Làm thế nào để cai nghiện ma túy hiệu quả? Ngày đăng: 05/01/2016
Đây là câu hỏi mang tính thời sự của hầu hết những người mắc nghiện ma túy và xã hội. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là: có cai nghiện được ma túy không, khi nghiện là căn bệnh rối loạn não bộ mãn tính? Cần phải thống nhất nhận thức, định hướng tư tưởng để xây dựng các giải pháp cần thiết vì hiện nay, ngay một số cán bộ của cơ quan chức năng cũng lúng túng, hoang mang trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện.

Một thắc mắc nữa là, tái nghiện 1-2 lần hay nhiều hơn nữa thì cai nghiện đã bị coi là “thất bại” không?

Giúp người nghiện cai nghiện ma túy là phải hỗ trợ người nghiện cả về tâm, sinh lý và các vấn đề xã hội - Ảnh minh họa

Tiến sỹ Nguyễn Thị Vân, từng là chuyên gia có kinh nghiệm làm công tác cai nghiện của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã có phân tích cụ thể, trả lời cho những câu hỏi trên.

Theo TS Vân, việc coi người nghiện là người bệnh đã chính thức xóa bỏ quan điểm coi nghiện ma túy hoàn toàn là một sự tha hóa về nhân cách, góp phần xóa bỏ mặc cảm ở người nghiện ma túy và gia đình họ, giúp cho nhiều người nghiện “ẩn danh” và gia đình có thể công khai tình trạng nghiện của bản thân hoặc con em mình để được giúp đỡ cai nghiện sớm.

Bên cạnh đó, việc điều trị nghiện ma túy nói riêng cho thấy các can thiệp dự phòng và điều trị sớm sẽ giúp giảm bớt chi phí chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, trong xã hội, không ít người vẫn cứ muốn rằng nghiện ma túy đi cai là phải thành công và coi tỷ lệ tái nghiện là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều, đã nói bệnh mãn tính và có bản chất tái diễn thì việc điều trị không thể một sớm một chiều.

Ngoài ra, xã hội, người nghiện phải nhận thức được rằng điều trị nghiện ma túy là một công việc lâu dài phải kết hợp các can thiệp nhiều mặt, cả y tế, tâm lý, xã hội. Thực tế cũng cho thấy tầm quan trọng của việc điều trị toàn diện với các can thiệp tổng thể về nhiều mặt, đặc biệt là tầm quan trọng của cai nghiện tại cộng đồng với các giải pháp hỗ trợ đa dạng cho người nghiện trong và sau quá trình điều trị.

Do đó, để điều trị cho người nghiện ma túy thì các can thiệp phải tổng thể, ngoài các can thiệp về mặt y tế nhằm hỗ trợ cắt cơn nghiện hay điều trị duy trì thì các can thiệp hỗ trợ về mặt tâm lý, xã hội cũng vô cùng quan trọng. Cần phát triển nhiều hình thức, dịch vụ cai nghiện khác nhau và tư vấn kỹ càng để người nghiện lựa chọn một chương trình phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của họ.

Như vậy, chúng ta cần thống nhất với chủ đề của Liên Hợp Quốc (năm 2014) là “Các rối loạn do sử dụng ma túy có thể phòng ngừa và điều trị được” chứ không phải “vô phương cứu chữa” hoặc chỉ có biện pháp điều trị thay thế. Các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan làm công tác cai nghiện cần thống nhất về tư tưởng, dứt khoát về quan điểm để công tác cai nghiện tiếp tục đi vào chiều sâu, tránh tình trạng “lạc hậu” hay “tụt hậu” về cai nghiện so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt được điều đó, công tác cai nghiện có rất nhiều việc phải thực hiện. Đó là đào tạo cán bộ làm công tác dự phòng đối với người sử dụng ma túy và cai nghiện ma túy một cách bài bản- hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống ma tuý của các nước trên thế giới. Đây là khâu then chốt. Hiện nay Chương trình đào tạo, huấn luyện cán bộ của Tổ chức toàn cầu về nghiên cứu và thực hành trong hỗ trợ dự phòng nghiện chất, điều trị những rối loạn do nghiện chất và phục hồi (ISSUP) là một chương trình bài bản được nghiên cứu, thiết kế công phu với 2 phần chính là dự phòng và điều trị. Tổ chức Colombo Plan là cơ quan đi đầu trong việc huấn luyện và quảng bá chương trình điều trị nghiện và hoạt động đã nhiều nước có hiệu quả.

Các chương trình này quan tâm đến tổng thể các giải pháp hỗ trợ người nghiện cả về tâm, sinh lý và các vấn đề xã hội (gia đình, nhà trường, nơi làm việc, các vấn đề cộng đồng, sinh kế). Làm tốt công tác vận động, truyền thông để cộng đồng giảm kỳ thị, phân biệt đối xử cũng là nhân tố quan trọng hỗ trợ cho người nghiện yên tâm cai nghiện. Nhiều người sau cai nghiện bày tỏ: sự ghẻ lạnh, “dán nhãn” với quá khứ của họ, gây ra buồn nản, thất vọng, thúc đẩy họ sớm tìm lại ma túy. Ngược lại, tại nhiều xã phường, sự vào cuộc, hỗ trợ thân thiên, nhiệt thành, thiết thực, bền bỉ của các tổ chức xã hội, trong đó có tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện đã giúp nhiều người nghiện từ bỏ được ma túy.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện sớm ban hành các phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp; khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các chương trình cai nghiện và phòng chống tái nghiện mới phù hợp với Việt Nam.

Đặc biệt, cần sớm ban hành chính sách cụ thể đổi mới về cai nghiện tự nguyện. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Lê Hiền