Cần có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để phòng, chống ma túy Ngày đăng: 12/09/2020
Chiều 11⁄9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, luật cần có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để phòng chống ma túy.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, thực tiễn triển khai Luật Phòng, chống ma tuý đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội, một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Phân tích cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra hiện tại chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPCMT). Tình hình SDTPCMT có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi này không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

“Hành vi SDTPCMT theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ là chưa đủ sức răn đe” - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định.

Từ bất cập trên, dự luật sửa đổi lần này xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" gồm 5 Điều. Theo đó, việc quản lý người SDTPCMT được áp dụng ngay lần đầu người đó SDTPCMT với mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy.

Thống nhất với cơ quan soạn thảo, Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, người SDTPCMT và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, theo cơ quan thẩm tra, quan điểm đối xử với họ cũng cần theo hướng duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc SDTPCMT; có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người SDTPCMT…

Nhận định đây là dự Luật rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng ma túy ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, dù đã có nhiều giải pháp nhưng công tác ngăn chặn, phòng ngừa chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nêu thực trạng nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lên đến hàng tạ, hàng tấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, quy định xử lý hình sự cũng cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình đấu tranh với tội phạm ma túy.

“Các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần có sự tham gia trực diện hơn trong đấu tranh với tội phạm ma túy, thay vì chỉ phối hợp với lực lượng công an như hiện nay” - ông Lưu nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng số người nghiện và phân loại các đối tượng này để có phương pháp điều trị thích hợp và cũng cần đánh giá sâu hơn về việc đưa người nghiện về cộng đồng, về gia đình xem cai nghiện có tốt hơn không? có ảnh hưởng tới hàng xóm hay không? bởi thực tế, thường nơi nào có người nghiện thì nơi đó có lo lắng về vấn đề an ninh trật tự.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay phát triển kinh tế đã tốt, xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong xã nào, phường nào, gia đình nào có người người nghiện là điều khủng hoảng, tác động đến cuộc sống nghiêm trọng.

Gia đình có con nghiện thì tan cửa nát nhà, rất ít người cai nghiện thành, bởi cai nghiện vô cùng phức tạp… Người nghiện “Khi “ăn” đủ thuốc thì bình thường, nhưng thiếu thuốc hay quá độ lại chuyển sang thành tội phạm” - ông Hiển băn khoăn không biết nên đặt họ vào vị trí nào.

“Nếu là người bệnh thì phải có nguyên nhân của bệnh. Đừng quá coi như một thứ bệnh, đây là bệnh xã hội, bệnh này vi phạm pháp luật nên cần có cách đối xử phù hợp, không coi như người bệnh bình thường được. Còn bảo họ là tội phạm lại liên quan đến vấn đề nhân đạo”. Dù vâỵ, ông vẫn đồng tình cần phải cương quyết, mạnh tay hơn với những trường hợp này.

“Nhân đạo cũng phải có tầng nấc, không phải mãi mãi. Như vi phạm lần 1 thì xử lý hành chính, vi phạm lần 2 phải xử lý nặng hơn, còn vi phạm lần 3 thì cưỡng chế, bỏ tù cách ly khỏi xã hội. Không thể để vi phạm mãi, cuối cùng xã hội, gia đình phải nuôi anh, chưa kể anh gây ra vụ án nghiêm trọng vì mất kiểm soát về tinh thần”.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể trong dự thảo Luật về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 6 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện bắt buộc.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy, bởi hiện nay đang có khoảng trống pháp luật về nội dung này.

Kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, ma túy còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên việc ngăn chặn từ biên giới vẫn còn nhiều mặt khó khăn. Nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy, số người nghiện đang tăng nhanh, đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước, gây lo lắng bức xúc trong nhân dân. Cho nên sửa luật phải làm sao phát huy được sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân để ngăn chặn ma túy, kiểm soát chặt chẽ chất gây nghiện, giảm số người nghiện mới gắn với việc tăng cường quản lý người nghiện, không để tăng số người nghiện tái phạm nhiều lần phải xử lý hình sự./.

D.T (t/h)