Tăng cường xây dựng, duy trì các mô hình hỗ trợ người bán dâm Ngày đăng: 16/03/2021
Mại dâm là vấn đề xã hội hết sức phức tạp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế đất nước, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là nguồn lao động với chi phí chăm sóc sức khỏe cho người bán dâm như khám chữa bệnh, phục hồi, dạy nghề, tạo công ăn việc làm, trợ giúp người nhiễm HIV,...

 

 

 

 

Tệ nạn mại dâm còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới các loại tội phạm khác như sử dụng trái phép chất ma túy, xâm hại trẻ em, hiếp dâm, cưỡng dâm, đặc biệt là tội phạm mua bán người. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm là tổ chức, thực hiện các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 hướng dẫn Khung định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm – đây là 3 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Kết quả, trong 5 năm qua, với sự vào cuộc tích cực từ trung ương tới địa phương, công tác hỗ trợ giảm hại, dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm đã có những bước tiến rõ rệt, đạt hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho người bán dâm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ tái phạm. Đến nay, đạt 63/63 tỉnh, thành phố (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch) triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Cụ thể, 21 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (vượt 5% chỉ tiêu kế hoạch) đã tổ chức triển khai và duy trì 114 điểm mô hình can thiệp theo 3 mô hình của Chương trình, với 4.463 người tham gia Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, Nhóm tự lực/đồng đẳng. Trong đó, có 12 địa phương tổ chức xây dựng Mô hình 1- Tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; 09 địa phương triển khai Mô hình 2- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và trung tâm công tác xã hội; 17 địa phương triển khai Mô hình 3 - Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.

Thông qua các mô hình can thiệp giảm hại, cả nước có 77.781 lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó có 66.862 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 7.772 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 1.812 lượt người được hỗ trợ giáo dục; 556 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 457 triệu đồng; 779 lượt người được học nghề, tạo việc làm; 2.451 lượt cuộc gọi đến đường dây nóng của mô hình để tư vấn, hỗ trợ.

Một số địa phương đã xây dựng mô hình và lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội khác hiệu quả, điển hình như: mô hình Nhóm Hạ Long Xanh, Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ Cẩm Phả, Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ Uông Bí ( tỉnh Quảng Ninh), mô hình "Tiến lên phía trước" do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thực hiện,...

Bên cạnh kết quả trên, các mô hình can thiệp giảm hại mới chỉ được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố, nhưng số người được tiếp cận dịch vụ còn hạn chế, chế độ hỗ trợ kinh phí cho địa phương và đối tượng còn thấp...; Việc tổ chức, giám sát và đánh giá các hoạt động của mô hình thí điểm (theo Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH) gặp khó khăn do tình trạng di biến động và tâm lý mặc cảm của người bán dâm, họ không muốn thừa nhận (về góc độ pháp lý) là người bán dâm với cơ quan chức năng; Tính hiệu quả của mô hình ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được khẳng định do các mô hình chủ yếu triển khai trong giai đoạn “thí điểm”, chưa hình thành được hệ thống kết nối các dịch vụ chuyêt biệt trong việc hỗ trợ người bán dâm, đặc biệt là các hoạt động về vay vốn, học nghề, tìm việc làm...

Một trong những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay là các chương trình can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng, chú trọng các hỗ trợ xã hội, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc,...) vì vậy, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu trình Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, chú trọng các giải pháp xã hội để giải quyết vấn đề mại dâm. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm thay đổi công việc, sinh kế, hòa nhập cộng đồng.

Hai là, xây dựng và chuẩn hóa hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người bán dâm với mục tiêu 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp. Tiếp tục thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ trao quyền, tăng cường năng lực tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong việc chủ động tạo sinh kế phù hợp, hòa nhập cộng đồng.

Ba là, ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động phòng, chống mại dâm ở cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức dựa vào cộng đồng, các câu lạc bộ, các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm và giải quyết các vấn đề liên quan của người bán dâm./.

Như Ngọc