Cảnh báo người nước ngoài núp bóng vận chuyển ma túy Ngày đăng: 17/02/2020
Tình hình hoạt động phạm tội ma túy của người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt, có sự câu kết giữa người nước ngoài với các đối tượng trong nước.

Điểm nóng ma túy

Theo Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Sỹ Quang, TPHCM có nhiều đặc thù, được nhận định là “vùng trũng” của các loại tội phạm. Tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến đặc biệt phức tạp, trở thành "điểm nóng" ma túy của Việt Nam trong năm qua.

Các đường dây vận chuyển ma túy từ các nước về Việt Nam được phát hiện, bắt giữ gần đây tiếp tục cho thấy TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ là nơi tiêu thụ mà ma túy còn tiếp tục được chuyển từ đây đi nước thứ ba. Nổi lên là những nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cấu kết với các đối tượng trong nước tổ chức vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh TPHCM, sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện như: huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Tân... để lẫn vào các container hàng hóa rồi dùng các công ty “bình phong” xuất đi nước thứ ba như Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) thông qua các cảng biển tại TPHCM.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, chính sách thuận lợi của nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh, móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong" sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng rất lớn.

Đáng chú ý, có nhiều vụ số người nước ngoài tham gia rất đông. Điển hình như vụ bắt 300kg ma túy đá tại TPHCM vào tháng 3/2019. Trong vụ này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TPHCM, Công an tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bắt quả tang 11 nghi phạm (trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt).

Núp bóng doanh nghiệp

Bên cạnh đó, một số đối tượng người nước ngoài mang quốc tịch các quốc gia châu Âu, châu Phi bị phát hiện, bắt giữ vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực sân bay quốc tế. Ngày 12/8/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng cơ quan chức năng bắt giữ nam hành khách người Senegal, 39 tuổi, đi trên chuyến bay BL30 có hành trình từ Nigeria qua Ethiopia đến Thái Lan rồi vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đối tượng này đã nuốt tổng cộng 77 viên nén chứa cocain trong bụng nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để núp bóng, tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, như vụ bắt giữ 7 đối tượng người Trung Quốc sản xuất trái phép chất ma túy tại nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên (Kon Tum), thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt có thành phần methamphetamine; trên 13 tấn hóa chất, tiền chất, 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy; hơn 500 kg ketamine do Cục Hải quan TPHCM và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm bắt giữ vào tháng 5/2019.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, công tác phòng ngừa tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài hiệu quả đạt được chưa cao; công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...

 Dự báo thời gian tới, số lượng người nước ngoài liên quan đến tội phạm ma túy vẫn sẽ không ngừng gia tăng. Bên cạnh các tuyến phức tạp đã có, các đối tượng phạm tội sẽ tìm cách hình thành các tuyến vận chuyển ma túy mới về Việt Nam rồi tiếp tục chuyển sang các nước, vùng lãnh thổ khác.

Để hạn chế tình trạng này, cần hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, có những quy định về quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ nắm tình hình về số lượng xuất nhập khẩu.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển trong kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả người nước ngoài phạm tội ma túy ở Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy, nhất là các nước láng giềng nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ma túy thẩm lậu qua các khu vực biên giới; tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu hợp tác đấu tranh có hiệu quả với người nước ngoài phạm tội ma túy ở Việt Nam./.

Lê Thu (haiquanonline.com.vn)