Nơi ánh sáng cuối con đường Ngày đăng: 20/06/2022
Nhiều lúc tôi tự nguyền rủa bản thân sinh ra là một con người mà giờ đây, tâm hồn tôi ... lại gần với ác quỷ. Ma túy đã chôn vùi tuổi trẻ, ước mơ của tôi, dập tắt mọi hi vọng về tương lai, sự nghiệp của tôi... và nó cũng là dấu chấm hết cho những tháng ngày sinh viên đẹp đẽ.

 

 

 

 

 

Tuổi thanh xuân và ngã rẽ cuộc đời

Tôi từng là đứa con ngoan ngoãn của bố mẹ tôi, là người anh gương mẫu của đứa em trai với 12 năm học phổ thông luôn đạt loại khá và giỏi. Rồi năm thứ nhất của đại học, tôi cũng đạt kết quả loại khá.

Lúc còn nhỏ, những lần theo bố mẹ cho ra đồng, tôi đã yêu màu xanh của đồng lúa khi vào đòng, say mê với màu vàng của bông lúa khi chín rộ để hít hà mùi thơm đồng quê thân thương, gần gũi. Ngước ánh mắt nhìn xa xăm, tưởng tượng một ngày mai tươi sáng... Có lần, mẹ tôi hỏi: "Con lớn lên sẽ làm gì?", tôi đáp: "Con sẽ trở thành một kỹ sư nông nghiệp”.

Như một phép màu nhiệm, năm 2019, tôi trúng tuyển vào Học viện Nông nghiệp. Gia đình và bạn bè ai cũng mừng cho tôi. Bạn gái học cùng lớp thì trúng tuyển vào Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. Niềm vui lại được nhân đôi vì chúng tôi vẫn có thể được gần nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, học tập... Đó là những tháng ngày đẹp đẽ và bình yên nhất trong cuộc đời.

Rồi một biến cố cuộc đời xảy ra... vào tháng 12 năm 2020, áp lực thi cử cộng thêm mối quan hệ với bạn gái ngày càng xấu đi, vừa mệt mỏi, buồn chán, thất vọng, xấu hổ... tôi rời phòng trọ đi lang thang lúc nửa đêm. Đến đầu ngõ, tôi gặp thằng Hải “Sẹo”, cùng xóm trọ, chơi bời lêu lổng rồi bị đuổi học. Chẳng biết "ma dẫn lối, quỷ đưa đường" thế nào mà đang trong lúc tâm trạng tồi tệ nhất, tôi đã đi theo nó.

Dẫn tôi tới một căn phòng trọ, thằng Hải “Sẹo” nhanh mồm giới thiệu: Nó là bạn của tao, chúng mày yên tâm, anh em với nhau cứ thoải mái đi. Một cảm giác vừa sợ lại đan xen sự tò mò, hiếu kì nên trong phút chốc, tôi đã dễ dàng ngồi xuống. Thằng Hải “Sẹo” bảo tôi, làm tí không, buồn chán mấy cũng sẽ tan biến hết. Nhìn ánh mắt ngờ vực của tôi, mấy thằng bạn chép miệng “động viên”: Chơi một lần nghiện thế nào được, cứ chơi đi, cho hết sầu đời ngay mà.

Chuẩn bị xong mọi thứ, một thằng làm mẫu để tôi bắt chước làm theo: một ống hút được cuộn lại từ đồng tiền năm nghìn đồng, tôi cúi xuống, đặt một đầu ống chạm nhẹ vào thứ bột trắng trên mặt đĩa, một đầu ở cửa mũi và hít mạnh.

