cho 1.583 người, trong đó kết quả cai nghiện tại gia đình cộng đồng chiếm tỉ lệ tương đối cao (1.521 người tương đương 32% tổng số người nghiện ma túy được điều trị, trung bình mỗi năm tổ chức cai nghiện cho 304 người), kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn trật tự an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác cai nghiện được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định tại Điều 5 và Điều 15 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Tất cả các xã, phường, thị trấn của huyện có người nghiện ma túy đã thành lập Tổ công tác cai nghiện. Trong đó, Công an các địa phương trực tiếp là các lực lượng Công an xã, cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã và phòng chống tội phạm về ma túy cùng với cán bộ LĐTBXH, Hội cựu chiến binh là lực lượng tích cực đi đầu trong hoạt động của Tổ công tác cai nghiện.

Bước đầu, tổ chức cho người nghiện, gia đình người nghiện khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện.

Tùy từng người nghiện cụ thể, Tổ công tác phân công thành viên tiếp cận vận động lần đầu. Người được phân công là người dễ dàng tiếp cận người nghiện, thấu cảm với người nghiện, đưa ra được cách giải quyết vấn đề của người nghiện, được gia đình người nghiện đồng thuận với cách giải quyết vấn đề và cam kết hợp tác thực hiện. Trong quá trình vận động, người vận động tư vấn cho người nghiện về điều trị nghiện ma túy, giúp họ hiểu về tác hại của ma túy và hậu quả của việc sử dụng ma túy, đồng thời thảo luận với họ về kế hoạch điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh và điều kiện của họ. Khi người nghiện bước đầu nhận thức được vấn đề, cán bộ cơ sở và các hội đoàn thể tại cộng đồng đến nhà thăm, tặng quà, tiếp tục động viên, tư vấn, hỗ trợ người nghiện tự tin, tự nguyện cai nghiện tại gia đình.

Khi người nghiện tự nguyện cai nghiện, bản thân hoặc gia đình làm đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện. Cảnh sát khu vực/Công an phụ trách xã tranh thủ phối hợp với cán bộ LĐTBXH và cán bộ Trạm Y tế phường xã thực hiện ngay việc lập hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 94/2010/NĐ-CP, trình chủ tịch UBND phường/xã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình đối với đối tượng và giao Tổ công tác cai nghiện triển khai thực hiện.

Ông Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Nam Định trao đổi kinh nghiệm

tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng

Gia đình người cai nghiện có trách nhiệm bố trí phòng cách ly, trong đó có sẵn các đồ dùng sinh hoạt, vệ sinh cho người cai nghiện; kiểm tra kỹ các đồ dùng cá nhân của người nghiện, loại trừ các chất ma túy. Trạm y tế cung cấp thuốc hỗ trợ cắt cơn; bố trí cán bộ điều trị cho người nghiện uống thuốc hỗ trợ cắt cơn làm cho người cai đỡ đau đớn và ngủ sâu, sau đó theo dõi tình hình sức khỏe người cai trong suốt thời gian cắt cơn (1 - 3 tuần).

Người thân trong gia đình thường xuyên bên cạnh người cai nghiện để động viên, chăm sóc dinh dưỡng, thực hiện các biện pháp tâm lý, vật lý trị liệu, giúp cho người cai bớt đau đớn, lo âu, vượt qua hội chứng cai.

Cán bộ cơ sở và các hội đoàn thể phân công có mặt thường xuyên để động viên người cai và gia đình. Trường hợp gia đình không thể bố trí được phòng riêng. Ban chỉ đạo phường/xã liên hệ để gia đình đưa người cai đến cơ sở cai nghiện tập trung để cắt cơn, sau đó đưa về gia đình.

Công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ người cai nghiện được các Tổ công tác tập trung chủ yếu vào các hoạt động:

Giáo dục phục hồi hành vi nhân cách: Gia đình người cai chủ động tạo điều kiện cho người cai tiếp cận với các thông tin tuyên truyền của địa phương, các chương trình phát thanh, truyền hình có nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống, rèn luyện tác phong, lối sống lành mạnh không ma túy; động viên người cai nghiện hàng ngày giúp gia đình dọn vệ sinh, nấu ăn… để giúp người cai hiểu được giá trị của sức lao động và phục hồi sức khỏe. Tổ công tác cai nghiện phân công cán bộ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên người sau cai, thể hiện tình thương yêu của cộng đồng, qua đó giáo dục người sau cai có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Tâm sự, chia sẻ để họ bày tỏ những tâm tư, vướng mắc, lo lắng, mặc cảm. Tùy điều kiện cụ thể của địa phương và cụ thể từng người sau cai, Ban chỉ đạo và tổ công tác cai nghiện có thể tổ chức cho họ tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, vui chơi giải trí (bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ và các loại hình giải trí khác).

Dạy nghề: Gia đình, bản thân người cai nghiện chủ động chọn nghề và hình thức học nghề. Tổ công tác cai nghiện tham gia góp ý để người cai nghiện chọn nghề, hình thức học nghề thích hợp và phù hợp với bản thân, đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát người cai và cách ly với môi trường có ma túy.

Giúp đỡ tạo việc làm: Tùy điều kiện cụ thể, gia đình người nghiện chủ động giải quyết việc làm cho người sau cai. Chính quyền, các cơ quan, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai tìm việc làm. Người sau cai có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục. Gia đình tự tạo việc làm cho người sau cai được hỗ trợ tiền giải quyết việc làm. Tiền hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án cai nghiện tại gia đình và cộng đồng của thành phố và của tỉnh. Gia đình người sau cai có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay vốn từ nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm của các hội, đoàn thể. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận, tạo điều kiện ủng hộ những người có nhu cầu tìm việc làm tại cộng đồng (coi xe, bảo vệ, sửa chữa xe đạp…).

Từ những kết quả đạt được, Nam Định rút ra một số bài học trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là: phải có sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Tích cực tuyên truyền trên diện rộng, tập trung vào tuyên truyền, vận động đối tượng đích là người nghiện và gia đình người nghiện. Vừa tuyên truyền vừa vận động tự giác khai báo, đăng ký cam kết cai nghiện. Tổ chức tốt công tác tiếp cận cộng đồng, sử dụng đồng thời nhiều phương pháp tiếp cận, có sự tham gia của người dân. Sớm phát hiện người mới mắc bệnh nghiện, nghiện nhẹ, kịp thời đưa vào diện đối tượng vận động cai tại gia đình và cộng đồng. Có chỉ đạo và kế hoạch cụ thể việc phối hợp các lực lượng trực tiếp tham gia. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành LĐTBXH, Công an và Y tế cơ sở./.