Cà Mau: Đội công tác xã hội tình nguyện với công tác xây dựng địa bàn vững mạnh Ngày đăng: 17/11/2022
Qua 10 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 24/2012/TTLT- BLÐTBXH-BNV-BTC, ngày 22/10/2012, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính (quy định về thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn), đến nay, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thành lập được 8 đội công tác xã hội tình nguyện (ÐCTXHTN) tại địa bàn các xã, thị trấn với 40 tình nguyện viên. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, các ÐCTXHTN đã hoạt động tích cực, góp phần không nhỏ ngăn ngừa tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, qua 10 năm hoạt động, các ÐCTXHTN tổ chức nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, mại dâm, tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng. Ðã lồng ghép với diễn đàn lắng nghe ý kiến Nhân dân và tư vấn trực tiếp cho người nghiện được 1.037 cuộc, có hơn 45.000 lượt đoàn viên, hội viên và người dân tham dự. Phối hợp với trạm truyền thanh tuyên truyền các tin, bài có liên quan đến tệ nạn xã hội trên 1.200 buổi với hơn 85.000 lượt người nghe; cấp phát trên 5.000 tờ rơi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, giúp các nhóm đối tượng thấy được tác hại của tệ nạn xã hội và có ý thức tố giác tội phạm.

Ngoài ra, ÐCTXHTN còn phối hợp với các đoàn thể xây dựng mô hình “Cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Từ mô hình này, các địa phương trực tiếp tư vấn, giáo dục, cảm hoá 620 đối tượng lầm lỗi làm cam kết không tái phạm. Ðồng thời, phân công thành viên ÐCTXHTN trực tiếp quản lý, giúp đỡ, giáo dục, vận động các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, giúp họ chuyển biến về nhận thức và hành động, xoá bỏ mặc cảm để hoà nhập cộng đồng, tham gia tích cực vào công tác xã hội. Bên cạnh đó, các ÐCTXHTN còn lập danh sách, phân loại từng nhóm đối tượng để chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ học nghề, tìm việc làm, được tiếp cận vay vốn sản xuất kinh doanh và các yêu cầu thiết thực chính đáng khác nhằm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Song song đó, ÐCTXHTN còn cung cấp hơn 350 tin báo tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội cho cơ quan chức năng xử lý.

Là thành viên Ðội CTXHTN xã Nguyễn Phích, ông Phan Văn Ðằng cho biết: “Ðối với người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hoà nhập cộng đồng, tôi cùng với Ðội CTXHTN, các ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho họ, tổ chức hướng nghiệp, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm nhằm giúp họ vượt qua khó khăn để an tâm lao động sản xuất”.

Khánh Tiến là xã ven biển, địa bàn rộng, giáp tỉnh Kiên Giang, tình hình an ninh trật tự đôi lúc diễn biến phức tạp. Ðược sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân, địa phương xây dựng mô hình “Khu dân cư không có tội phạm ma tuý”. Theo đó, từ đầu năm đến nay, ÐCTXHTN cùng với công an, các đoàn thể tiến hành rà soát, lập danh sách 20 đối tượng có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma tuý để quản lý giáo dục; phân công các tổ công tác trực tiếp đến gia đình, gặp gỡ đối tượng để tuyên truyền, vận động, cảm hoá và làm cam kết đối với 14 đối tượng. Ðịnh kỳ hàng tháng, quý có nhận xét, phân loại, quản lý theo quy định. Tiến hành lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn 4 đối tượng; lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc 1 đối tượng; vận động cai nghiện ma tuý tự nguyện 1 đối tượng”, ông Phạm Văn Út, Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, cho biết.

Chị Quách Cẩm Tú, Phó bí thư Huyện đoàn U Minh, thông tin, Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Ðoàn chủ động phối hợp với ÐCTXHTN tiếp tục duy trì các hoạt động, mô hình, giải pháp hỗ trợ thanh niên yếu thế nhằm giúp đỡ thanh niên tàn tật; cảm hoá, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến có hiệu quả. Ðưa ra nhiều giải pháp mới, chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội; đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên yếu thế. Ðồng thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay; các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác hỗ trợ thanh niên yếu thế.

Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm: “Thời gian qua, ÐCTXHTN còn có nhiều nội dung tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc vận động nông thôn mới; xây dựng xã, thị trấn lành mạnh không tệ nạn ma tuý, mại dâm, qua đó giúp địa phương kiểm soát được tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”./.

K.D (Theo báo Cà Mau)