Dự án Xây dựng thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm Ngày đăng: 18/11/2014
Ngày 17⁄11⁄2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án “Xây dựng thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm tại 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ”.

Dự án tập trung vào việc xây dựng thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm làm bằng chứng thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, pháp luật hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền.

Dự án sẽ tập trung can thiệp vào 4 lĩnh vực sau:

- Xây dựng thí điểm mô  hình: Mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm  được xây dựng và triển khai thí điểm tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ nhằm tăng cường năng lực cho nhóm người bán dâm, giúp họ chủ động tiếp cận với dịch vụ xã hội và phúc lợi xã  hội; đồng thời thực hiện các hoạt động nhằm huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân có  liên quan trong việc nâng cao nhận thức, hành vi, thái độ ứng xử đối với người bán dâm.

- Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội: Dự án hướng tới xây dựng năng lực cho các nhóm/tổ chức tự lực; tập trung vào kiến thức chuyên môn và năng lực vận động chính sách; đồng thời áp dụng các phương pháp như  đào tạo, hỗ trợ trực tiếp, tư vấn và  kết nối với những nhà cung cấp dịch vụ và  các nhà hoạch định chính sách.

- Nhân rộng ảnh hưởng: Việc xây dựng mô hình dựa trên bằng chứng với sự  tham gia của các đơn vị liên quan (ngoài Care) có  thể giúp cơ quan chức năng nhân rộng mô hình trong tương lai; hoặc nhân rộng ảnh hưởng thông qua nâng cao năng lực vận động chính sách cho các tổ chức xã hội trong vấn đề này.

- Chia sẻ và học hỏi: Ở Việt Nam, các giải pháp tiếp cận người bán dâm trên cơ sở quyền được bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm. Can thiệp của dự án dựa trên các kinh nghiệm từ các dự án trước đó, tập trung vào việc đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Áp dụng các bài học kinh nghiệm hoạt động dự án thực tiễn để xây dựng kế hoạch thực hiện ở các địa phương.

Dự án được thực hiện trong 3 năm (2014-2017) với tổng ngân sách là 5.827.300.000 đồng, trong đó, ngân sách do Care thực hiện là 2.406.100.000 đồng; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và  03 Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ là 3.421.200.000 đồng.

Dự án thực hiện góp phần đáp ứng nhu cầu của người bán dâm về các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững của địa phương./.