Những người vượt qua ma túy làm lại cuộc đời Ngày đăng: 15/04/2020
Họ là những người từng đắm chìm trong vòng xoáy ma túy. Nhưng chính tình thương, sự bao dung của gia đình, sự động viên, hỗ trợ của cộng đồng đã giúp họ vượt qua mặc cảm, có thêm nghị lực để quyết tâm thoát khỏi nỗi ám ảnh của ma túy. Không chỉ trở về hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, mà nhiều người trong số họ còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương

Năm 2009, lúc mới 21 tuổi, do không làm chủ được bản thân, nghe theo các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo anh Nguyễn Quang Huy ở tổ dân phố 3, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới đã trót sa chân vào con đường nghiện ma túy. Trải qua hơn 4 năm sống khổ sở, vật vã trong những cơn nghiện, được sự vận động của chính quyền địa phương và gia đình, anh Huy quyết định vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Bình để điều trị, cai nghiện. Tại đây, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ cơ sở, cùng với ý chí và quyết tâm của bản thân, Huy đã cai nghiện thành công và trở về hòa nhập với cộng đồng.

Ngày trở về với cuộc sống đời thường cũng là lúc Huy phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng từ những gì đã học hỏi được ở cơ sở cai nghiện và nghị lực của bản thân đã thôi thúc Huy quyết tâm làm lại từ đầu. Năm 2016, với số vốn ban đầu gần 600 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, người thân, Huy đã mạnh dạn khởi nghiệp với việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mặt hàng nội thất gia đình để phát triển kinh tế.  

Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở của Huy sản xuất ra hàng trăm sản phẩm mặt hàng nội thất, như: bàn, ghế, tủ, giường... bằng chất liệu gỗ công nghiệp phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng. Cơ sở sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức lương ổn định, từ 6,6-9 triệu đồng/người/tháng.

Huy chia sẻ thêm: “Sau khi cai nghiện, nhận thức được tác hại, hậu quả của việc sử dụng ma túy, nên tôi thường xuyên chuyện trò và khuyên nhủ bạn bè, những người xung quanh và nhất là những anh em làm việc cùng mình tránh xa ma túy và tất cả các chất nghiện liên quan đến ma túy.”

Anh Bùi Nghĩa Minh (1969, trú tổ 24, P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là một người đã có "thâm niên" nghiện ma túy nhiều năm. Bây giờ nhớ lại quãng thời gian đã qua, anh thực sự bị ám ảnh. "Nói thật, đừng bao giờ thử ma túy dù chỉ một lần. Thử là sa lầy ngay, khó mà rút chân ra khỏi vũng lầy đó được. Để vượt qua nỗi đáng sợ của ma túy là cả một sự quyết tâm rất lớn và sự kiên trì bền bỉ khó thể nói hết được", anh Minh chia sẻ.

Tại cuộc gặp mặt và nhận tiền hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn kinh phí của thành phố do UBND Q.Thanh Khê trao trong năm 2019 đối với người cai nghiện thành công đủ từ 5 năm trở lên, anh Minh đã tâm sự rất nhiều điều. Thông điệp anh muốn nhắn gửi cho mọi người là hãy tránh xa ma túy. Bởi, bản thân anh chính là một phép thử và nhận ra rằng, ma túy thật sự rất đáng sợ. Bây giờ, anh Minh đã có một cuộc sống ổn định với nghề sửa chữa điện gia dụng với mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng một tháng để cùng gia đình nuôi dạy con cái ăn học.

Giống anh Minh, anh Lê Tiến Dũng (1983, trú tổ 44, P.Xuân Hà) cũng đã vượt qua sự cám dỗ của ma túy đã hơn 5 năm nay, mặc dù trước đó bản thân anh đã 2 lần phải đi cai nghiện tập trung. Còn đối với Trần Công Lộc (1986, trú tổ 64, P.An Khê) từ sự quyết tâm "chia tay" với ma túy nhiều năm liền anh đã tìm thấy niềm vui trong công việc hiện tại. Anh Lộc cho biết: "Bây giờ tôi đã có công ăn việc làm ổn định. Với nghề thợ sắt xây dựng, mỗi tháng cũng thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng, lo được việc gia đình, thấy yên tâm nhiều. Lần này, bản thân tôi không ngờ mình cũng thuộc diện được hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng cho người cai nghiện thành công liên tục từ đủ 5 năm trở lên"...

Năm 16 tuổi, Nguyễn Hữu Tuân, thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam không tiếp tục con đường học vấn, cùng với bạn bè đi làm thợ hồ, rồi lái xe taxi ở TP.Hồ Chí Minh. Năm 2005 trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, Tuân lên đường làm nhiệm vụ.

Sau khi xuất ngũ, anh vào lại thành phố tìm việc mưu sinh nhưng thu nhập bấp bênh nên quay về quê. Năm 2010, Tuân cùng với nhóm bạn rủ nhau đi làm vàng tại một huyện miền núi trên địa bàn tỉnh với giấc mơ đổi đời. Trong 4 năm lăn lộn bãi bờ, cuộc sống không khá hơn, trái lại tuổi trẻ bồng bột, sống thiếu bản lĩnh nên Tuân rơi vào con đường nghiện ngập.

Năm 2012 Tuân về quê cưới vợ, biết chồng bị nghiện, chị Hà Vy (vợ Tuân) cùng với gia đình động viên anh đi cai nghiện làm lại cuộc đời. Sau 6 năm kiên trì điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, đến nay Tuân đã đoạn tuyệt hẳn với cái “chết trắng”, tu chí làm ăn.

Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho anh vay vốn với số tiền 50 triệu đồng làm ăn phát triển kinh tế. Có được nguồn vốn, vợ chồng Tuân cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như mít thái, bơ, sầu riêng, bưởi da xanh…

Trên diện tích gần 7 sào, gia đình anh trồng 45 cây sầu riêng, 40 cây bơ, 30 cây cam và gần 50 gốc chuối lùn… Hiện vườn cây trái được gần 4 năm tuổi đang lên xanh tốt, một số cây bắt đầu đơm hoa, kết trái chuẩn bị cho thu hoạch.

Từ năm 2018 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tạo điều kiện cho anh tham gia nhận xây dựng các công trình nhân đạo - an sinh trên địa bàn huyện. Đặc biệt, anh Tuân còn trực tiếp vận động, hướng dẫn, giúp đỡ một số thanh niên hoàn lương vượt qua lầm lỗi. Hiện anh giúp đỡ cho 4 - 5 thanh niên đi theo xây dựng các công trình nhân đạo - an sinh của Hội Chữ thập đỏ huyện.

Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, anh Tuân còn được Hội chữ thập đỏ giới thiệu gia nhập đội công tác xã hội, tham gia các hoạt động an sinh, xã hội trên địa bàn./.

T.A