Phòng, chống tệ nạn mại dâm ở Đà Nẵng: lấy phòng ngừa làm trọng tâm Ngày đăng: 23/09/2020
Lấy phòng ngừa làm trọng tâm, đặc biệt là chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra là mục tiêu mà Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 của thành phố hướng tới. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, trong 5 năm qua, công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mại dâm trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thời gian qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã xây dựng được một số phong trào, mô hình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa tác hại của tệ nạn mại dâm và tạo được sự đồng thuận trong việc đấu tranh với tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng. Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế các trường hợp nguy cơ cao do nghèo đói, chưa có việc làm, việc làm không ổn định, trong 5 năm qua, Hội LHPN thành phố đã giải ngân Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển" với số tiền 127.227 tỷ đồng cho gần 6.338 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ khó khăn có thu nhập thấp để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện Chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV tới năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trên địa bàn 7 quận, huyện với những ưu tiên và nội dung can thiệp mang tính đặc thù của từng địa phương, trong đó, tập trung cho địa bàn trọng điểm gồm Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Liên Chiểu.

Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã ký kết chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện sản xuất và phân phối 229.975 tài liệu truyền thông các loại như tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng, áp phích để phân phát cho quận, huyện, xã, phường và nhóm tiếp cận cộng đồng thực hiện tuyên truyền tại cộng đồng và các nhóm đặc thù. Phối hợp với các đơn vị kinh doanh, sản xuất, trường đại học, cao đẳng và sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức được 236 cuộc truyền thông trực tiếp cho 26.200 lượt người.

Một số mô hình truyền thông có hiệu quả đã triển khai và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đối tượng, tầng lớp nhân dân như đội văn nghệ xung kích (tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, mỗi năm có từ 11-14 buổi diễn tại các khu dân cư, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, Cơ sở xã hội Bầu Bàng, đã thu hút được hàng ngàn người xem), bên cạnh đó còn phát bao cao su miễn phí góp phần nâng cao nhận thức của các đối tượng về việc sử dụng bao cao su; Mô hình tiếp cận cộng đồng (đến cuối năm 2019, đã triển khai mạng lưới gồm 25 đồng đẳng viên các nhóm, gồm phụ nữ bán dâm đường phố, tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí và nhóm đồng tính nam). Mạng lưới này đã thực hiện tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi cho  23.813 lượt khách và giới thiệu chuyển gửi dịch vụ xét nghiệm HIV được 1.715 khách hàng (759 đối tượng tiếp viên trong dịch vụ vui chơi giải trí, 709 phụ nữ bán dâm đường phố và 247 MSM)... Mô hình tư vấn xét nghiệm HIV lưu động được triển khai đáp ứng cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao không tới các phòng xét nghiệm tự nguyện. Mỗi năm có từ 12-15 cuộc xét nghiệm lưu động tùy thuộc vào nhu cầu xét nghiệm của địa phương và nhóm tiếp cận cộng đồng. Tại thành phố, chỉ tiêu phòng xét nghiệm HIV tự nguyện trung bình cho 300 khách hàng trong 1 tháng được tiếp cận và sử dụng dịch vụ, trong đó, hơn 70% là khách hàng thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và bạn tình của họ...

Một buổi tuyên truyền phòng, chống mại dâm ở Đà Nẵng

Bên cạnh công tác phòng ngừa, trong 5 năm qua, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp của thành phố đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát 1.411 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua đó, cảnh cáo, nhắc nhở 524 lượt cơ sở, đề xuất xử phạt hành chính 306 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 1,392 tỷ đồng; yêu cầu ngừng hoạt động 31 cơ sở do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; đề nghị tước giấy phép kinh doanh 6 tháng đối với cơ sở massage để xảy ra hoạt động mua bán dâm.

CATP đã chỉ đạo lực lượng phối hợp các đơn vị liên quan làm tốt công tác phòng ngừa, tổ chức tấn công triệt phá 37 vụ gồm 158 đối tượng (10 chủ chứa, 10 môi giới mại dâm, 80 gái bán dâm và 58 đối tượng mua dâm); tạm giữ nhiều tang vật, tài sản liên quan đến hoạt động mại dâm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Kết quả, đã lập hồ sơ truy tố 7 vụ 19 đối tượng (9 chủ chứa mại dâm, 10 môi giới mại dâm), xử lý hành chính 30 vụ, 139 đối tượng (1 chủ chứa mại dâm, 80 người bán dâm, 58 người mua dâm).

Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện việc rà soát từng hộ gia đình và địa bàn dân cư; phối hợp với đoàn thể và gia đình giáo dục, vận động các đối tượng có nguy cơ cao cam kết không vi phạm tệ nạn ma túy, mại dâm. Tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát, xử phạt số đối tượng mại dâm đứng đường đón khách gây mất mỹ quan đô thị. Định kỳ hàng năm, mời các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã tổ chức điều tra cơ bản trên địa bàn khu vực biên giới biểu và quản lý chặt chẽ các thuyền viên, khách du lịch trong nước và nước ngoài.

Để hỗ trợ cho người đang hoạt động mại dâm các biện pháp can thiệp giảm hại, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội về pháp lý, y tế, nơi tạm lánh, tư vấn tâm lý, học nghề, sinh kế nhằm giúp họ giảm mức độ hoạt động mại dâm, từng bước thay đổi công việc, hoà nhập cộng đồng một cách bền vững, trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020.

Tuấn Minh