Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 20/12/2022
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống mua bán người nói chung, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng luôn nhận được quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai, sự hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức quốc tế nên bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống mua bán người. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân được các ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ, kịp thời (cơ chế trao đổi thông tin, chuyển tuyến, phối hợp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân…) đã giúp các nạn nhân bị mua bán trở về ổn định tâm lý, tinh thần vượt qua những mặc cảm của bản thân, giúp các em tự tin vào tương lai của chính mình.

Là tỉnh biên giới nên Lào Cai vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người, chúng tổ chức thành đường dây, ổ nhóm và có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng người Trung Quốc, người Việt Nam sinh sống bên Trung Quốc để hoạt động tội phạm. Bên cạnh đó, xu hướng người dân trong và ngoài nước đến du lịch, sinh sống và làm ăn ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, tệ nạn ma túy, mại dâm, đây là thách thức lớn cho các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh.  

Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật phòng, chống mua bán người, chế độ hỗ trợ nạn nhân trở về đều được Đảng ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, triển khai kịp thời. Nội dung, hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực như trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo hình, báo viết, loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và trường học… Năm 2022, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức trên 600 buổi truyền thông với gần 18.000 lượt người tham gia, điển hình là Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với tổ chức Samaritan's Purse Internationai Relief và  huyện Si Ma Cai tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn năm 2022. Tại buổi truyền thông, các đại biểu đã cùng nhau nhắn tin ủng hộ Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 - 2025 và ký cam kết chung tay góp sức ngăn chặn nạn mua bán người. Các đại biểu cũng đã diễu hành trên các tuyến phố của thị trấn Si Ma Cai nhằm tuyên truyền sâu rộng nội dung phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn đến đông đảo cộng đồng.Nội dung tập trung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn gắn với bản sắc văn hóa, phong tục địa phương; truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp của việc phòng, chống mua bán người tại địa bàn huyện Si Ma Cai thông qua các tiểu phẩm, giao lưu tìm hiểu kiến thức phòng, chống mua bán người; giới thiệu tài liệu, tranh ảnh tuyên truyền về chủ đề phòng, chống mua bán người, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn giới thiệu việc làm… 

Tại 02 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về của tỉnh Lào Cai (Nhà Nhân ái  Lào Cai, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) đã tổ chức thực hiện 32 buổi truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người. Nhà Nhân ái Lào Cai tổ chức 25 buổi truyền thông tại các phiên chợ vùng cao và trường học thuộc địa bàn các huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn… Các buổi truyền thông thu hút trên 7.900 người tham dự. Qua các buổi truyền thông người dân cũng như học sinh đã được nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của kẻ mua bán người, nhận diện được nạn nhân cũng như kẻ mua bán người và có được những kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân bị mua bán. Đồng thời cấp phát 4.000 tờ  rơi “Chung tay ngăn chặn nạn mua bán người”, 1000 quyển “Sổ tay di cư an toàn” cấp phát cho học sinh, sinh viên và nhân dân tại các xã có nguy cơ cao về nạn mua bán người; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức 04 buổi lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với các buổi hướng dẫn kĩ năng sống cho 70 trẻ em tại Trung tâm; phối hợp tổ chức 04 buổi tuyên truyền cho trên 400 người tại các huyện Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát và thành phố Lào Cai. 

Năm 2022, tỉnh Lào Cai tiếp nhận 12 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó, Nhà Nhân ái Lào Cai tiếp nhận 8 nạn nhân, Trung tâm công tác xã hội tỉnh tiếp nhận 1 nạn nhân, 03 nạn nhân bị mua bán từ nước Campuchia trở về. Các nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định như: tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu của nạn nhân. Đối với các nạn nhân chưa trở về nơi cư trú, chính quyền địa phương phối hợp với gia đình tiếp tục động viên nạn nhân sớm trở về nơi cư trú, ổn  định cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: do tình hình dịch bệnh Covid 19 đã gây ảnh hưởng đến công tác truyền thông phòng, chống mua bán người trực tiếp tại các phiên chợ, trường học, cộng đồng và công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân ở cơ sở. Mức hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về còn thấp, chưa phù hợp với  giá cả thị trường. Kinh phí bố trí cho công tác phòng chống mua bán người nói chung, công tác truyền thông, tập huấn nói riêng còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong tỉnh và địa phương phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đảm bảo các nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ kịp thời và thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho nạn nhân thông qua mô hình “Nhà Nhân ái” với các hoạt động: tiếp nhận, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, hỗ  trợ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm, tiết kiệm có định hướng, hỗ trợ hồi gia sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo bền vững. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tổ chức Diễn đàn phòng, chống mua bán người tại một số huyện trọng điểm có nguy cơ xảy ra mua  bán người trái phép. Thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và công tác quản lý nhà nước về phòng chống mua bán người tại các huyện, thành phố địa bàn trọng điểm có đường biên giới giáp Trung Quốc, có nguy cơ cao xảy ra tệ nạn mua bán người trái phép. 

XQ