Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại Nam Định Ngày đăng: 30/11/2020
Hiện nay, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tuy không công khai, nhưng thủ đoạn hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, kín đáo, tổ chức nhỏ nhưng ở diện rộng và xuất hiện ở cả khu vực thành thị, nông thôn, khu du lịch và các khu công nghiệp tập trung nhiều lao động tự do.

 

 

 

 

Lựa chọn địa bàn xây dựng mô hình

Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Nam Định có gần 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với trên 1.700 lao động nữ đang làm việc. Số đối tượng gái mại dâm bị bắt giữ, xử lý trong thời gian qua có độ tuổi ngày càng trẻ hóa, đa số ở các vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, học vấn thấp. Trên 95% gái mại dâm là người ngoại tỉnh, sau khi bị xử lý lại tiếp tục thực hiện hành vi bán dâm, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Những địa bàn phức tạp tập trung chủ yếu hoạt động mại dâm là Thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và xã Yên Bằng (huyện Ý Yên) tiếp giáp giữa tỉnh Nam Định và Ninh Bình.

Thời gian qua, việc hỗ trợ người bán dâm đã từng bước được cải thiện, hoạt động kết nối giữa các ngành, các địa phương về tuyên truyền phòng chống mại dâm đạt kết quả cao, góp phần giảm phân biệt kỳ thị, đồng thời, nâng cao quyền của nữ lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Đặc biệt, để chủ động làm giảm thiểu nguy cơ không được đảm bảo các quyền của người lao động, dễ bị lôi cuốn vào hoạt động mại dâm, tỉnh Nam Định xây dựng Dự án thí điểm xây dựng mô hình “Đảm bảo quyền của lao động nữ làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn có tệ nạn mại dâm”. Theo đó, 3 xã, thị trấn được lựa chọn thí điểm mô hình là: Thị trấn Quất Lâm, thị trấn Thịnh Long và xã Yên Bằng. Thị trấn Quất Lâm và thị trấn Thịnh Long có bờ biển kéo dài khoảng 3,5 km, trên địa bàn 2 thị trấn có 2 khu du lịch nghỉ mát tắm biển Quất Lâm và Thịnh Long được xây dựng từ năm 1997, hiện tại có hơn 100 khách sạn, nhà nghỉ và gần 300 kiốt làm dịch vụ tắm biển và lưu trú. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn lượt khách nước ngoài và việt kiều về thăm quan du lịch và nghiên cứu khoa học và hàng chục vạn khách trong và ngoài tỉnh đến du lịch nghỉ mát tắm biển. Còn xã Yên Bằng (huyện Ý Yên) tiếp giáp với thành phố Ninh Bình, có khu công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Tại mỗi địa bàn trên, hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, tiệm gội đầu thư giãn, kiôt bán hàng với số lao động trung bình khoảng 3-15 người/năm. Trong đó, khoảng trên 20% là lao động gia đình. Số còn lại, gần 80% là lao động thuê ngoài. Đa số lao động các cơ sở thuê ngoài là nữ, hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Nhiều người không nắm được các quy định về pháp luật lao động, pháp luật phòng, chống mại dâm, quy định pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong môi trường làm việc nhạy cảm, bản thân hiểu biết pháp luật hạn chế, chủ cơ sở kinh doanh tìm mọi cách lách luật để trốn tránh trách nhiệm của người sử dụng lao động, bọn tội phạm với thủ đoạn tinh vi,... nên nhiều chị em đã không được đảm bảo các quyền lợi của người lao động và luôn là đối tượng có nguy cơ cao bị lợi dụng, lôi cuốn vào hoạt động mại dâm.

Ảnh minh họa

Những kết quả bước đầu

Triển khai thí điểm mô hình, tỉnh tăng cường hỗ trợ thiết lập, duy trì và phát triển thành viên các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhóm đồng đẳng hoạt động hỗ trợ cho các đối tượng: người nghiện ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV. Trong đó, có 2 nhóm làm việc hỗ trợ phụ nữ bán dâm trên địa bàn thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (nhóm Gió Biển) và thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (nhóm San Hô). Công tác hỗ trợ hoạt động khảo sát, vận động thành lập nhóm được Ban quản lý khu du lịch bãi tắm Quất Lâm và Thịnh Long quan tâm thực hiện. Ban chủ nhiệm nhóm được bầu chọn từ thành viên nhóm (tiếp cận viên của nhóm), do đó tạo nên sự đồng thuận gắn kết giữa các thành viên nhóm. Hàng tháng, mỗi nhóm có 2 buổi sinh hoạt, thông qua các buổi họp, ban chủ nhiệm nhóm phân chia địa bàn tiếp cận cho từng tiếp cận viên, phù hợp với địa bàn nơi tiếp cận viên cư trú. Các nhóm đặt ra kế hoạch tiếp cận tới đối tượng đích (nữ lao động làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ), đặc biệt mở rộng tiếp cận thêm đối tượng mới, những người có hành vi nguy cơ cao dễ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục không an toàn, viêm gan B, C và HIV/AIDS...

