Cần Thơ: Tích cực hỗ trợ sinh kế cho nhóm người yếu thế Ngày đăng: 26/03/2021
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 29⁄2014⁄QĐ-TTg và Quyết định số 02⁄2020⁄QĐ-TTg, đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 37 cá nhân và gia đình được hỗ trợ vay vốn (trong đó: 17 người nhiễm HIV; 07 người sau cai nghiện ma túy; 3 người điều trị methadone) phát triển sản xuất với các nghề như chăn nuôi heo, dê, buôn bán, chạy xe taxi,... Tỷ lệ sử dụng vốn vay hiệu quả đạt 97,58%; tỷ lệ trả vốn đúng thời hạn đạt 93,04%.

 

 

Những mô hình vay vốn hiệu quả

Điển hình là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Y (sinh năm 1978) và chị Chim Thị Cẩm Giang (phường Hưng Phú, quận Cái Răng). Anh Y là đối tượng người sau cai nghiện được vay vốn. Hiện, gia đình anh có 3 người, gồm hai vợ chồng và 01 người con trai đang học năm thứ nhất Đại học Công nghệ.

Được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội quận Cái Răng, anh Y được Tổ tiết kiệm tín dụng của khu vực phường 8 hướng dẫn lập hồ sơ và được vay số tiền là 30 triệu đồng, thời hạn vay 05 năm. Từ các mối quan hệ trước đó, khi có đồng vốn trong tay, anh Y bàn với vợ mở cửa hàng cho thuê giàn giáo, phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Dần dà, công ăn việc làm ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, anh Y còn có nghề thợ hồ với mức thu nhập ổn định. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, anh Y đều đặn thực hiện việc gửi tiền cho Tổ tiết kiệm đúng thời gian quy định.

Còn chị Cẩm Giang, trước đây chị làm nghề in lụa. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên nghề in lụa không còn nhiều khách. Cuộc sống phát sinh nhiều khó khăn, chị phải làm thêm nhiều công việc thời vụ khác để kiếm thêm thu nhập phụ thêm vào những đồng lương phụ hồ khiêm tốn của chồng, đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi cậu con trai ăn học. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia Đội Công tác xã hội tình nguyện của phường Hưng Phú, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hồi Gia.

Chị Giang cho biết, khi biết chính sách của nhà nước hỗ trợ tín dụng cho cá nhân và gia đình thì rất mừng và hy vọng chính sách này tiếp tục thêm thời gian nữa để các gia đình như vợ chồng chị có cơ hội tạo thêm công ăn việc làm, nuôi dạy con cái. Không chỉ bản thân cố gắng sử dụng nguồn vốn có hiệu quả mà mong muốn nhiều người cùng cảnh ngộ cũng có cơ hội như gia đình tôi.

Hay như hộ gia đình anh Hồ Minh Thiện (phường Hưng Phú, quận Cái Răng). Sau khi cai nghiện trở về gia đình, anh Thiện đã nhận thức được hành vi chưa đúng trước kia của mình nên đã chí thú làm ăn. Được gia đình và địa phương quan tâm giúp đỡ, anh thuê địa điểm trong khu chợ 586 (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng) để mua bán cá lóc đồng. Tuy nhiên, do vốn ít nên thu nhập của anh không nhiều.

Biết hoàn cảnh của anh, chị Cẩm Giang (Đội Công tác xã hội tình nguyện phường) đã tới vận động và giới thiệu anh đến Tổ tiết kiệm vay vốn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng sự ủng hộ, động viên của gia đình và sự bảo lãnh của cha là ông Hồ Văn Út, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng trong thời hạn 5 năm, với mục đích mở rộng thêm việc mua bán cá ở chợ.

Từ khi có thêm vốn, công việc mua bán của anh Thiện thuận lợi hơn, tăng thêm thu nhập, không chỉ là bản thân anh được tiếp thêm động lực, cuộc sống ổn định hơn, mà anh còn giúp đỡ được cho gia đình. Bản thân anh cũng thực hiện tốt việc gửi quỹ tiết kiệm hàng tháng đúng hạn cho Tổ tiết kiệm tín dụng.

Sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân

Một trong những trở ngại tiếp cận nguồn vốn trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg là sự mặc cảm của các đối tượng vay vốn. Việc nắm bắt thông tin các trường hợp người yếu thế có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn và tư vấn, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh... là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức từ cấp chính quyền cơ sở.

Trao đổi về hiệu quả vay vốn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Cần Thơ Trần Thanh Lam, cho biết, cùng với công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, thì sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể, Tổ tiết kiệm và Vay vốn có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả vốn vay.

Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã và Tổ Tiết kiệm và vay vốn có vai trò đầu tiên tiếp cận nắm nhu cầu vay vốn của cá nhân, hộ gia đình. Sau khi hướng dẫn người vay cách viết đơn, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng và tình hình thực tế của hộ gia đình, nếu đáp ứng đủ điều kiện, sẽ lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn.

Khi nhận được đơn vay vốn của cá nhân, hộ gia đình, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn rà soát danh sách cá nhân, hộ gia đình đăng ký vay vốn và kết nạp là thành viên của Tổ, đồng thời, tiến hành bình xét cho vay theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Sau khi nhận được vốn vay, Đội Công tác xã hội tình nguyện phối hợp với cán bộ phụ trách Văn hóa - xã hội, cán bộ đoàn thể cấp xã (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên...) và Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn giám sát hộ vay thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh và quản lý, theo dõi việc sử dụng vốn vay của hộ gia đình và cá nhân người vay vốn. Hàng tháng, đôn đốc hộ gia đình và cá nhân người vay trả lãi và gửi tiền tiết kiệm đầy đủ theo quy định.

Có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ vay vốn cho nhóm người yếu thế phát triển kinh tế hòa nhập cộng đồng là một chủ trương đúng đắn và nhận được sự quan tâm, đón nhận bản thân người yếu thế và gia đình họ. Để chương trình đi vào cuộc sống, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, điều kiện, thủ tục, hồ sơ vay vốn trên các phương tiện thông tin đại chúng thì rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội, cộng tác viên Đội Công tác xã hội tình nguyện và Tổ tiết kiệm vay vốn./.

Như Ngọc