Kết quả và bài học kinh nghiệm phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn Hà Nội Ngày đăng: 26/08/2020
Sau 5 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 361⁄QĐ-TTg ngày 07⁄3⁄2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp thực hiện, làm chuyển biến rõ nét tình hình tệ nạn mại dâm và cơ bản hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

 

 

 

Kết hợp đấu tranh, phòng ngừa với xây dựng mô hình tại cộng đồng

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/6/2020, trên địa bàn thành phố có 5.736 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, dễ phát sinh hoạt động mại dâm, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội và đời sống của nhân dân. Tình hình tệ nạn mại dâm tuy đã “giảm nhiệt” song vẫn hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như lợi dụng các nhà hàng, quán mát xa, karaoke, cắt tóc, gội đầu, các địa điểm công cộng hoặc trực tiếp giao dịch qua các trang mạng xã hội.

Trong 5 năm qua, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo thường xuyên, sát sao và kịp thời ban hành nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị, chương trình, chuyên đề về công tác phòng, chống mại dâm nên tình hình tệ nạn mại dâm đã có chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, từ đó làm chuyển biến nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và mỗi người dân trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm. Ban chỉ đạo 138 của Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban ngành và địa phương quyết liệt thực hiện kế hoạch theo lĩnh vực, trách nhiệm quản lý và đánh giá tình hình, phương thức hoạt động, các địa điểm phức tạp về mại dâm để có các biện pháp phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá nhằm từng bước ổn định tình hình, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô.

Trước hết, tập trung công tác đấu tranh, truy quét đối với các cơ sở, đối tượng vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên ở các địa bàn phức tạp về mại dâm. Từ 2016 đến nay, Công an thành phố đã phát hiện, đấu tranh triệt phá 731 vụ án liên quan tới mại dâm, bắt giữ 3.027 đối tượng, trong đó, xử lý hình sự 640 vụ với 671 đối tượng, xử lý hành chính 91 vụ với 2.356 đối tượng. Đồng thời, triệt phá 6 tụ điểm mại dâm công cộng là điểm nóng gây bức xúc dư luận như khu vực đường Hoàng Quốc Việt, đoạn đường gần công viên Thống Nhất, khu vực đường Tam Trinh...; Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống tệ nạn mại dâm đối với 6.938 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm và xử phạt vi phạm hành chính 351 cơ sở với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử 569 vụ với 662 bị cáo với tội danh chứa chấp và môi giới mại dâm.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị đăng tải 31 phóng sự và 63 chuyên trang, chuyên đề về phòng, chống mại dâm. Các Sở, ban ngành và địa phương đã tổ chức 14.097 buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật, kiến thức phòng ngừa mại dâm cho 1.202.900 lượt người tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức cấp phát 1.082.764 tờ rơi, sổ tay pháp luật, triển khai 39.166 pano, áp phích, tờ gấp tuyên truyền. Trong đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức 8.264 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống mại dâm cho 883.790 lượt công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, phát hành 859.794 tờ rơi, sổ tay pháp luật và 26.008 pano, áp phích... thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân nhân; phổ biến kịp thời những kinh nghiệm, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến tạo nên phong trào rộng khắp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cùng với công tác truyền thông, ngành LĐTBXH phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, giảm hại cho người bán dâm như phát miễn phí bao cao su thông qua các nhóm đồng đẳng/tự lực, Trạm y tế; thực hiện duy trì chương trình can thiệp,  giảm hại của HIV và các bệnh lây qua đường tình dục thông qua hoạt động của các tiếp cận viên/thành viên tự nguyện đến các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Đặc biệt, thành phố thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội và mô hình hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng trên địa bàn thành phố bước đầu có hiệu quả. Từ năm 2019, thành phố đã triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ người bán dâm tại quận Ba Đình, Cầu Giấy và Hoàng Mai. Cụ thể, Mô hình hỗ trợ đảm bảo quyền cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội đã tiếp cận, tuyên truyền về pháp luật, quyền của người lao động, tập huấn về an toàn và vệ sinh lao động cho 100 chủ cơ sở và 300 người lao động; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới đã thiết lập, duy trì 01 nhóm đồng đẳng với 10 thành viên thông qua việc kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội cho hơn 100 người bán dâm, trong đó, có 50 người được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp; Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội đã tiếp cận, truyền thông cho 300 người bán dâm, trong đó, chuyển gửi, hỗ trợ dịch vụ y tế cho 150 người, hỗ trợ thay đổi hoặc giảm mức độ công việc thông qua hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho 20 người và cung cấp hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho 20 người.

Lực lượng Công an kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke

Thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐTBXH phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn cho 07 người bán dâm hoàn lương với số tiền 170 triệu đồng, tạo công ăn việc làm, giúp họ và gia đình ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp giúp đỡ người bán dâm bằng nhiều biện pháp thiết thực như cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tư vấn, giới thiệu việc làm. Tiêu biểu, Hội Phụ nữ quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 04 phụ nữ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng với số tiền 10 – 15 triệu/người để phát triển nghề trồng rau, chăn nuôi, bán tạp hóa... tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, lo cho con cái học hành, bản thân họ thay đổi tích cực về sức khỏe, tinh thần phấn khởi, giảm bớt sự tự ti, mặc cảm.

Đối với công tác xây dựng, duy trì mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã cũng được ngành LĐTBXH và các ngành liên quan quan tâm triển khai. Kết quả, từ 2016 – 2018, có 74 xã, phường, thị trấn; năm 2019 có 294 xã, phường, thị trấn và năm 2020 có 579/579 (đạt 100%) xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất một hình thức tuyên truyền và áp dụng, duy trì mô hình về phòng ngừa mại dâm, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân và vai trò, trách nhiệm phối hợp của các ban, ngành tại địa phương cơ sở tham gia phòng, ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm. 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội như giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...

Từ thực tiễn triển khai đến bài học kinh nghiệm

Tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, nét đẹp văn hóa, sức khỏe của người dân. Để thực hiện tốt công tác này trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đi đôi với phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; tăng cường trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra và đấu tranh phòng, chống mại dâm; tích cực hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, tiếp tục triển khai các mô hình/dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng…

Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, Ban chỉ đạo 138 của thành phố Hà Nội đánh giá, kết quả phòng, chống mại dâm trên địa bàn đã đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và an sinh xã hội của Thủ đô. Đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức, thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải đưa công tác này vào chương trình lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm. Lên án mạnh mẽ những cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đứng đầu tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý yếu kém, để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ quan, đơn vị địa bàn được phân công quản lý.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng loại đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm, phát huy truyền thống gia đình, giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh.

Thứ ba, tập trung thực hiện trọng tâm vào hai nhóm giải pháp chính: phòng ngừa, hỗ trợ và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm. Nâng cao vai trò của cộng đồng và các thiết chế xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường công tác đấu tranh, triệt xóa các vụ án, tụ điểm liên quan đến hoạt động mại dâm.

Thứ tư, xây dựng mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm phù hợp, hiệu quả, xây dựng các chính sách, pháp luật hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng thông qua việc dạy nghề và tạo việc làm, mô hình sinh kế bền vững và các hỗ trợ xã hội khác cho người bán dâm, tạo điều kiện cho họ có cơ hội có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái vi phạm tệ nạn mại dâm.

Thứ năm, cần quan tâm đầu tư nguồn lực bảo đảm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương./.

Phương Đông