Quảng Nam: phấn đấu 75% số xã trên địa bàn tỉnh có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 23/02/2020
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020.

Mục đích nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, đấu tranh tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; chú trọng đấu tranh, triệt xóa các đường dây, băng nhóm tội phạm, truy bắt, bàn giao đối tượng và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức tuyên truyền, giáo dục góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân.

Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có vụ việc xảy ra, có nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nguy cơ về mua bán người xây dựng mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 75% số xã trên địa bàn tỉnh có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người; 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi từ 14 – 60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin, có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, có kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến lĩnh vực này.

100% tuyến, địa bàn trọng điểm được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan đến mua bán người được phân loại, xử lý và các trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật; 100% số vụ phát hiện có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mua bán người được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng quy định pháp luật; Đảm bảo 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân, được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.

100% các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, phần có liên quan đến tội phạm mua bán người) được tuyên truyền, phổ biến đến quần chúng Nhân dân và cán bộ thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; 100% các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người được theo dõi thi hành và đánh giá hiệu quả; 100% số văn bản hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã ký được sơ kết, tổng kết theo định kỳ và có kế hoạch phối hợp thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Theo kế hoạch, các nội dung triển khai như tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, trọng tâm là 05 đề án thuộc Chương trình này; tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa; Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; Công tác rà soát, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người; Tiếp tục thực hiện tốt các điều ước, thỏa thuận, biên bản hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng đã được Chính phủ ký kết, tham gia...

Thùy Dung