Tình nguyện viên giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 25/12/2015
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 319 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) với 2.150 tình nguyện viên tham gia. Đa số các thành viên tham gia Đội tình nguyện đều là cán bộ hưu trí, đoàn viên, hội viên nòng cốt của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tại phường, xã, thị trấn. Sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ tình nguyện viên đã góp phần rất lớn trong công tác giáo dục cảm hóa các đối tượng tệ nạn xã hội, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của các tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hưu trí, người cao tuổi với uy tín sẵn có đã tạo được thế mạnh trong công tác tiếp cận, giáo dục, cảm hóa đối tượng. Hai trong số những tình nguyện viên tiêu biểu đó là Bà Thái Thị Tuyết Mai, tình nguyện viên của đội công tác xã hội phường 2, quận 5 và chị Lê Kim Chung đội phó đội công tác xã hội tình nguyện phường 3, quận Bình Thạnh.

Tại phường 2, quận 5, TP.HCM,  chị PTS vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên tự bươn chải bằng đủ thứ nghề để sống. Chị S. may mắn có được tấm chồng và đứa con gái nhưng rồi hôn nhân tan vỡ. Chị lao vào ma túy như con thiêu thân rồi bị nhiễm HIV, phải đi cai nghiện. 

Trở về nhà sau bốn năm đi cai, chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì chị đón một vị khách không mời mà đến, đó chính là bà Thái Thị Tuyết Mai, tình nguyện viên của đội công tác xã hội phường 2, quận 5. Bà Mai đã đề xuất quỹ heo đất tình thương của Hội Phụ nữ phường giúp chị S. vay vốn mở quán nước giải khát tại nhà. Cùng lúc đó, anh DTH, đồng cảnh ngộ gần nhà chị S., đã dứt bỏ hẳn ma túy từ năm 2006 cũng thường xuyên tìm đến bà Mai tâm sự. Từ chỗ người xa lạ, anh H. và chị S. cùng nhận bà Mai là má rồi bày tỏ muốn nên duyên với nhau, có chuyện gì cũng tìm đến má Mai. Năm 2012, chị S. và anh H. quyết định lấy nhau và nhờ má tác hợp. Lễ kết hôn của hai anh chị được má Mai và các cán bộ của phường long trọng tổ chức tại trụ sở UBND phường trong niềm hân hoan. Biết hai vợ chồng thường xuyên phải nhập viện vì sức khỏe yếu, bà Mai đề xuất hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hai vợ chồng.

 

Bà Thái Thị Tuyết Mai chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ đối tượng lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, đi lại khó khăn nhưng bà Thái Thị Tuyết Mai ngụ phường 2, quận 5 trước đây là bác sĩ đã về hưu vẫn nhận cương vị đội phó đội công tác xã hội tình nguyện. Bà Mai đến từng nhà vận động người đi cai nghiện, nhiều người nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, các em mạnh dạn khai báo bệnh và thường xuyên đến phòng khám từ thiện gặp bác sĩ Mai để điều trị, trong năm qua, bác sĩ Mai cùng với Đội tình nguyện phường 2, quận 3 đã chăm lo và điều trị cho 4 em có sức khỏe yếu với số tiền là 1.935.000 đ.

Cho đến bây giờ, ánh mắt đáng thương, đầy biết ơn của V., một người nghiện nhiễm HIV giai đoạn cuối, vẫn còn ám ảnh bà. V. mồ côi cha mẹ nên sống với  chị. Trở về địa phương sau khi đi cai, V. nổi lao hạch khắp người. Bẵng đi vài ngày không thấy V. đến trạm y tế phường lấy thuốc, bà đến tận nhà tìm V. thì hay V. không đi nổi nữa vì vết thương lở loét, mưng mủ. Chị ruột V. giận em, đòi bỏ V. cho chết đi. Ròng rã hai năm, ngày nào bà cũng đến thay băng vết thương cho V, chị ruột V. vì thế mà cũng rất cảm kích và hết lòng chăm sóc cho em. V. đã ra đi nhưng chắc chắn anh đã được sống những giây phút cuối cùng hạnh phúc.

Đến khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, khi hỏi về chị Lê Kim Chung không một ai là không biết, nhất là với những bạn trong nhóm hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng. Họ quen gọi chị là “má Chung cô đơn”, bởi vì chị sống một mình cùng với con trai từ khi chồng mất (năm 1992) đến giờ.

 

Chị Lê Thị Kim Chung, đứng thứ 2 (từ phải sang) 

Hiện chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Lá chắn” quận Bình Thạnh; đội phó đội công tác xã hội tình nguyện phường; tổ trưởng dân phố kiêm tổ trưởng phụ nữ tổ 70, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 6. 

Kiêm nhiệm nhiều công tác của phường nên chị nắm rõ từng hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp của chính quyền, tổ chức đoàn thể để hỗ trợ kịp thời. Kinh phí hoạt động ít, có không ít lần  chị dùng tiền cá nhân để làm “công tác xã hội” như: nuôi các cụ già, đóng góp vật chất cho các tổ chức đoàn hội của địa phương, tài trợ nhiều phần quà động viên tinh thần cho người nghiện ma túy đã hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ đột xuất cho những người nghiện ma túy có hoàn cảnh ngặt nghèo. Khi thì cân chả, túi gạo, gói đường… 

Với chị: “có thực mới vực được đạo, nhất là các em vướng ma túy, đa phần hoàn cảnh các em đều khó khăn, công ăn việc làm không ổn định, các em chưa được sự tin tưởng của gia đình và cộng đồng"… Vì vậy mà với chị, các em sẵn sàng chia sẻ, bộc bạch, thổ lộ những chuyện riêng tư ngay cả người thân các em chưa được biết. Chị Chung là người đầu tiên động viên các em đi cai nghiện. Không biết chạy xe máy, mỗi khi đưa các em đi cai nghiện chị phải nhờ đến các bác xe ôm đi cùng.

Mỗi thành viên đội công tác xã hội ví như những ngọn đèn soi đường cho những người nghiện. Họ không bao giờ là người làm hộ, làm thay, cho những lời khuyên, hay đưa ra quyết định chủ quan của mình. Phải để chính người trong cuộc nhìn nhận được sự việc, tự đưa ra quyết định cho bản thân họ.