Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp Ngày đăng: 23/02/2020
Sáng ngày 20⁄02⁄2020, tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng làm trưởng Đoàn đã đến thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp về công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng đi với Bộ trưởng còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp;  Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Đoàn Tấn Bửu cùng đại diện các Sở, ban ngành liên quan tham dự.

Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết: Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đạt kết quả khả quan. UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra; quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 6,47%; GRDP/người (giá thực tế) đạt 50,46 triệu đồng/người; huy động vốn đạt 21,58% GRDP.

Toàn cảnh buổi làm việc

Còn theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp do ông Bùi Thanh Nhơn, Giám đốc Sở cho biết, năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 36.000 lao động. Trong đó, có 2.019 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì ở mức dưới 3% (2,89%). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp, dịch vụ, số lao động nông nghiệp chiếm 49,3% trong tổng lao động xã hội. 

Hiện nay, toàn  hiện tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và 8 đơn vị có tham gia giáo dục dạy nghề. Bình quân mỗi năm các cơ sở trên tuyển sinh đạt khoảng 25.000 học viên. Trong đó,  hệ cao đẳng 1.110, trung cấp 2.903 học viên, còn lại sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng; ngoài ra các hoạt động nâng cao chất lượng nghề nghiệp, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp luôn được chú trọng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, từng bước được cải thiện, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 48%.

Về công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Đồng Tháp là 9,98% (cao hơn bình quân chung khu vực đồng bằng sông Cửu Long: 9,66%), đến cuối năm 2019 giảm còn 2,73% (giảm 7,25%, bình quân giảm khoảng 1,8%/năm); số hộ nghèo giảm từ 43.588 hộ đầu kì xuống còn 12.542 hộ cuối năm 2019 (giảm 71% tổng số hộ nghèo). Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,88 lần so với thu nhập bình quân hộ nghèo đầu giai đoạn 2016-2020. Trong năm, nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo được lồng ghép, triển khai thực hiện có hiệu quả cùng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giúp cho nhiều hộ nghèo, người nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình.

Về chính sách Người có công với cách mạng, trong năm 2019, Đồng Tháp hiện có trên 56.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi, trong đó có trên 10.000 đối tượng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên với số tiền gần 300 tỷ đồng/năm. Tỉnh thường xuyên thực hiện việc xác nhận người có công với cách mạng theo phân cấp; Từ năm 2017 đến tháng 2/2020, tỉnh đã trình Bộ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 187 liệt sĩ. Đối với hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH: Không còn hồ sơ tồn đọng do trước đây tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị công nhận liệt sĩ theo Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH ngày 30/3/2009 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Trong năm qua, tỉnh luôn quan tâm và  thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo các chế độ chính sách cho đối tượng người có công theo quy định của Nhà nước; vận động, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 167 tỷ đồng. Tỷ lệ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú chiếm 99.92%; hoàn thiện việc thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với 4.724 hộ người có công có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó 2.622 hộ xây mới, 2.102 hộ sửa chữa).

Bên cạnh đó, các lĩnh vực về công tác Bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và Phòng, chống tệ nạn xã hội được tỉnh quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhu cầu về việc làm, thu nhập cao của người lao động đã làm dịch chuyển lao động đáng kể ra ngoài tỉnh làm việc, tạo nên sự thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Nhiều lao động đi nước ngoài làm việc rồi ở lại bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng. Tình trạng trục lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn tái diễn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tuy có tăng, nhưng tỷ lệ còn thấp; việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội ở một số người sử dụng lao động, người lao động chưa cao.

Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho hệ thống các Trường Cao đẳng cũng còn hạn chế, thấp so với nhu cầu, nhất là các ngành, nghề trọng điểm quốc tế và ngành nghề trọng điểm khu vực ASEAN. Tình trạng người nghiện ma túy ngày càng gia tăng đáng kể, tác động không tốt đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, số người nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện ngày càng nhiều, trong khi đó cơ sở, vật chất chưa đáp ứng kịp thời, nên nguy cơ gây rối, bỏ trốn tập thể, làm mất an ninh trật tự là rất cao…

Từ những khó khăn trên, Đồng Tháp kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần quan tâm hơn đến việc Đồng Tháp đưa lao động sang Hàn Quốc lao động để đạt hiệu quả cao hơn; Hỗ trợ thêm kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Y tế. Hai trường trên hiện chưa được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn ngành, nghề quốc tế. 

Sau khi lắng nghe các báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, các ý kiến của các Sở ngành và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về tình hình và những kết quả đạt được cũng những khó khăn hạn chế trong việc thực hiện Công tác lao động, người có công và xã hội của địa phương, Bộ trưởng  Đào Ngọc Dung đánh giá cao những thành tích Đồng Tháp đã đạt được trong năm 2019. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị việc phát triển nguồn nhân lực của địa phương cần phải được tổ chức đồng bộ, quy mô hơn để mang lại hiệu quả cao. Đồng Tháp cũng cần tập trung phát triển đồng bộ giữa kinh tế và an sinh xã hội. 

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu tại buổi làm việc 

Bộ trưởng rất ấn tượng về những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo và trở thành 1 trong 2 địa phương (cùng với Trà Vinh) có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất. Chất lượng đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Hiện Đồng Tháp là địa phương có nhiều cách làm hay trong việc đưa con em đi học tập, làm việc và lao động tại nước ngoài. Các trung tâm giới thiệu việc làm, các mô hình hội quán hoạt động hiệu quả - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh cần lấy việc phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá, trong đó, chú trọng việc tri thức hóa nông thôn bao gồm cả tri thức hóa con người và nền tảng cơ sở nông thôn. Đề cao, đặt con người là động lực và mục tiêu phát triển. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm đến công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT, phấn đấu tăng từ 14% lên 30% học sinh THCS chuyển qua giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao các cơ quan chuyên môn của Bộ xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ cho Đồng Tháp để phát triển nguồn lao động chất lượng cao, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trong thời gian tới.

Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục rà soát, đánh giá mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có giải pháp sắp xếp lại cho phù hợp, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết 08/NQ-CP. Đáp ứng nhu cầu của người học ở đầu vào, nhu cầu nhân lực của đầu ra phù hợp với thị trường lao động trong nước và quốc tế; đảm bảo nguồn lực triển khai quy hoạch theo lộ trình, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, của ngành và địa phương. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh cần tập trung, quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành đối với công tác phòng chống đuối nước và bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở, đặc biệt là bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động thầy cô giáo về quản lý học sinh trong nhà trường và sự quản lý của gia đình khi trẻ em ở tại gia đình, cộng đồng. Đối với các vụ việc về xâm hại trẻ em phải đảm bảo “03 nhất”: Xử lý nhanh nhất (điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nhanh nhất), xử lý ở mức độ nghiêm minh nhất, đồng thời, cần phải tiến hành ngay các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời nhất về tâm lý, sức khỏe cho trẻ em bị xâm hại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng 05 căn nhà tình nghĩa cho tỉnh Đồng Tháp 

Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác phòng chống ma túy, từ tư tưởng chỉ đạo, nguồn lực để bảo đảm thực hiện, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp giữa ban, ngành lực lượng… với các giải pháp đầu tư căn cơ hơn. Không để xảy ra tình trạng quá tải, “vỡ” cơ sở, gắn cai nghiện ma túy với việc giáo dục nghề nghiệp cho học viên. Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng bên cạnh việc cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở./.

TM (Nguồn Tạp chí LĐXH)