An Giang nỗ lực thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 17/12/2022
Trong năm 2022, Sở đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội) tổ chức tiếp nhận 73 nạn nhân bị mua bán từ Campuchia trở về (trong đó: 12 nữ, 61 nam). Đa số các nạn nhân là người ngoài tỉnh, chỉ có 03 nạn nhân trong tỉnh

An Giang là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc vương quốc Campuchia, với chiều dài đường biên khoảng 96,6 km, có địa hình phức tạp; hệ thống giao thông thủy - bộ rộng khắp liên tỉnh, liên huyện, liên xã với tổng chiều dài 7.000 km; có 02 cửa khẩu quốc tế, 03 cửa khẩu nội địa và nhiều đường mòn dân sinh thông thương với Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, giao lưu, mua bán, du lịch, phát triển kinh tế nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các loại tội phạm về ma túy, mại dâm, tội phạm mua bán người và các tệ nạn xã hội khác đang ngấm ngầm hoạt động tại các khu vực giáp biên của 02 nước, gây khó khăn cho lực lượng chức năng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.

Mua bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực với nhiều biện pháp khác nhau, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra khá phức tạp. Tình trạng phụ nữ lấy chồng người nước ngoài như Campuchia, Trung Quốc, Malaysia vẫn còn tiếp diễn. Ngoài ra, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại “quay đầu” trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.

Nhiều đàn ông và phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để lao động thông qua một số công ty tuyển dụng lao động hoặc cá nhân môi giới lao động không có giấy phép. Họ phải đóng những khoản phí cao để được xuất khẩu lao động nhưng khi đến nước sở tại bị thu giữ giấy tờ tùy thân, bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất thấp hoặc không được trả lương, không được tiếp cận với các kênh hỗ trợ và trợ giúp pháp lý tin cậy ở nước ngoài. Do sức ép của những khoản nợ nên một số người rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, làm công trừ nợ; bị cơ quan chức năng kiểm tra, trục xuất về nước hoặc bị bạo lực khống chế để đòi tiền chuộc.

Trước thực trạng trên, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Sở LĐTBXH đã xây dựng Kế hoạch số 145/KH-SLĐTBXH ngày 17/01/2022 về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và triển khai kế hoạch cho 11 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện. Ban hành Công văn số 1885/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 27/7/2021 về việc hướng dẫn hoạt động hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7 cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị, thành phố làm căn cứ để triển khai thực hiện “Ngày toàn dân, phòng chống mua bán người - 30/7” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương của từng huyện và báo cáo kết quả thực hiện về cho Cục Phòng chống tệ nạn xã hội theo Công văn số 255/PCTNXH-HTNNTT ngày 06/7/2022. Gửi văn bản cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú của nạn nhân để phối hợp tiếp nhận công dân của mình về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2865/QĐ-UBND ngày 28/11/2022 về Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ngoài ra, Sở cấp phát 6000 tờ rơi cho Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh về nội dung Chung tay Phòng, chống nạn mua bán người để tuyên truyền cho các em học sinh biết và hiểu về tính nghiêm trọng của nạn mua bán người và cách phòng tránh khi gặp kẻ xấu.

Trong năm 2022, Sở đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội) tổ chức tiếp nhận 73 nạn nhân bị mua bán từ Campuchia trở về (trong đó: 12 nữ, 61 nam). Đa số các nạn nhân là người ngoài tỉnh, chỉ có 03 nạn nhân trong tỉnh. Sau khi tiếp nhận, các nạn nhân được hỗ trợ gói nhu cầu thiết yếu ban đầu bao gồm: Quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết và đưa vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Tại đây, các em được hỗ trợ ăn, nghỉ; khám sức khỏe ban đầu; tư vấn hỗ trợ tâm lý; cung cấp thông tin về phòng chống mua bán người để tránh tái bị mua bán. Sau khi nạn nhân ổn định tinh thần, Sở  thông báo cho địa phương nơi nạn nhân lưu trú phối hợp với các đơn vị liên quan đến tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân về tái hòa nhập cộng đồng. Các nạn nhân ở các tỉnh ở xa mà địa phương không vào An Giang tiếp nhận được, theo nguyện vọng của các nạn nhân, Sở sẽ hỗ trợ cho các em tiền xe và tiền ăn để trở về địa phương. Do kinh phí hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế, các trường hợp ở xa muốn về địa phương sẽ mất rất nhiều ngày và chi phí khá cao. Để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân, Sở đã liên hệ với Tổ chức Vòng Tay Thái Bình để hỗ trợ thêm cho các nạn nhân. Kinh phí tiếp nhận và hỗ trợ: 107.691.000.Trong đó, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu: 28.316.000 đồng. Hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại: 39.305.000 đồng. 03 nạn nhân là người trên địa bàn tỉnh đã được nhận các hỗ trợ để hoà nhập cộng đồng.

Nhờ sự hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành chức năng như: Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về góp phần thực hiện tốt chương trình phòng chống mua bán người tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại không ít khó khăn. Thứ nhất, nạn nhân bị mua bán trở về thường có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp - dạy nghề; một số nạn nhân thiếu nhận thức, quen cách sống đua đòi, không hài lòng với thực tại, thiếu ý chí vươn lên; sau khi được tiếp nhận trở về, lại tiếp tục rời địa phương tìm kiếm những công việc nhàn hạ.

Thứ hai, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng còn thấp, chỉ tập trung hỗ trợ học văn hóa, học nghề; phần nhiều trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không có sổ hộ nghèo, địa phương không thể hỗ trợ khó khăn ban đầu. Hỗ trợ vay vốn là nội dung chưa thực hiện được. Những khó khăn bao gồm nạn nhân không có tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch và phương án sản xuất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thứ ba, kinh phí hàng năm của tỉnh bố trí cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về rất thấp; cán bộ thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương thường hay luân chuyển, thay đổi; làm việc kiêm nhiệm, phụ cấp không tương xứng với nhiệm vụ được giao; làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Thứ tư, tình hình người qua lại biên giới còn phức tạp, một số địa phương chưa nắm hết số nạn nhân trở về bằng con đường không chính thức; công tác tư vấn, tiếp cận nạn nhân còn yếu, nhiều nạn nhân khó tiếp cận do gia đình che giấu, sợ bị kỳ thị.

Thứ năm, trong năm 2022, do tình hình tiếp nhận nạn nhân tăng đột biến nên cơ sở hạ tầng, bố trí chỗ ăn ở cho nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng nạn nhân khi tiếp nhận quá đông mà cán bộ tại Sở ít làm cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn.

Để công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đạt hiệu quả cao hơn, Sở LĐTBXH tỉnh An Giang đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2013/NĐ-CP và các văn bản quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn, các quy định mới của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan đến các tội phạm mua bán người và tình hình thực tế hiện nay. Xây dựng, thống nhất với các nước về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân trong đó nêu cụ thể về: đầu mối liên lạc và cách thức trao đổi giữa hai bên; các yếu tố thông tin cần trao đổi về nạn nhân, các tài liệu và bằng chứng để xác định nạn nhân; các thông tin về thời gian, địa điểm trao trả nạn nhân…  Nghiên cứu, khảo sát, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ hỗ trợ phục hồi cho nạn nhân bị mua bán trở về. Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng về chuyển tuyến, quản lý ca và hỗ trợ lấy nạn nhân là trung tâm dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Nguyễn Nhuần