Có lần một sẽ có lần hai, lần ba và lần thứ “n”, đó chính là cái vòng tròn với nút thắt không lối ra. Số lần tụ tập cứ tăng dần lên, đồng nghĩa với việc túi tiền của tôi luôn trong tình trạng cạn kiệt, lực học giảm sút rõ rệt, số cuộc điện thoại gọi về cho gia đình ngày càng thưa dần, gia đình gọi thì tôi không bắt máy. Chỉ khi nào cần tiền tôi mới gọi điện về nhà để xin với mọi lý do: từ đóng học phí, học thêm, tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền mua dụng cụ học tập, sách vở, mua quần áo... Rồi cái gì có thể cầm, bán được thì tôi đều cầm hết, bán hết. Từ cái xe máy Wave cũ cho đến cái máy tính cây mua từ ngày tôi học cấp 3 mang theo khi nhập học, và cuối cùng là con điện thoại Oppo, thẻ căn cước, thẻ sinh viên... cũng chẳng có giá trị là bao nhiêu đều được mang đi cắm.

Từ một sinh viên hiền lành, ngoan ngoãn nay tôi trở thành một dân chơi thứ thiệt: đập đá, phá ke, cắn kẹo,... đều biết tuốt; từ quán nhậu, nhà nghỉ, phòng hát, quán bar... đều có dấu chân tôi.

Do nghỉ học, nợ nhiều môn, nợ cả học phí nên nhà trường quyết định cho tôi nghỉ học. Tôi càng trở nên chán nản, lún sâu hơn nữa vào ma túy. Những chỗ có thể vay mượn được tôi đều đã vay. Lúc đầu thì còn xoay chỗ này trả đậy chỗ kia nhưng đường cùng, tôi chỉ mượn mà không trả. Không chỉ là vay mượn mà ngay cả đi lừa đảo, trộm cắp, cướp giật tôi đều làm. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác mỗi khi cơn nghiện đến, nó bắt buộc tôi dù có phải dọa người, giết người cũng phải làm nếu không sẽ chết vì sự khó chịu mà có lẽ chỉ có những thằng nghiện mới hiểu được.

Cho đến một ngày tôi không thể trụ lại trên thành phố được nữa, tôi trở về quê.

Quyết tâm “đến” để “trở về”

Lúc đầu, tôi hạ quyết tâm tự cai tại nhà. Tôi nói với bố mẹ cho tôi sinh hoạt trong một phòng riêng, khóa cửa bên ngoài và chỉ mở cửa khi mang cơm vào.

Ngày đầu “tự giam lỏng”, mẹ và em trai thay nhau vào phòng trò chuyện, động viên. Nhưng cơn thèm nhớ ma túy đâu có đơn giản như vậy, nó như con quỷ hút máu người, cơ thể còn máu thì "cơn thèm nhớ" vẫn còn. Sang ngày thứ hai, tôi bắt đầu cảm thấy chân tay bủn rủn, đau nhức mình mẩy, cơ thể lúc nóng lúc lạnh, bụng thì đau, đi ngoài mất nước, tâm trí hỗn loạn, hoang mang, lo lắng, cái đầu đau như búa bổ khiến tôi chỉ muốn lao vào tường, cảm giác đó vô cùng khó chịu. Rồi đến ngày thứ ba thì tôi đã không còn chịu được nữa, tôi đã quỳ gối xin với bố mẹ cho tôi được ra ngoài, nếu không tôi sẽ chết. Mẹ tôi, như bao người mẹ khác, yếu đuối và dễ mềm lòng, bà đã mở cửa cho tôi đi.

Bạn sẽ thắc mắc, bằng cách nào mà tôi lại có thể mua được ma túy để sử dụng ở cái vùng quê nghèo đúng không? Bạn cứ là “thằng nghiện” đi, rồi thế giới xung quanh toàn là "hàng", là "bè" mà thôi. Những con nghiện như chúng tôi dễ dàng "bắt sóng" với nhau qua mùi cơ thể, qua cử chỉ, hành vi, qua cái nhìn và ánh mắt lấm la lấm lét. Rồi cả cái làn da xám xịt, đôi mắt thâm quầng, đôi môi tái nhợt thiếu sức sống... Tất cả những đặc điểm đó đã tố cáo chúng tôi, đưa đẩy những con nghiện đến với nhau. Để làm gì ư? Chẳng phải là "giải cứu" cho nhau, "giúp đỡ" nhau những lúc "khó khăn", "hoạn nạn" hay sao?!

Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần thề thốt, hứa hẹn với bố mẹ tôi và rồi vẫn "ngựa quen đường cũ", bố mẹ tôi hi vọng rồi lại tuyệt vọng. Nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ lăn dài trên má, đôi mắt thâm quầng, hốc hác vì mất ngủ mỗi đêm chờ tôi về mà lòng tôi đau thắt. Tôi đã từng nghĩ tới cái chết, có lẽ chỉ có cái chết mới giải thoát cho tôi, cũng là giải thoát cho những người thân yêu không phải đau khổ, xấu hổ và nhục nhã vì một thằng nghiện.

Như đọc được những trăn trở, suy nghĩ của tôi, mẹ đã đến ôm đầu tôi tựa vào vai bà khẽ nói:" Mẹ tin con trai của mẹ sẽ làm được". Vâng! nếu trên đời này có một người luôn tin bạn một cách vô điều kiện thì không ai khác, đó chính là mẹ của bạn, là gia đình bạn.

Vào một buổi tối, cả nhà tôi họp mặt, có hai bác của tôi và cô chi hội trưởng phụ nữ nữa. Mọi người đã bàn bạc thống nhất và khuyên tôi nên đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy khi mà cai nghiện ở nhà đã thất bại. Tôi đồng ý.

Những ngày đầu, tôi ở khu Y tế để điều trị cắt cơn, giải độc. Ở đây, các thầy cô y bác sĩ luôn quan tâm, sát sao chăm sóc cho tôi cả về mặt thể chất cũng như động viên tinh thần. Ngoài điều trị bằng thuốc hỗ trợ cắt cơn để làm giảm nhẹ đi những hội chứng cai, các thầy cô thường xuyên vào nói chuyện, hỏi thăm, động viên khích lệ tinh thần giúp tôi luôn cảm thấy an toàn và ấm áp giống như đang ở nhà mình. Tôi không còn cảm giác phải một mình đơn độc chiến đấu chống lại nỗi sợ hãi mà ma túy đem lại, tôi cảm nhận được tình thân và tình người nơi đây.

Sau 10 ngày được chăm sóc tại khu y tế, tôi được chuyển về lớp Hậu cắt cơn. Thời gian này, tôi chủ yếu rèn luyện sức khỏe bằng những bài tập vận động nhẹ nhàng và khoảng thời gian ngắn lao động trị liệu. Cũng trong thời gian này, các thầy cô  hướng dẫn tôi về nội quy, quy định của lớp, khu và nội quy, quy chế của Cơ sở; được lựa chọn học nghề phù hợp với năng lực cũng như sức khỏe của mình.

Sau 10 ngày, tôi được phân về Khu Tự nguyện. Các thầy cô trong khu đều quan tâm, giúp đỡ học viên chúng tôi không chỉ trong đời sống vật chất mà còn luôn động viên, khích lệ tinh thần, giúp chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ người thân.

Ngoài thời gian lao động trị liệu, học viên chúng tôi thường xuyên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp; các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy. Ngoài ra, Cơ sở còn định kỳ mở các lớp học nâng cao giá trị sống, lớp học trang bị kỹ năng phòng chống tái nghiện nhằm tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Từ đó, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, kết nối giữa những học viên với nhau, giữa học viên với sinh viên của các trường đại học; giữa các tổ chức, đoàn thể với học viên. Chúng tôi như một gia đình lớn với tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau hướng tới một ngày mai tươi sáng và hạnh phúc.

Không nói trước điều gì về tương lai nhưng niềm tin và động lực để tôi sống tốt, nghĩ tốt, niềm tin đó được nhen nhóm và hình thành trong ngôi nhà thứ hai này - Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương. Tôi sẽ biến nó thành hành động vì những người thầy nơi đây và những người thân yêu của gia đình tôi đang từng ngày, từng giờ chờ đợi tôi "trở về" dưới hình hài một con người khỏe mạnh và chiến thắng./.

Đỗ Dũng - Như Ngọc