Hòa Bình: Hiệu quả từ mô hình phòng, chống ma túy tại cơ sở Ngày đăng: 17/09/2020
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thực hiện các mô hình phòng, chống ma túy như Tổ liên gia tự quản, Đội xung kích phòng, chống ma túy, CLB Gia đình trẻ, CLB Thanh niên không vướng tệ nạn xã hội…

 

 

 

 

 

Góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương

Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống nghiện và cai nghiện ma túy được Hòa Bình quan tâm, đẩy mạnh. Bên cạnh việc tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, điểm, tụ điểm về ma túy trên địa bàn tỉnh thì công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng dân cư.

Do đó, các lực lượng chức năng đã hướng dẫn, chỉ đạo kiện toàn các đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và duy trì hoạt động của hơn 500 câu lạc bộ, đội tự quản, nhóm đồng đẳng về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở các thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh; lồng ghép hoạt động của các đội tình nguyện, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội”…

Anh Bùi Duy Phương, cán bộ LĐTBXH xã Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc) cho biết, những mô hình có thể cung cấp thông tin về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh và tại địa phương đến người dân; cung cấp kiến thức cơ bản về cách nhận biết, phân biệt và tác hại của các loại ma túy phổ biến; biểu hiện thường gặp đối với người nghiện ma túy; một số khung hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; thủ đoạn của tội phạm ma túy trong việc dụ dỗ, lôi kéo đoàn viên thanh niên sử dụng, buôn bán các loại ma túy..., từ đó nâng cao nhận thức cho nhân dân về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Tỉnh cũng tiếp tục duy trì phát triển những mô hình, cách làm hay, hiệu quả như: Mô hình “Xã, phường phòng ngừa ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm và cai nghiện dạy nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, mại dâm” do Sở LĐTBXH chỉ đạo; Mô hình “Xã, phường lành mạnh không có tội phạm, không có ma túy” do Công an tỉnh chỉ đạo; Mô hình “Nhóm nòng cốt tuyên truyền viên ở khu dân cư” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Mô hình “Tổ liên gia tự quản” ở xã Yên Lạc (huyện Yên Thủy), xã Xuất Hóa, Vũ Lâm (Lạc Sơn), xã Chiềng Châu (Mai Châu); Mô hình “Ở nhà tự quản, dòng họ tự quản” tại xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn)...

Một trong những mô hình điển hình trong phối hợp liên ngành, huy động sức mạnh cộng đồng thực hiện xã hội hóa phòng, chống ma túy, HIV là mô hình “Câu lạc bộ sau cai nghiện" ở huyện Lương Sơn. CLB đã hỗ trợ, động viên, giúp đỡ những người đã cai nghiện thành công vươn lên, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; vận động thanh niên lầm lỡ hòa nhập cộng đồng. Với phương châm “hiệu quả, thiết thực, vững chắc”, thành viên CLB đã cùng với đoàn viên thanh niên thị trấn Lương Sơn chủ động tìm kiếm việc làm và tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cụ thể, cán bộ, đoàn viên đã cùng CLB gặp gỡ, vận động, động viên những người có dấu hiệu sử dụng ma túy, chăm sóc sức khỏe người có “H”; tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng, chống ma túy cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn... Huyện đoàn Lương Sơn cũng thường xuyên cùng Trung tâm Y tế dự phòng và Phòng Y tế huyện tổ chức cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho những người đã từng sử dụng ma túy, người nhiễm HIV. Đến nay, với sự giúp đỡ của tổ chức đoàn, nhiều thành viên trong CLB đã từng bước vươn lên phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm ổn định, phù hợp đối với người nghiện ma túy cai nghiện thành công, không để tái nghiện; động viên, khuyến khích, phổ biến, nhân rộng những trường hợp cai nghiện thành công, tiến bộ trong lao động sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương.

Triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống ma túy

Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, có được những kết quả tích cực nên trên, hàng năm, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và điều trị thay thế bằng Methadone/Buprenorphine; tăng cường tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, số vụ phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả “Tháng Hành động phòng, chống ma túy”...

Báo cáo kết quả thực hiện Tháng Hành động phòng chống ma túy 2020 trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đạt kết quả cao. Cụ thể: Tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy cho 355 người nghiện ma túy (tự nguyện 48, bắt buộc 307), trong đó, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I là 196 học viên (tự nguyện: 24, bắt buộc: 172), Cơ sở cai nghiện ma túy số II là 159 học viên (tự nguyện: 24, bắt buộc: 135).

Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 758 người nghiện ma túy (TP. Hòa Bình: 263, Tân Lạc: 26, Mai Châu: 90, Kim Bôi: 35, Lạc Thủy: 34, Lương Sơn: 27, Lạc Sơn: 189, Đà Bắc: 17, Cao Phong: 14, Yên Thủy: 29, Ngoại tỉnh: 34). Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine cho 22 người nghiện ma túy (trong đó, TP. Hòa Bình: 14, huyện Mai Châu: 8).

Có thể nói, những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần tích cực trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.

Ng. Trực (theo GĐ-TE)