Hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng 111 ở Nghệ An Ngày đăng: 30/11/2020
Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người trên địa bàn, Trung tâm Công tác xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) đã triển khai Đường dây nóng phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tính từ năm 2015 đến 5⁄2020, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý 166 trường hợp liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mua bán, bị bạo hành,…

 

 

 

Tình hình mua bán người còn rất phức tạp

Tính từ đầu năm 2019 đến tháng 5/2020, Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Kết quả, đã phát hiện, bắt giữ 18 vụ, 30 đối tượng phạm tội mua bán người, liên quan đến 22 nạn nhân (gồm 17 vụ trước năm 2018, 01 vụ trong năm 2019), tổ chức lực lượng giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa 15 nạn nhân về địa phương, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Ngoài ra, đối với một số vụ việc liên quan đến mua bán bào thai, do còn vướng mắc về pháp luật, Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố 02 vụ, 05 bị can về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong điều tra nhưng công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em nghèo, nhận thức hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Một số trường hợp bị hại do mặc cảm nên không khai báo hoặc đang ở nước ngoài. Phần lớn nạn nhân khi bị các đối tượng lừa gạt, rời khỏi địa phương không báo cho chính quyền, chỉ đến khi gia đình nghi ngờ bị mua bán thì mới báo cho chính quyền nên rất khó truy tìm.

Tội phạm mua bán người thường hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng gây khó khăn cho việc tổ chức bắt giữ, xử lý. Nguyên nhân do vướng mắc về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật. Kinh phí hỗ trợ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người và các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế còn hạn chế. Các nạn nhân thường có có tâm tý mặc cảm, tự ti, không khai báo, tố giác tội phạm với chính quyền địa phương và làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.

Về thủ đoạn, các đối tượng tội phạm thường sử dụng chiêu trò tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ rê đi buôn bán với mức thù lao cao, công việc nhàn hạ để lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em đem bán ra nước ngoài. Một số đối tượng phạm tội là phụ nữ ở địa phương trước đây là nạn nhân của mua bán người, hoặc tự bỏ đi lấy chồng, làm gái mại dâm ở Trung Quốc quay về địa phương tiếp tục lừa gạt những phụ nữ, trẻ em quen biết bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc hoạt động mại dâm. Bên cạnh đó, tội phạm còn thông qua mạng xã hội (zalo, facebook) để tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em. Đáng chú ý, cuối năm 2018 đã phát hiện thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc ít người đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán lại (đã phát hiện 26 trường hợp ).

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi hoặc những phụ nữ "quá lứa lỡ thì", có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đua đòi ăn chơi; một số em gái mới lớn có tư­ tư­ởng thoát ly lao động nông nghiệp, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, thu nhập cao hơn... Trong năm 2019, qua công tác điều tra, xử lý tội phạm, cơ quan Công an đã làm rõ 22 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái bị mua bán; nhiều nạn nhân không tự về được đều tìm cách liên lạc với gia đình với mong muốn được giải cứu.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người tại 10 huyện trọng điểm, phức tạp về phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú.

Công an tỉnh phối hợp tổ chức “Vòng tay Thái bình”, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An tổ chức 02 buổi truyền thông về phòng chống mua bán người tại trường THPT Nghi Lộc 2 và trường THPT Cửa Lò 2; phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Quỳ Châu tổ chức tập huấn Luật phòng chống mua bán người và tổ chức đối thoại chính sách phòng, chống mua bán người và di cư tự do tại địa bàn các xã trọng điểm, phức tạp về mua bán người thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Hội LHPN tỉnh xây dựng các mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại các địa bàn trọng điểm, trong đó có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, điển hình như tại xã Tam Quang, Nga My (Tương Dương), Quang Phong (Quế Phong)…

Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc

Những kết quả bước đầu của Đường dây nóng 111

Trung tâm Công tác xã hội  (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) được giao chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng về phòng ngừa, can thiệp, phục hồi, phát triển và 10 nhiệm vụ theo quyết định của UBND tỉnh trên cơ sở Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 29/5/2014, Trung tâm được chọn là địa điểm thiết lập đường dây tư vấn 1900565605 (hiện nay là Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (QGBVTE) 111) của tỉnh với nguyên tắc đảm bảo quyền bí mật riêng tư, tư vấn viên luôn luôn tôn trọng, cởi mở lắng nghe và đáp ứng nhu cầu cần thiết của các đối tượng trong khả năng có thể.  

Với số lượng 05 máy, 03 nhân viên trực tổng đài, chia làm 3 ca trực 24/24 tại cả 02 cơ sở (cơ sở 1 xã Lưu Sơn, Đô Lương; cơ sở 2 số 16, Trần Tấn, Thành phố Vinh), nạn nhân và người dân có nhu cầu được cung cấp thông tin về pháp luật, thủ tục chính sách bảo trợ xã hội, tham vấn tâm lý, các kỹ năng để giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng hay cần sự giúp đỡ và kết nối đến các dịch vụ hỗ trợ.

Hoạt động của đường dây tư vấn, gồm: tiếp nhận các thông tin của cá nhân, kết nối với tổng đài QGBVTE 111; xác minh thông tin, cung cấp thông tin liên quan; giải đáp thắc mắc về chính sách, pháp luật; tham vấn, tư vấn; can thiệp, hỗ trợ  trong trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp; kết nối đến các dịch vụ trợ giúp; chuyển thông tin đến cơ quan chức năng giải quyết khi có nhu cầu.

Từ khi thiết lập đường dây đến nay, Trung tâm đặc biệt chú trọng việc kết nối, tiếp nhận thông tin từ Tổng đài quốc gia BVTE và các kênh thông tin khác nhằm bảo vệ trẻ em và hỗ trợ can thiệp trong các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp như: trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo hành, trẻ em là nạn nhân của mua bán người. Từ năm 2015 đến tháng 5/2020, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý 166 trường hợp liên quan đến trẻ em bị xâm hại, trong đó, có 24 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em và một số trường hợp trẻ em là nạn nhân bị mua bán.

Từ tháng 3/2020, Trung tâm chuyển đổi đầu số đường dây nóng từ 1900 có thu cước phí sang đường dây tư vấn miễn phí cho các khách hàng và các đối tượng yếu thế với đầu số 180059.99.63.  Cán bộ tư vấn, truyền thông đã và đang tích cực hoạt động quảng bá, giới thiệu đầu số này cùng với đầu số đường dây nóng Bảo vệ trẻ em 111 tới người dân ở  huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, đường dây nóng 111 là một kênh, phương tiện hữu ích và cần thiết để can thiệp hỗ trợ các đối tượng yếu thế ở Nghệ An, trong đó, đặc biệt tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các trường hợp nạn nhân bị mua bán, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người trên địa bàn tỉnh./.

NC