Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 30/11/2020
Với vai trò là công cụ đấu tranh bảo vệ quyền con người, nhất là nạn nhân của mua bán người, công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực, đem lại kết quả đáng ghi nhận. Nhiều vụ việc mua bán người phức tạp đã được phát hiện, xử lý. Nhiều nạn nhân đã được bảo vệ, trợ giúp kịp thời, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

 

 

 

 

Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện

Mua bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Những kẻ mua bán người thường nhắm đến các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật cần thiết hoặc nhận thức còn hạn chế.

Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam rất nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống pháp luật phòng, chống mua bán người, trong đó có việc tham gia các điều ước quốc tế và hoàn thiện pháp luật trong nước, tăng cường thực thi các cam kết quốc tế và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: “nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính là người được trợ giúp pháp lý”. Như vậy, để được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì nạn nhân của hành vi mua bán người phải đáp ứng điều kiện “có khó khăn về tài chính”. Bên cạnh đó, Luật tố tụng và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam… cũng đã quy định bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của nạn nhân.

Ngày 15/11/2017, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn thủ tục trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Thông tư quy định rõ những giấy tờ cần có để chứng minh là nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính, gồm: Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;Giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân theo quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người.

Tiếp đó, Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm việc thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng cho đối tượng này. Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, quy định người thực thiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về vụ việc, việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý và ngay cả khi vụ việc đã kết thúc nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nhất là nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý. 

Có thể nói, phòng, chống mua bán người là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, từng bước làm giảm nguy cơ và tội phạm mua bán người, trong đó, chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ quyền con người, đặc biệt là quyền của những nạn nhân bị mua bán.

Ảnh minh họa

Những kết quả đạt được

Theo số liệu thống kê của các địa phương, từ năm 2016 đến 6/2020 đã có 158 vụ việc trợ giúp pháp lý với 158 nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, 43,6% vụ việc theo hình thức tư vấn pháp luật, 45,6% vụ việc theo hình thức tham gia tố tụng, 10,8% vụ việc theo hình thức khác. Ở phía Bắc, các thành phố lớn và tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán, như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, Lạng Sơn... Ở phía Nam, các hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em xảy ra tương đối phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang...

Hiện cả nước có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý tại 63 tỉnh, thành phố với các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, gồm: (1) Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; (2) tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Trong đó, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có: (1) Trợ giúp viên pháp lý; (2) Luật sư (luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý); (3) Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (4) Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Đội ngũ này được củng cố theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng.

Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 645 trợ giúp viên pháp lý, 642 luật sư (trong đó 533 luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, 158 luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý), 90 tư vấn viên pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; 132 cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã chú trọng công tác quản lý, hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý. Hàng năm, Cục đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức các đoàn kiểm tra, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chỉ đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức có liên quan khác để thông tin, giới thiệu, chuyển gửi vụ việc cho Trung tâm, tăng cường thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý (trong đó có nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính),… qua đó giúp họ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý theo các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hành chính cho nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán còn thấp so với tổng số các vụ việc trợ giúp pháp lý, nhưng nhiều trường hợp nạn nhân đã được trợ giúp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc pháp luật khi trở về địa phương, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nhiều vụ, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công lý, mang lại niềm tin cho nhân dân. Nhiều người, trong đó có các nạn nhân đã được trợ giúp pháp lý, đã tích cực cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chung tay góp phần đẩy lùi tệ nạn mua bán người.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và nạn nhân bị mua bán nói riêng đã được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như: đài truyền thanh, truyền hình, tờ rơi, tờ gấp, bảng tin, hộp tin trợ giúp pháp lý. Trang thông tin điện tử www.trogiupphaply.gov.vn liên tục cập nhật thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, danh sách, địa chỉ các Trung tâm trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý trong cả nước để người dân biết và lựa chọn. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn lượt truy cập Trang thông tin điện tử này.

Ngoài ra, các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các phương tiện truyền thông tích cực tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý; phổ biến về quyền được trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị mua bán và giúp nạn nhân bị mua bán, thân nhân của họ hiểu biết về các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người, hậu quả các các biện pháp xử lý đối với hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em, qua đó đã nâng cao được hiểu biết và ý thức pháp luật về lĩnh vực này.

Nhìn chung, công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán. Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng) đã bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán trở về, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền cũng như toàn xã hội đối với việc phòng ngừa tệ nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ hòa nhập cộng đồng./.

Như Ngọc