Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về: Còn đó những khó khăn Ngày đăng: 21/11/2021
Hoạt động mua bán người vẫn còn những diễn biến phức tạp, dù có sự tham gia của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, quốc tế nhưng việc hồi hương, hỗ trợ nạn nhân vẫn còn đó những khó khăn từ nhiều phía.

Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy định pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm mua bán người.

Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, qua đó, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, thông qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân ngoài cộng đồng cũng được đẩy mạnh, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác điều tra, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân trước hết là do tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, viber…) để tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động.

Cùng với đó, tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại. Do đó, chưa thống nhất trong việc hỗ trợ. Đặc biệt, Hiệp định giữa Việt Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người không quy định cụ thể cơ quan đầu mối của hai bên; cơ chế phối hợp và trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân dẫn đến còn nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện.

Không chỉ vậy, đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, vì vậy, gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị nên không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác, gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ vụ việc.

Tại hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm hoặc có sự thay đổi nhân sự liên tục nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ còn chưa kịp thời, việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân chưa thật sự bền vững.

Chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, theo quy định còn thấp, có một số ít nạn nhân bị mua bán trở về thuộc hộ nghèo được thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu, có nhiều trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo nên địa phương không thể hỗ trợ.

Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội một số tỉnh thành phố còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ nạn nhân còn thiếu; có địa phương nơi lưu trú tạm thời cho nạn nhân phải tận dụng, bố trí với khu nhà ở cùng với các đối tượng khác, gây ảnh hưởng, xáo trộn đến tổ chức, hoạt động, quản lý. Tại nhiều tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ nạn nhân chưa được bố trí hoặc bố trí nhưng rất ít.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng hầu hết không được đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định, nhất là những vụ việc lực lượng chức năng nước ngoài trao trả nạn nhân với số lượng lớn, rất khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, ngủ và hỗ trợ ban đầu theo quy định, nhiều đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện hoặc các cơ sở hỗ trợ nên công tác chuyển tuyến nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và có cả trường hợp trẻ sơ sinh, trong khi các đồn biên phòng lại không có cán bộ, nhân viên nữ nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc, hỗ trợ ban đầu.

Để giải quyết những vướng mắc trên, trong thời gian tới, đối với việc sửa Luật Phòng, chống mua bán người cần nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách và đề xuất các nội dung về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Cùng với đó, xây dựng quy trình chuẩn thực hiện hỗ trợ nạn nhân và quy trình hỗ trợ người nghi là nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời, củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn bị mua bán trở về, đảm bảo tính sẵn có, dễ tiếp cận. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

Không chỉ vậy, để hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân, cần tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các kiến thức, kỹ năng và phương pháp tiếp cận, hỗ trợ dựa trên quyền của nạn nhân, lấy nạn nhân là trung tâm và thực hiện việc hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý.

Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân kịp thời và có hiệu quả. Giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai các tổ chức, doanh nghiệp được phép đưa người đi lao động tại nước ngoài và các loại phí người lao động phải trả.

Lê Châm (NGuồn Cổng thông tin đối ngoại)