Hiệu quả chính sách tín dụng trợ giúp các đối tượng yếu thế hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 26/03/2021
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp Đà Nẵng, tính từ tháng 6⁄2016 đến hết tháng 12⁄2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã duyệt cho vay tổng số tiền 1.080 triệu đồng đối với 42 cá nhân, hộ gia đình, trong đó có 08 người nhiễm HIV, 12 người trong diện quản lý sau cai, 21 người điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone, 01 người bán dâm hoàn lương... góp phần tạo việc làm cho các đối tượng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

 

 

Từ sự thay đổi tích cực của đối tượng

Chính sách cho người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg (đã được sửa đổi theo Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ) là một chính sách nhân văn của Nhà nước và nhận được sự quan tâm, đón nhận của cá nhân và hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương (nhóm người yếu thế). Tại Đà Nẵng, chính sách này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều trường hợp thuộc nhóm yếu thế đã được vay vốn, phát triển sinh kế và hòa nhập cộng đồng bền vững.

Điển hình như trường hợp của chị N.T. L.V (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Sau một thời gian nghiện ma túy, phải sống nhờ tiền của mẹ già, năm 2018, V bắt đầu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và có nhu cầu mua sắm phương tiện làm ăn. Sau khi được tuyên truyền về chính sách, được Tổ Tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ làm thủ tục, V. đã được vay 20 triệu đồng để mua xe máy đi làm thợ sơn.

“Từ khi có chiếc xe, cuộc sống của tôi rẽ sang hướng mới. Được mọi người tin tưởng, tôi cảm thấy vui vì mình đã trở thành người lao động chân chính, có tiền chi trả sinh hoạt hàng tháng, có tiền tiết kiệm để trả nợ ngân hàng (500.000 đồng/tháng)”, V chia sẻ.

Đến nay, V. đã trả hết nợ cho ngân hàng và có sức khỏe tốt, tinh thần ổn định, chăm lo làm ăn, cuộc sống tương đối ổn định.

Cũng sinh sống tại phường Thanh Khê Tây, chị Phương có chồng đã hoàn thành chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Sau khi được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay số tiền 30 triệu đồng, thời hạn 36 tháng. Với số tiền được vay, chồng chị Phương đã mua giàn giáo, dụng cụ sơn xin vào làm tại các công trình xây dựng. Hàng tháng, gia đình nộp lãi đúng theo quy định của ngân hàng. Đến nay, hộ chị Phương đã trả được 12 triệu đồng tiền gốc và tham gia tiết kiệm được 3,8 triệu đồng và cam kết sẽ trả nợ đúng hạn ngày 21/10/2021. Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà gia đình chị Phương đã có cuộc sống ổn định, giảm bớt khó khăn. Đặc biệt, chồng chị chăm chỉ làm ăn, không còn thời gian nghĩ đến ma túy. Anh còn tham gia tư vấn giúp đỡ cho nhiều người có cùng cảnh ngộ, tuyên truyền cho họ biết về vốn ưu đãi từ Ngân hàng.

Dạy nghề cho người cai nghiện

Đến những bài học kinh nghiệm

Sau khi được Hội Phụ nữ phường phân công trực tiếp quản lý vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ tháng 6/2016, chị Dương Minh Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) xác định, đây là một nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhà nước giao, phải tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền và phối hợp hiệu quả với Ngân hàng Chính sách xã hội, bám sát địa bàn quản lý để vận động người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi một cách hiệu quả nhất.

Khi nhận nhiệm vụ, chị suy nghĩ, đối tượng của chương trình này thường không mạnh dạn, muốn che dấu bản thân nên chị đã cùng các thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn thông báo rộng rãi ở khu dân cư, thông qua các buổi sinh hoạt của Tổ dân phố, Chi hội phụ nữ. Chị V, gia đình chị Phương cũng từ những buổi sinh hoạt như vậy là biết đến nguồn vốn.

Chị Thúy cho biết, trong quá trình trực tiếp quản lý vốn vay, chị nhận thấy một điều: Để tạo điều kiện phát triển kinh tế cho cá nhân, hộ gia đình người yếu thế là nhiệm vụ không hề đơn giản. Đối với những người đang quyết tâm từ bỏ ma túy, hòa nhập cộng đồng, thiết thực nhất là sự hỗ trợ về vốn, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất để họ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Có việc làm, ổn định cuộc sống là yếu tố quan trọng giúp họ quyết tâm từ bỏ quá khứ lỗi lầm. Họ cần có sự hỗ trợ tích cực, đúng lúc và kịp thời từ nhiều phía, tránh thời gian nhàn rỗi, không có việc làm, dễ bị lôi kéo trở lại con đường cũ.

Theo ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, khách hàng vay vốn chủ yếu là hộ gia đình với mục đích mở cửa hàng tạp hóa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ; đa số các hộ và cá nhân được vay đều thực hiện đúng cam kết và sử dụng vốn vay đúng mục đích.... góp phần tạo việc làm cho các đối tượng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyên cho biết thêm, việc hỗ trợ tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã giúp nhiều đối tượng yếu thế có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vượt lên chính mình trở thành những người có ích, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và an sinh xã hội.

Để đạt được yêu cầu đề ra, trong quá trình tổ chức, triển khai Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Đà Nẵng đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội, đoàn thể phải đưa việc thực hiện tín dụng chính sách vào chương trình lãnh đạo, chỉ đạo hàng năm.

Thứ hai, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân để người dân hiểu và thực hiện đúng, nhất là thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ.

Thứ ba, xây dựng mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho từng nhóm đối tượng đảm bảo phù hợp, hiệu quả thông qua việc dạy nghề và tạo việc làm, mô hình sinh kế bền vững và các hỗ trợ xã hội khác, tạo điều kiện cho họ có cơ hội có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, không tái phạm.

Thứ tư, thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đi đôi với việc giáo dục chính trị tư tưởng để xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Từ thực tế trên, có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là thực sự cần thiết cho các đối tượng lầm lỡ, giúp họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống./.

Như Ngọc