“Văn hóa đọc” - món ăn tinh thần cho người cai nghiện ma túy Ngày đăng: 14/07/2021
Trong những năm qua, UBND Thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội luôn quan tâm và không ngừng đổi mới các giải pháp nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy trên địa bàn. Cùng với việc thực hiện 5 giai đoạn trong điều trị, cai nghiện cho học viên theo phác đồ quy định, hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy còn quan tâm đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho học viên, trong đó, phải kể đến “Văn hóa đọc” - món ăn tinh thần không thể thiếu đối với học viên cai nghiện tập trung sau những giờ học tập, lao động...

 

Tìm thấy... bài học làm người

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 là nơi duy nhất tiếp nhận học viên nữ vào cai nghiện ma túy. Đối với các chị em nơi đây, ngoài thời gian học tập, lao động thì thư viện là địa chỉ được các chị em thường xuyên tìm đến.

Học viên Nguyễn Thị Thu Hằng, quê  ở Thái Nguyên rụt rè cho biết: “Em thường tìm những cuốn sách có giá trị trong cuộc sống như các cuốn về pháp luật, tác hại của việc sử dụng ma túy; hoặc sách dạy nấu ăn, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều lúc chưa hiểu hết ý nghĩa từng loại sách, song cũng thấm một phần, để tự trau dồi và tiếp thêm sức cho mình rèn rũa, cố gắng chữa bệnh, hoàn thiện bản thân để sớm hoàn thành cai nghiện trở về với gia đình”.

Tại thư viện của Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, anh Nguyễn Tuấn Linh (quê Hà Nội) đang tìm cuốn sách “Nghệ thuật ứng xử giao tiếp” của Andrew Carnegle mà anh tâm đắc. Ôm cuốn sách vào ngực như cậu học trò ham học, Linh cho biết: “Em nghiện ma túy từ 9 năm nay. Sau nhiều lần tự cai nghiện ở nhà không thành giờ em xin vào cai nghiện tự nguyện và đã vào đây được hơn 3 tháng. Vợ và con gái 8 tuổi thường xuyên vào thăm, động viên em cố gắng vượt qua để làm một người bình thường. Từ khi có dịch Covid-19, vợ và con em không vào thăm được, vì vậy sau những giờ lao động, học tập em thường hay xuống thư viện mượn sách về phòng đọc, tránh cho bản thân mình nhàn dỗi lại nhớ về quá khứ không mấy tốt đẹp của mình”. 

Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng (Cơ sở cai nghiện ma túy số 7) nằm gần khuôn viên các khu quản lý học viên với gần 500 đầu sách, báo, tạp chí cũng là một trong những nơi mà học viên thường lui tới sau mỗi giờ lao động, học tập.

Lật tìm những cuốn sách pháp luật trên kệ sách, học viên Nguyễn Thanh Hải, quê Thanh Hóa, chia sẻ: “Vì thiếu hiểu biết mà trước kia em đã sử dụng ma túy dẫn đến phải đi cai nghiện... Ngoài những cuốn tiểu thuyết, em thường tìm đọc sách pháp luật. Những kiến thức có được từ những trang sách sẽ giúp em thêm hiểu biết, để sau này khi cai nghiện xong trở về với cộng đồng em sẽ tránh làm những việc sai trái... Em còn đọc cả cuốn “Đắc nhân tâm”… Em nghiền ngẫm hàng đêm và như được gột rửa tâm hồn, thức tỉnh bản thân thực sự. Những điều tươi đẹp về cuộc sống, về con người qua từng trang sách đã thôi thúc em phải nuôi niềm tin, khát vọng làm lại cuộc đời”.

Cùng suy nghĩ như học viên Hải, học viên Nguyễn Đức Thuận (quê  Phú Thọ), hiện đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 thì lại luôn mặc cảm, tự ti với những sai lầm trước kia của mình. Được các cán bộ quản lý học viên động viên, Thuận dần thức tỉnh, thoát ra khỏi sự tuyệt vọng. Thuận cho hay: “Ngoài thời gian lao động, mỗi tuần em đều tìm đến đọc sách từ 2-3 lần. Qua từng trang sách, em tìm thấy cho mình những bài học làm người, hướng đến cuộc sống lương thiện... Trong số các đầu sách đã đọc, em thấy tâm đắc nhất là cuốn "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng". Chính câu nói “Không bao giờ là quá muộn để gột sạch những quá khứ đau thương và làm lại từ đầu” đã tiếp thêm cho em niềm tin, hy vọng”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng, Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội cho biết: “Với những người nghiện ma túy, khi ở ngoài xã hội, việc tìm đọc một cuốn sách dường như là một chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, tại cơ sở cai nghiện tập trung, việc đọc sách là hoạt động thường xuyên đối với mỗi học viên ở đây, nhìn thấy các học viên tiến bộ chúng tôi rất hạnh phúc. “Văn hóa đọc” ở đây đã phần nào giúp cho học viên có thêm tri thức, nghị lực, niềm tin để đoạt tuyệt với ma túy”.

Phong phú đời sống tinh thần của học viên

Hiện nay, trung bình mỗi cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội có hơn 500 đầu sách với nhiều thể loại, trong đó, chủ yếu là sách hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống cùng các tiểu thuyết, truyện ngắn... Ngoài giờ lao động, học tập, học viên cai nghiện ma túy đều có thể đến phòng đọc sách để đọc. Những học viên có nhu cầu đều được cán bộ tạo điều kiện cho mượn sách về đọc tại phòng.

Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, cho biết: Cùng với nhiều hình thức quản lý và giáo dục khác, Ban Giám đốc luôn coi trọng vai trò của sách. Đơn vị thường xuyên tổ chức vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ sách cũ. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội ủng hộ, do đó, nguồn sách của đơn vị luôn dồi dào, với nhiều thể loại phong phú và đa dạng.

Cũng theo ông Giang, việc tạo điều kiện cho học viên cai nghiện ma túy đọc sách đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ công tác giáo dục, rèn luyện, học tập của học viên và đây cũng là một kênh thông tin hữu ích để học viên học tập, rèn luyện bản thân trong quá trình cai nghiện. Qua đó, nhiều học viên đã tìm thấy những điều bổ ích từ sách, báo, để khi trở về với cộng đồng các bạn sẽ biết cân nhắc, điều chỉnh hành vi của mình sao cho đúng chuẩn mực để sớm từ bỏ ma túy.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 cho biết thêm: “Bên cạnh việc nâng cao “văn hóa đọc”, Cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tăng cường thể lực, giúp cho học viên lấy lại tinh thần, có thêm quyết tâm từ bỏ quá khứ lỗi lầm”.

Việc từ bỏ ma túy là một hành trình vô cùng khó khăn đối với những người nghiện ma túy. Để việc cai nghiện hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của các cán bộ chuyên môn và mỗi học viên cần có sự chung tay, góp sức của cả gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, là hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, tạo việc làm ổn định cho những người từng nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng./.

Nguyễn Nhu (Hà Nội)