Thành phố Buôn Ma Thuột điều trị, cai nghiện cho 445 người trong năm 2020 Ngày đăng: 02/03/2020
Đó là một trong những chỉ tiêu được UBND thành phố Buôn Ma Thuột đưa ra trong Kế hoạch điều trị, cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện năm 2020 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tổ chức cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa án có 150 người, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone 200 người, cai nghiện tự nguyện theo hợp đồng dịch vụ 50 người, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 45 người.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng đặt ra chỉ tiêu: 100% cán bộ chính quyền các cấp hiểu biết cơ bản về tác hại của việc nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện ma túy; 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được tập huấn và cấp chứng chỉ; 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về tác hại của việc nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện ma túy; 100% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện ma túy; 100% người cai nghiện, người sau cai nghiện được hỗ trợ các vấn đề xã hội như tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, tư vấn học nghề, hỗ trợ tạo việc làm,…

Để đạt được kết quả nêu trên, các giải pháp được Thành phố đưa ra bao gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc sử dụng ma túy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hạnh phúc gia đình, đến tương lai của người nghiện, đến sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục… Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động điều trị cai nghiện ma túy và hỗ trợ các vấn đề xã hội sau cai nghiện. Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc Methadone. Vận động người nghiện ma túy hoặc gia đình người nghiện tự giác khai báo, đăng ký hình thức cai nghiện; xây dựng kế hoạch chữa trị cai nghiện và hỗ trợ các vấn đề xã hội sau cai nghiện cho từng người nghiện. Tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, vay vốn ưu đãi và tiếp cận các dịch vụ y tế, phòng, chống tái nghiện. Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng; Kiểm soát và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cai nghiện, Đội công tác xã hội tình nguyện và lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội khác./.

 Trọng An (t/h)