Một số kết quả, kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác cai nghiện ma túy Ngày đăng: 30/06/2020
Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn Liên minh nghị viện các quốc gia Đông Nam Á về Ma túy lần thứ ba (AIPACODD 3) với chủ đề “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma tuý’’. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động của năm AIPA 41 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD), tiền thân là Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM) là cơ chế thường niên trong khuôn khổ của AIPA nhằm hỗ trợ chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết và kinh nghiệm hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy hài hòa pháp luật trong phòng, chống ma túy, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy.

Các nghị quyết của AIPACODD hiện nay và AIFOCOM trước đây là những văn kiện của Nghị viện các nước ASEAN đã có nội dung khá toàn diện, bao trùm với mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Tại Hội nghị trực tuyến AIPACODD 3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh có một số chia sẻ về kết quả, kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác cai nghiện ma túy, cụ thể:

Nhà nước đã áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, trong đó người nghiện ma túy có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay tại các cơ sở cai nghiện; xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy, huy động sự tham gia của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức…; hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy.

Bên cạnh việc khuyến khích người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện, Luật Phòng, chống ma túy đã quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện.  

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Việt Nam đã hình thành được hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố với hơn 100 cơ sở cai nghiện, hàng ngàn điểm tư vấn, hỗ trợ xã hội đối với người cai nghiện ma túy ở xã, phường. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo việc làm, vay vốn, ổn định sinh kế cho người sau cai nghiện trở về, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức điều trị, cai nghiện cho gần 300 ngàn lượt người nghiện ma túy; hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho hơn 50 ngàn lượt người sau cai nghiện.

Với những kết quả đạt được, Việt Nam đã rút ra được những kinh nghiệm quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến người nghiện ma túy như: Thứ nhất, phải có được sự ủng hộ về mặt chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy (giảm cầu) nói riêng, trong đó, tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực tiễn; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về tác hại và các ảnh hưởng của ma túy đối với cộng đồng, xã hội.

Thứ hai, ma túy và tình trạng nghiện ma túy là một vấn đề xã hội, do vậy, để giải quyết phải chú trọng các biện pháp xã hội; kết hợp với các biện pháp hành chính, hình sự; đặc biệt là huy động được hệ thống chính trị, mọi người dân tham gia vào công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy; tham gia vào công tác điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy; hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.

Thứ ba, phải tập trung xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp, sẵn có và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để hỗ trợ người cai nghiện; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng nơi người nghiện sinh sống; đặc biệt là ý thức tự nguyện cai nghiện của người nghiện ma túy.

Thứ tư, coi trọng thực hiện các biện pháp giảm tác hại, điều trị bằng thuốc thay thế trong các biện pháp giảm cầu ma túy; đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc thực hiện các biện pháp, giải pháp liên quan đến điều trị, cai nghiện ma túy.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để tiếp tục đấu tranh với tệ nạn ma túy nói chung và thúc đẩy công tác cai nghiện nói riêng, Việt Nam và các nước ASEAN cần xác định rõ các quan điểm như: Thúc đẩy cam kết chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy, cai nghiện ma túy; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào hoạt động này. Phòng, chống và kiểm soát ma túy nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, trước mắt vừa lâu dài, đòi hỏi phải làm thường xuyên với sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Coi việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và khu vực.

Tại Hội nghị trực tuyến, bên cạnh việc cập nhật tình hình phòng, chống ma túy trên thế giới, trong khu vực, các nỗ lực của ASEAN ứng phó với ma túy, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy; các nghị viện thành viên AIPA đã tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết thể hiện trong nghị quyết các hội nghị AIFOCOM và AIPACODD, nhất là trách nhiệm các nhà lập pháp cần đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tăng cường vai trò của các nghị viện, các nghị sĩ trong việc hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.

H.Đ