Sở GD&ĐT tỉnh An Giang: kết quả công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học là một trong những tiêu chí để đánh giá danh hiệu thi đua cuối năm Ngày đăng: 12/01/2020
Ngày 08⁄01⁄2020, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang ban hành kế hoạch số 72⁄KH-SGDĐT về việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, HIV⁄AIDS, tệ nạn xã hội trong các cơ sở giáo dục năm 2020.

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên, giáo viên trong công tác phòng chống tội phạm (PCTP), không để xảy ra tệ nạn xã hội (TNXH) và tệ nạn ma túy trong trường học. Đảm bảo ANTT, an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ đó, chủ động phòng ngừa, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi TNXH trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo; tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội trong cơ sở giáo dục.

Các trường THCS, THPT, TT.GDTX tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc giáo dục phòng, chống ma túy và TNXH trong chương trình giáo dục chính khóa thông qua việc dạy tích hợp, lồng ghép ở các môn học: Ngữ văn, Sinh học, GDCD, Địa lý. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai các hoạt động về dự phòng, cai nghiện ma túy cho học sinh, học viên theo Kế hoạch phối hợp số 2237/KH-SLĐTBXH-SGDĐT, ngày 04/10/2019. Phối hợp với Công an tỉnh triển khai Kế hoạch phối hợp số 3093/KHPH/CAT-SGDĐT ngày 06/11/2019 về phòng, chống bạo lực học đường. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV; hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm với các hoạt động phong phú như tọa đàm, thảo luận, thi tìm hiểu kiến thức, thi tiểu phẩm, tổ chức hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về giáo dục phòng chống ma túy, HIV/AIDS và TNXH, từ đó làm phong phú, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích (câu lạc bộ văn nghệ, TDTT…) để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên thường xuyên tham gia, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tránh xa tệ nạn xã hội, ma túy.

Đối với công tác phối hợp giữa nhà trường và Công an địa phương, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cần chủ động phối hợp với công an trên địa bàn để tổ chức ký kết liên ngành, thiết lập đường dây nóng trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, ma túy và TNXH. Liên ngành GD&ĐT và Công an các cấp thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra các trường học về công tác quản lý, giáo dục PCTP, ma túy và TNXH; chú trọng những trường học nằm trong các vùng trọng điểm về ma túy, tội phạm. Phân cấp cho các phòng GD&ĐT huyện, thị (TP) phối hợp với công an địa phương cùng cấp tiến hành kiểm tra các trường THCS, tiểu học trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, tội phạm, TNXH ở các trường học, nâng cao vai trò trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội TNTP HCM và chính quyền địa phương trong việc phối hợp PCTP, ma túy và TNXH trong và ngoài khu vực trường học. Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ địa phương thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra xung quanh khu vực các trường học trước và sau mỗi buổi học để giúp nhà trường giữ gìn tốt tình hình ANTT. Có giải pháp phòng ngừa, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học. Liên ngành phối hợp tổ chức tập huấn chuyên đề phòng chống ma tuý, TNXH cho cán bộ quản lý, giáo viên các môn học có liên quan, cho tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường; tăng cường công tác xã hội hóa việc trang bị camera an ninh những khu vực phức tạp, có nhiều tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất trộm tài sản.

Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong quản lý HSSV, giáo viên, không để vi phạm pháp luật, không mắc TNXH. Tăng cường công tác phối hợp giữa Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường trong việc tuyên truyền giáo dục học sinh, xây dựng các phong trào, tổ chức các hoạt động giáo dục PCTP, tệ nạn ma túy, TNXH trong nhà trường, bảo đảm ANTT và làm trong sạch môi trường trong và ngoài trường học, không có học sinh vi phạm ma túy, TNXH... Vào đầu mỗi năm học, các đơn vị trường học tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm nội quy nhà trường, trật tự ATGT; không sử dụng và mua bán trái phép hàng cấm, các chất ma túy; không tham gia gây rối, đánh nhau làm ảnh hưởng đến ANTT trường học. Duy trì thực hiện hộp thư góp ý trong trường học để học sinh tham gia góp ý, phát hiện những học sinh có biểu hiện liên quan đến tội phạm về ma túy, vi phạm pháp luật, vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Phát động phong trào phát hiện, tố giác có liên quan đến tội phạm, TNXH, ma túy; kết hợp với việc làm trong sạch môi trường trong và xung quanh trường học, ký túc xá, khu tập thể.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT xem kết quả thực hiện công tác PCTP, ma túy, TNXH trong trường học là một trong những tiêu chí để đánh giá danh hiệu thi đua cuối năm./.

K.H