Để kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và huy động sự ủng hộ của các cơ quan thi hành pháp luật, hai nhóm San Hô và Gió Biển đã phối hợp với Ban quản lý khu du lịch bãi tắm tạo điều kiện kết nối với chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động tiếp cận tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hàng năm, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh phối hợp với UBND xã, thị trấn thuộc 3 địa bàn triển khai mô hình thực hiện các chương trình công tác năm theo kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020.

Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các bên liên quan như: phối hợp với UBND xã, thị trấn tuyên truyền 2 lần/tuần trên hệ thống loa phát thanh của địa phương về phòng chống mại dâm, các quy định về đảm bảo quyền của lao động nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và chính quyền địa phương về công tác phòng chống mại dâm, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự; phối hợp với Trung tâm phát hành chiếu phim tổ chức 20 buổi truyền thông lưu động tại 3 địa phương thí điểm mô hình; biên soạn, in và phát 2.000 cuốn tài liệu và 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mại dâm. Thực hiện kẻ, vẽ 50 khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm, trong đó có nội dung việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nghiên cứu xây dựng tài liệu, bài giảng phục vụ công tác truyền thông; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm hại tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Đồng thời tổ chức các hội thảo đồng thuận, đối thoại với các bên liên quan về đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của người lao động. Từ năm 2018-2020, Chi cục đã tổ chức 8 buổi hội thảo đồng thuận, đối thoại với các đơn vị: Hội phụ nữ ,Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm,  Trung tâm y tế các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên và đại diện chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố của 3 địa bàn thực hiện mô hình. Thông qua các buổi hội thảo đã tạo được tiếng nói chung trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 3 địa bàn trọng điểm về mại dâm của tỉnh. Tổ chức các hoạt động can thiệp, tư vấn hỗ trợ người bán dâm như: hướng dẫn, quản lý nhóm đồng đẳng tại 02 khu du lịch biển; rà soát, nắm số lượng, danh sách lao động nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, xây dựng quy trình kết nối các dịch vụ can thiệp giảm hại hiện có, tư vấn hỗ trợ người bán dâm về quyền của người lao động làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các quy định pháp luật về quản lý hộ tịch, hộ khẩu, lao động tiền lương, kinh doanh có điều kiện, đảm bảo sức khỏe...

Hàng năm, tổ chức 4 cuộc tập huấn năng cao năng lực cho nhóm đồng đẳng trong việc tiếp cận đối tượng là nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Thông qua các buổi tập huấn đã nâng cao năng lực và hỗ trợ nhóm cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm tác hại; kết nối nhóm tới các tổ chức phi chính phủ (ISDS), các Trung tâm y tế của địa phương, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), chuyển gửi các đối tượng có nhu cầu về y tế: tư vấn xét nghiệm HIV bằng phương pháp Playtest tại chỗ, chuyển gửi xét nghiệm khẳng định HIV tới CDC Nam Định, và giới thiệu tới các phòng khám ngoại trú (OPC) cho bệnh nhân có nhu cầu điều trị HIV/AIDS...

Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh, thực hiện mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của tất cả thành phần tham gia phòng, chống tệ nạn mại dâm tại địa bàn thí điểm mô hình. Chủ động tham mưu đề xuất chương trình, kế hoạch của nhóm đồng đẳng trong đó có công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, tác hại của tệ nạn mại dâm, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm.

Qua việc thực hiện các hoạt động của mô hình tại địa bàn trọng điểm đã phát triển và củng cố được các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh Nam định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển mô hình các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm hiện có, nhân rộng mô hình các nhóm tại địa bàn khác. Tăng cường kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và huy động sự ủng hộ của các cơ quan thi hành pháp luật cho hoạt động của nhóm, tạo hành lang pháp lý cho nhóm hoạt động; phát huy vai trò của các ngành, chính quyền để hỗ trợ cung cấp dịch vụ. Đổi mới nội dung, hình thức các buổi hội thảo đồng thuận; đối thoại với các bên có liên quan về đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của người lao động cho phù hợp đảm bảo hiệu quả thiết thực; tổ chức nhiều hoạt động can thiệp, tư vấn hỗ trợ người bán dâm./.

D.Anh