Nâng cao hiệu quả tư vấn, điều trị nghiện tại cộng đồng Ngày đăng: 23/09/2020
Từ năm 2014, tỉnh Bắc Giang triển khai xây dựng Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng (gọi tắt là Điểm tư vấn, điều trị nghiện) tại 10 huyện, thành phố theo Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” của Chính phủ, hướng tới tăng tỷ lệ cai nghiện tự nguyện.

Phát huy hiệu quả mô hình sinh hoạt nhóm

Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” được xây dựng dựa trên quan điểm: “Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép”. 

Bám sát chỉ đạo, năm 2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Kết quả từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ sở của tỉnh và địa phương đã tổ chức cai nghiện cho hơn 1 nghìn lượt người. Trong đó, mỗi năm có khoảng 200 người cai tự nguyện nhờ hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, tăng bình quân từ 10-15%; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất cho 150 trường hợp.

Từ năm 2014, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) tỉnh tham mưu xây dựng 10 điểm tư vấn, điều trị nghiện đặt tại trạm y tế xã, phường. Theo kết quả rà soát, bình quân hằng năm có gần 80% người nghiện ma túy tại các điểm đã cắt cơn thành công và được giới thiệu đến các điểm điều trị bằng Methadone. Sau khi được hỗ trợ cắt cơn, sức khỏe phục hồi, người nghiện được tham gia sinh hoạt ở các nhóm “Tự lực”. Đây là cơ hội để họ giải tỏa tâm lý, chia sẻ khó khăn với những người đồng cảnh ngộ.

Ra đời sớm nhất, Điểm tư vấn, điều trị nghiện ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) duy trì hoạt động hiệu quả. Mỗi năm đã tư vấn, áp dụng liệu pháp điều trị tâm lý, phòng tái nghiện, giới thiệu cho khoảng 100 lượt người nghiện đi điều trịMethadone. Bà Dương Thị Phượng, cán bộ phụ trách điểm chia sẻ: Hiện nhóm “Tự lực” ở đây có từ 15-20 người tham gia sinh hoạt 2 buổi/tháng.

Nhằm giúp người nghiện xóa dần mặc cảm, dễ chia sẻ về tình trạng bệnh, những nỗi niềm trong cuộc sống, chúng tôi lựa chọn chủ đề sinh hoạt gần gũi với đời sống. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giao lưu thể thao, tạo không khí cởi mở. 

Anh Ng.Th.L (SN 1976), một người nghiện ở xã Lam Cốt nói: “Tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là cắt cơn, từng có lúc muốn buông xuôi khi những cơn thèm thuốc quay trở lại. Nhờ có người thân động viên, nhất là các thành viên trong nhóm chia sẻ, lại được cán bộ điểm tư vấn, nhắc nhở dùng Methadone đều đặn, tôi có thêm quyết tâm không trở lại con đường cũ”.

Bổ sung nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Nguyễn Văn Khoái, Phó Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh cho hay, ngoài sự quyết tâm của người bệnh rất cần sự đồng hành, sẻ chia của gia đình, cộng đồng để cai nghiện thành công. Việc thành lập các Điểm tư vấn, điều trị nghiện là giải pháp quan trọng, phù hợp với mục tiêu chuyển dần sang hình thức cai tự nguyện. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hiệu quả hoạt động của các điểm còn nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu kinh phí.

Về khó khăn này, y sĩ Lê Đắc Thắng, thành viên của Điểm tư vấn, điều trị nghiện phường Đa Mai (TP Bắc Giang) chia sẻ: Trạm bố trí đủ các phòng chức năng song cơ sở vật chất, trang thiết bị đều đã cũ, tận dụng lại. Cán bộ y tế chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, vất vả, trợ cấp thấp đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Cùng đó, do thiếu kinh phí nên việc bố trí nguồn thuốc, vật tư y tế thực hiện chức năng điều trị cắt cơn, giải độc rất khó khăn. 

Còn theo chị Nguyễn Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Ninh (Việt Yên), trên địa bàn xã hiện có khoảng 80 người nghiện, nghi nghiện. Dù cơ sở vật chất, thiết bị cơ bản đáp ứng nhưng hiện nay không có người nghiện đến tư vấn. Nguyên nhân là do vướng mắc trong thủ tục nên có rất ít người được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nếu có thì họ sẽ được đưa đến cơ sở điều trị của Trung tâm Y tế huyện.

Cắt băng khai trương Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại Thị trấn Neo, huyện Yên Dũng

Nhằm phát huy hiệu quả của điểm tư vấn, điều trị nghiện theo mục tiêu của Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020”, thời gian tới, Chi cục PCTNXH tỉnh tiếp tục tham mưu với tỉnh, các huyện, TP dành thêm kinh phí hỗ trợ các điểm hoạt động, đặc biệt tăng mức trợ cấp cho cán bộ phục vụ; nghiên cứu để đề xuất tỉnh bổ sung chức năng, nguồn lực đưa các điểm này trở thành điểm cấp phát Methadone thường xuyên cho người nghiện, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, chi phí để tăng hiệu quả điều trị. 

Cùng đó, phối hợp với các địa phương vận động người nghiện ma túy chủ động cai nghiện; chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới nội dung các buổi sinh hoạt nhóm, mời những người cai thành công đến chia sẻ kinh nghiệm, tạo thêm động lực để người nghiện vượt qua mặc cảm. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người nghiện sau cai để họ từng bước ổn định cuộc sống, giảm tối đa nguy cơ tái nghiện.

TM (Nguồn Báo Bắc Giang điện tử)