Lào Cai với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 22/09/2020
Giai đoạn 2016 – 2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giải cứu và tiếp nhận 370 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó, có 102⁄370 nạn nhân có hộ khẩu tại tỉnh Lào Cai chiếm 28,64%; 113⁄370 nạn nhân dưới 18 tuổi chiếm 30,54%. Đa số các nạn nhân là người dân tộc thiểu số (344⁄370, chiếm trên 92,97%) chủ yếu là người Mông, người Dao và người Thái…, trình độ văn hoá thấp: 21,2% mù chữ hoặc chưa thông thạo đọc, viết; 40,2% trình độ tiểu học, 38.2% trình độ văn hoá trung học cơ sở, trình độ văn hoá trung học phổ thông chiếm 0,4%). 100% nạn nhân trở về thường đối mặt với những khó khăn như: không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu kỹ năng sống, sự kỳ thị của cộng đồng, bị rối loạn tinh thần, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nạn nhân đi khỏi địa phương nay trở về không còn hộ khẩu...

Thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai trực tiếp 135 buổi truyền thông giảm nguy cơ mua bán người và giới thiệu các chế độ chính sách của Trung ương, của địa phương về công tác hỗ trợ nạn nhân tại các phiên chợ vùng cao và các trường học; 08 diễn đàn phòng, chống mua bán người tại các huyện, thành phố, thị xã cho 45.700 lượt cán bộ xã, trưởng thôn, phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán về các nguy cơ, hậu quả và cách phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tình trạng mua bán người. Thiết kế, in ấn, cấp phát 11.100 cuốn Sổ tay “Bài học từ những câu chuyện thực tế về nạn mua bán người”; 20 pa nô, 180 băng zôn, 10.000 tờ rơi “Kỹ năng phòng tránh nạn buôn người”; đẩy mạnh việc tuyên truyền chế độ, chính sách, các phiên tòa xét xử tội phạm mua bán người, quảng bá số điện thoại đường dây nóng 18001567 của Jica thông qua Bản tin Phòng, chống tệ nạn xã hội; phát 5000 bút bi truyền thông đường dây nóng phòng, chống mua bán người quốc gia 111. Các huyện, thành phố đã tổ chức truyền thông tại thôn, bản được 15.744 buổi với 472.320 lượt người tham dự.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 418 lượt cán bộ cấp huyện và cấp cơ sở về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tổ chức 06 lớp tập huấn kỹ năng sống cho 240 lượt nạn nhân bị mua bán trở về giúp các nạn nhân tự tin hơn vào bản thân, tiếp cận được với các chế độ hỗ trợ nạn nhân tại địa phương và Nhà Nhân Ái. Tòa án nhân tỉnh Lào Cai đã đưa ra xét xử  49 vụ án hình sự sơ thẩm với 94 bị cáo về tội mua bán người, trong đó lựa chọn 09 vụ án điển hình để xét xử lưu động, thông qua đó nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân.

Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng. Đến nay, đã hỗ trợ khám chữa bệnh cho 327 nạn nhân, trợ giúp pháp lý 95 vụ, trong đó tư vấn pháp luật cho 76 trường hợp, tham gia tố tụng cho 19 trường hợp. Trợ cấp khó khăn ban đầu cho 86 nạn nhân với các hình thức đa dạng phong phú như hỗ trợ lợn giống và thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ dụng cụ học nghề như máy may, máy làm tóc và các phương tiện đi lại như xe đạp, xe đạp điện. Hỗ trợ học nghề cho 33 lượt người và hỗ trợ học văn hóa cho 20 lượt người, tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho hơn 180 nạn nhân tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, mô hình Nhà Nhân ái là một trong những mô hình hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về, được thành lập từ tháng 4/2010 trên địa bàn tỉnh Lào Cai do tổ chức Vòng tay Thái Bình tài trợ. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận khoản viện trợ trên 03 tỷ đồng để xây dựng Nhà Nhân ái, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp đất đối ứng. Nhà Nhân ái có 01 phòng sinh hoạt chung, 01 phòng thư viện, 01 phòng tư vấn, 03 phòng ở khép kín với công suất tiếp nhận 30 người/đợt, bếp ăn, nhà để xe và sân thể thao. Hoạt động chính của mô hình là cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân ái bao gồm: nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, đi lại...), tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn nghề, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu và khả năng của từng cá nhân, giúp trợ giúp pháp lý, làm chứng minh thư, hỗ trợ tiết kiệm có định hướng...; nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; truyền thông phòng, chống mua bán người tại các phiên chợ vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khen thưởng cho người có công tố giác tội phạm mua bán người, giải cứu thành công nạn nhân của mua bán người (01 triệu đồng/vụ).

Sinh hoạt thường ngày của học viên ở Nhà Nhân ái

Đến nay, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 250 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình, cộng đồng an toàn; trong đó 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, tư vấn giáo dục kỹ năng sống, học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống; 100% hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao và các điểm trường học. Nhà Nhân ái đã và đang tiếp nhận, hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Lào Cai và các tỉnh, thành phố khác.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại những vùng lõm. Cung cấp thông tin đa chiều cho người dân về phòng, chống mua bán người, luôn đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ nhận thức và văn hoá của đồng bào dân tộc như xây dựng các tài liệu, tiểu phẩm với nội dung phòng, chống mua bán người… bằng tiếng các dân tộc, tuyên truyền tại các phiên chợ vùng cao, các buổi sinh hoạt khu dân cư, tuyên truyền trên  phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống mua bán người.

Thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là các cộng tác viên cơ sở.

Bố trí kinh phí cho công tác phòng chống mua bán người với các chương trình kinh tế xã hội khác của tỉnh như: xoá đói giảm nghèo, dạy nghề, tìm kiếm việc làm… Huy động mọi nguồn lực trong công tác hỗ trợ, từng bước xã hội hoá công tác phòng, chống mua bán người, khuyến khích người dân và các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cùng tham gia đóng góp trong việc phòng chống nạn mua bán người.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực về tài chính, chuyên môn kỹ thuật, làm tốt công tác phòng chống mua bán người và phát huy hiệu quả mô hình Nhà Nhân ái.

Hồng Hạnh