Một số khuyến nghị về chuyển đổi Trung tâm cai nghiện bắt buộc sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện Ngày đăng: 20/10/2015
Từ ngày 21⁄9 – 23⁄9⁄2015, tại Manila, Philippines, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) đã chủ trì phối hợp với Cơ quan phòng chống AIDS của liên Hợp quốc (UNAIDS) và Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ 3 về Trung tâm điều trị nghiện bắt buộc cho người sử dụng ma túy (CCDUs).

Hội nghị đã đi đến thống nhất việc chuyển đổi Trung tâm hướng tới một hệ thống toàn diện về điều trị cai nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, giảm tác hại và các dịch vụ hỗ trợ xã hội (gọi tắt là các dịch vụ hỗ trợ) phù hợp với hướng dẫn và nguyên tắc quốc tế về điều trị lệ thuộc ma túy, sử dụng ma túy và các vấn đề về quyền con người. Các quốc gia tham dự hội nghị (trong đó có Việt Nam) đã ghi nhận sự cần thiết phải hỗ trợ việc chuyển đổi hướng tới các dịch vụ tự nguyện dựa vào cộng đồng dành cho người sử dụng ma túy.

Kế hoạch chuyển đổi gồm 3 thành tố sau:

Thành tố 1: Lập kế hoạch và quản lý

Thành lập một uỷ ban ra quyết định đa ngành ở cấp quốc gia để chịu trách nhiệm chung cho việc chuyển đổi. Uỷ ban này chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hành động hoặc một chiến lược với sự cố vấn từ các đối tác chủ chốt ở các ban ngành khác nhau. Kế hoạch hành động  gồm mục tiêu, các hoạt động, đầu ra dự kiến, các chỉ số, nhóm đích, ngân sách, khung thời gian, trách nhiệm của các bên và cung cấp một nền tảng quan trọng cho các nước để từ đó điều phối quá trình chuyển đổi.

Khuyến nghị:

1.1. Thành lập uỷ ban ra quyết định đa ngành với sự tham gia của cộng đồng

1.2. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi quốc gia với mục đích, mục tiêu, các hoạt động, đầu ra dự kiến, các chỉ số, ngân sách, khung thời gian, và trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ trong lĩnh vực y tế, phúc lợi xã hội và an ninh, cũng như đại diện người sử dụng ma tuý.

1.3. Xây dựng kế hoạch triển khai với ngân sách cụ thể để huy động nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho mỗi năm (mỗi giai đoạn) triển khai kế hoạch chuyển đổi.

1.4. Báo cáo tiến độ hàng năm về việc triển khai kế hoạch chuyển đổi, dựa trên các chỉ số sẽ được công bố công khai.

Thành tố 2: Tạo môi trường thuận lợi về pháp lý và chính sách

Các chính sách về y tế, bao gồm hệ thống luật pháp, các quy định, các chiến lược và các thực hành được xem là các yếu tố quan trọng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sang mô hình điều trị nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng và các dịch vụ cho người sử dụng ma tuý. Sự thay đổi trong cách tiếp cận về chính sách về sử dụng và lệ thuộc ma tuý không theo hướng trừng phạt và phân biệt đối xử mà tập trung vào các biện pháp về y tế, tâm sinh lý xã hội và dựa trên quyền đóng vai trò trọng tâm để đảm bảo tính hiệu quả của quá trình chuyển đổi.

Khuyến nghị:

2.1. Thực hiện rà soát liên ngành và có sự tham gia về khung chính sách và các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến ma tuý và lệ thuộc ma tuý nhằm xác định các rào cản khiến cho người sử dụng ma tuý chưa tiếp cận các dịch vụ điều trị nghiện ma tuý dựa vào cộng đồng.

2.2. Xây dựng và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch hành động dựa trên kết quả rà soát, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý hỗ trợ để thực hiện quá trình chuyển đổi.

2.3. Nâng cao năng lực cho hệ thống y tế công cộng, phúc lợi xã hội, an ninh và tư pháp cũng như các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng những người sử dụng ma túy giúp họ hiểu hơn và tham gia vào quá trình rà soát và sửa đổi việc thực hiện các văn bản/chính sách hiện hành nhằm bảo vệ tối đa quyền con người.

Thành tố 3: Tăng cường hệ thống y tế, phúc lợi xã hội, hệ thống cộng đồng và tài chính

Những hạn chế của các chương trình hướng tới các dịch vụ tự nguyện dựa vào cộng đồng cho người sử dụng ma túy bao gồm một số lượng lớn bệnh nhân không tiếp cận được dịch vụ điều trị do khả năng còn hạn chế của các cơ sở y tế công cộng, các ban ngành củng cố hệ thống pháp luật và các tổ chức dân sự xã hội. Do đó, hoạt động đánh giá trong đó bao gồm lập bản đồ các chương trình, xác định các điểm hạn chế để đảm bảo các cơ sở phải có đủ năng lực cần thiết để cung cấp dịch vụ. Đánh giá này sẽ cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia về nâng cao năng lực cũng như kế hoạch huy động nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật để bù đắp những khoảng còn trống trong quá trình vận hành. Việc xây dựng một kế hoạch điều trị nghiện dựa trên bằng chứng hiệu quả đòi hỏi cải cách có hệ thống để xây dựng và thúc đẩy các cơ chế khác nhau để tạo nền tảng cho việc vận hành và quản lý chương trình điều trị nghiện. Những cải cách này đòi hỏi phải đi kèm việc đầu tư để hỗ trợ xây dựng năng lực và chuyên môn tại các ban ngành liên quan cũng như trong cộng đồng người sử dụng ma tuý.

Khuyến nghị.

3.1. Tiến hành đánh giá năng lực và đánh giá hệ thống

3.2. Xây dựng/ cập nhật chiến lược điều trị nghiện ma tuý và các dịch vụ cho người nghiện ma tuý dựa vào cộng đồng trong đó bao gồm các thành phần về nâng cao năng lực và củng cố hệ thống.

3.3. Triển khai và mở rộng các dịch vụ nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng  trong đó bao gồm điều trị nghiện ma tuý với sự tham gia hợp tác của cộng đồng và các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan.

3.4. Nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cộng đồng, phúc lợi xã hội, an ninh, tư pháp, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng người sử dụng ma tuý để họ tham gia và hợp tác trong việc triển khai cung cấp các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng cho người sử dụng ma tuý bao gồm cả điều trị nghiện.

3.5. Hợp tác và huy động sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự và các nhóm tại cộng đồng, bao gồm cả cộng đồng người sử dụng ma tuý nhằm làm giảm các khó khăn trong quá trình điều trị cũng như tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ điều trị tự nguyện dựa vào cộng đồng cho người sử dụng ma tuý.

3.6.  Triển khai các chiến lược truyền thông dựa vào bằng chứng nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc giảm các tác hại liên quan đến ma tuý bao gồm lệ thuộc ma tuý, nhiễm HIV, viêm gan do virus và quá liều. Các hoạt động này nhằm thúc đẩy và nâng cao hiểu biết dựa trên bằng chứng của việc sử dụng ma tuý, và để thông tin cho cộng đồng về sự sẵn có của các dịch vụ điều trị lệ thuộc ma tuý và giảm tác hại.

3.7. Thực hiện một đánh giá về các chương trình hỗ trợ đang triển khai (cả trong nước và quốc tế) nhằm xây dựng một kế hoạch tài chính cho quá trình chuyển đổi hướng tới các dịch vụ điều trị nghiện tự nguyện và các dịch vụ  dựa vào cộng đồng.

                                                                                    Lê Văn Khánh