“Sân khấu diễn đàn” truyền thông phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 07/11/2022
Ngày 03/11, tại Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép. Tham dự có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Đặng Thị Hạnh, Quản lý chương trình ASEAN-ACT tại Việt Nam; bà Nguyễn Vũ Thu Hòa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Ninh.

 

Phát biểu tại buổi truyền thông, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực diễn biến khá phức tạp. Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, cả nước đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận hơn 1.900 nạn nhân, 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, đồng thời Việt Nam cũng tích cực tổ chức triển khai hiệu quả đường dây nóng phòng, chống mua bán người.

Theo báo cáo năm 2021 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương diễn biến rất phức tạp. Trong đó, Việt Nam là khu vực điểm “nóng”, chịu áp lực rất lớn trước tình trạng mua bán người hiện nay. Từ năm 2010 đến tháng 6/2021, theo số liệu từ các địa phương, đơn vị trên toàn quốc, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Tội phạm mua bán người người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê, lừa di cư trái phép, di cư lao động bất hợp pháp... Đồng thời, cả nước đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận hơn 1.900 nạn nhân, 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Học sinh trường THPT Ngô Quyền hào hứng tham gia Chương trình "Đuổi hình bắt chữ"

Tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn từ năm 2016 -2021, lực lượng chức năng đã triệt phá 25 vụ án, bắt giữ 47 bị can phạm tội mua bán người; kịp thời ngăn chặn, giải cứu cho 35 nạn nhân trong các vụ án, trong đó, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi là 32 người, chiếm tỷ lệ hơn 91%. Tính riêng trong năm 2021, đã phát hiện, khởi tố điều tra 02 vụ, 04 đối tượng phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, qua  đó giải cứu 02 nạn nhân (đều là trẻ sơ sinh) trong các vụ án. Ngoài ra qua công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, Công an tỉnh đã bắt giữ 03 đối tượng có Quyết định truy nã về tội Mua bán người với các vụ án trước đó.

Trước thực trạng này, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy vai trò của tổ chức, tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Các cấp Hội Phụ nữ hiện có gần 2 nghìn trang fanpage facebook, hơn 11 nghìn nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động Hội... Trong đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh  đã duy trì 13 trang fanpage của tỉnh và huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc; 195 trang facebook của Hội LHPN cơ sở, 1.448 nhóm Zalo.… Các cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội là diễn đàn quan trọng để Hội lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ, người dân đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng  cần thiết cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống mua bán người. Các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai, đã thu hút được hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng trên khắp cả nước...

Tại chương trình truyền thông, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã thông tin tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh của trường về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người và kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh nạn mua bán người và đưa người di cư trái phép.

Đặc biệt, thông qua hình thức “Sân khấu diễn đàn”, hơn 1.000 học sinh, phụ huynh Trường THPT Ngô Quyền được tương tác, tiếp cận, phổ biến các kiến thức, thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và cách phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép.

Sự kiện truyền thông được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các em học sinh, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Đặc biệt, đối với các em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ với các nam thanh niên quen biết qua mạng xã hội. Qua đó, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng./.

Như Ngọc