Hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng, chống tội phạm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội năm 2019 và góp ý Dự thảo Quy chế, Kế hoạch hoạt động năm 2020 Ngày đăng: 24/03/2020
Ngày 23⁄3⁄2020, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phòng, chống tội phạm của Bộ năm 2019 và góp ý Dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2020, Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Bộ. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ như: Cục Người có công, Cục Trẻ em, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Văn phòng Đảng Đoàn thể, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; đại diện các đơn vị thuộc Cục PCTNXH. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2019, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác phòng, chống tội phạm thông qua các hoạt động truyền thông, xây dựng văn bản chính sách giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội gắn với phòng chống tội phạm nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm có thể lợi dụng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các đơn vị đã triển khai công việc chuyên môn gắn với phòng, chống tội phạm, cụ thể là: Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai công tác cai nghiện ma túy, phòng, chống tệ nạn mại dâm. Tham mưu trình Bộ kiện toàn Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm ở Trung ương; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch phối hợp về dự phòng nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên đến năm 2020. Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các địa phương nắm tình hình diễn biến lao động trong nước và ngoài nước; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về tuyển dụng và quản lý lao động, không để tội phạm lợi dụng hoạt động; tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng. Tổng Cục dạy nghề tiếp tục thực hiện Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng, trong đó, có các nội dung về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong trường học, gia đình và cộng đồng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Cục Bảo trợ xã hội hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các quy định về chính sách trợ giúp xã hội, việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với nạn nhân bị mua bán, bị xâm hại, bị bạo lực gia đình, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Cục Trẻ em tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành liên quan triển khai chiến dịch truyền thông và duy trì truyền thông chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em với trọng tâm là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học và trong gia đình;

Trong năm 2019, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 67.467 người, trong đó số tiếp nhận mới 32.172 người, số chuyển từ năm 2018 sang 35.295 người, số tái hòa nhập cộng đồng 29.219 người. Hiện nay, tổng số học viên đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở xã hội là 38.244 người. Tiếp tục thực hiện các hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; điều trị nghiện bằng Methadone cho người nghiện và thí điểm các mô hình cai nghiện như: Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “tiền xét xử” liên quan đến “Tòa ma túy”; Mô hình quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy thuộc các xã khu vực biên giới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2020 và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Bộ. Đối với dự thảo Kế hoạch công tác năm 2020, các ý kiến góp ý tại Hội nghị đều thống nhất nhiệm vụ chung của Bộ là: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động, bình đẳng giới, trẻ em... nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ và trong học sinh, sinh viên các trường nghề.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, tuyển dụng lao động, an toàn vệ sinh lao động, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cho và nhận con nuôi. Trên cơ sở nhiệm vụ chung, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị đề nghị xác định rõ hoạt động cụ thể của từng đơn vị thuộc Bộ trong phòng, chống tội phạm.

 Về Dự thảo quy chế hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa trách nhiệm của thành viên, chế độ thông tin, báo cáo tháng, quý, năm nên có thời hạn cụ thể để các đơn vị căn cứ vào đó báo cáo định kỳ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội nghị và yêu cầu Phòng, chính sách phòng, chống mại dâm tổng hợp các ý kiến góp ý, hoàn thiện Kế hoạch hoạt động năm 2020 và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trình lãnh đạo Cục, Bộ ký ban hành./.

TM