Phòng chống trốn ở Cơ sở cai nghiện- cần giải pháp tổng thể, đồng bộ Ngày đăng: 31/01/2020
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, Bộ LĐTBXH lại có văn bản nhắc nhở các địa phương tổ chức đón xuân chu đáo cho học viên ở các Cơ sở cai nghiện và đặc biệt tăng cường biện pháp phòng chống trốn. Chống trốn vẫn là công việc khó khăn, do vậy, cần tìm hiểu các "nguồn cơn" trốn để có giải pháp tổng thể, đồng bộ hiệu quả, lâu dài.

Rất nhiều lý do bỏ trốn

Vài năm trước, sau khi  xảy ra trốn ở nhiều cơ sở cai nghiện (CSCN) như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Cà Mau…, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các tỉnh, thành phố đã có nhiều sự chỉ đạo quyết liệt và khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp ổn định tình hình. Trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân trốn, một loạt các biện pháp đã được triển khai: giảm tải cho sức chứa các CSCN; nâng cấp cơ sở vật chất các hạng mục công trình; chú trọng công tác chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện; tăng tỷ lệ học viên (HV) cai tự nguyện; tập trung chữa trị cho HV loạn thần cấp do sử dụng ma túy tổng hợp; tích cực tuyên truyền chính sách của Nhà nước; tư vấn, nắm bắt tư tưởng, cải thiện bữa ăn và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần HV; tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ; siết lại nội quy, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác bảo vệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền nơi CSCN trú đóng và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự các cấp; xử lý nghiêm người cầm đầu tổ chức trốn… Có thể nói, những biện pháp trên đã làm giảm tình trạng trốn, nhất là trốn tập thể. Một số CSCN đã từng xảy ra trốn lớn, nay tình hình đã tạm thời yên tĩnh trở lại.

Thực tế trốn không chỉ xảy ra ở CSCN. Mầm mống trốn tránh cai nghiện diễn ra ngay trong thời gian người nghiện đọc hồ sơ đưa vào cai bắt buộc theo quy định. Trốn cũng xảy ra trong thời gian 3 ngày, ngay sau khi Tòa quyết định biện pháp đưa vào CSCN.

Có nhiều lý do trốn và nghe rất lạ: đòi uống bia rượu, hút thuốc lào nhưng không được đáp ứng; khăng khăng thời gian cai nghiện chỉ cần 6 tháng, nhất định không chấp hành thời gian tiếp theo; thấy thiếu công bằng khi bạn nghiện cùng thời gian nhưng Tòa án quyết định cai 1 năm còn mình 2 năm; cho mình là "người bệnh" nhưng bị quản lý quá chặt chẽ, nghiêm khắc; không muốn ở cùng phòng với HV nhiễm HIV, sợ lây; nghe nói đã nghiện là không thể cai, cai cũng chẳng để làm gì nên thiếu tin tưởng, có cơ hội là bỏ trốn; nghe tỉnh khác "vỡ trại", xem chương trình thời sự VTV1 lúc 19h, đưa tin cảnh hàng trăm HV ở CSCN khác trốn rong ruổi nghễu nghện trên đường, công an đi theo "không dám làm gì" nên nảy sinh ý định trốn. Mà trốn bị bắt lại chỉ nối thời gian cai nghiện, không bị tăng thêm. Có người biết mình sắp bị đưa đi cai nghiện đã chủ động gây rối (đã tính toán kỹ) để bị xử tù 6 tháng (còn hơn đi cai 2 năm, nếu cả quản lý sau cai là 4 năm)…

Trốn không chỉ xảy ra ở CSCN chật hẹp, cơ sở vật chất kém mà ngay ở cơ sở điều kiện tốt, thân thiện, hoạt động quy củ nếu có HV nhiều tiền án, tiền sự, "dày dạn" kinh nghiệm đối phó với công an, lực lượng bảo vệ, chủ mưu tổ chức  trốn. Trong một bữa cơm tập thể, vờ đánh nhau, ném vỡ bát đĩa, kích động trốn. Thế là hàng trăm HV, kể cả những người trước đó không hề có ý định trốn, hùa theo. Có thể nói, trốn tập thể mang tính chất "hội chứng đám đông" rất rõ nét. Nhiều HV sau đó được vận động trở lại đã nói: chúng em nghe hô trốn là trốn theo thôi. "Hội chứng đám đông" là 1 đặc điểm cần chú ý trong phòng chống trốn.

Việc trốn có thể xảy ra bất cứ thời gian nào nhưng thường ở các thời điểm: HV sau giai đoạn cắt cơn được đưa về các tổ đội, trong dịp Tết Nguyên đán, trong các bữa ăn, các buổi sinh hoạt đông HV ngoài trời, trong buổi lao động trồng trọt, chăn nuôi xa khu trung tâm, lực lượng bảo vệ mỏng…

 Đáng quan tâm, nhiều CSCN diện tích rộng lớn, không hề có tường rào bảo vệ, cơ sở vật chất cũng không phải thuộc loại đã hoàn thiện nhưng nhiều năm không có HV trốn. Ngược lại, CSCN có tường rào vững chắc, lực lượng bảo vệ đông nhưng việc trốn thường xảy ra. Nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiếp nhận vào cai nghiện rất lớn nhưng không có HV trốn nhưng 1 số CSCN không lớn lại để xảy ra trốn thường xuyên, trốn tập thể.

Có nguyên nhân khách quan

Bên cạnh bộ phận lớn HV qua thời gian chữa trị, dần yên tâm cai nghiện, coi "CSCN là nhà", coi những người cùng cai nghiện "là anh em", thậm chí còn mong muốn ở lại sau khi hết thời hạn để cách ly môi trường ma túy và tiếp tục rèn luyện thì một bộ phận không nhỏ khó thích nghi với môi trường cai nghiện. Hỏi HV ở nhiều CSCN bao giờ về nhà thì được trả lời chính xác đến từng tháng, từng ngày. Mong muốn sớm trở về nhà có nhiều lý do: sức khỏe bản thân yếu,  bố mẹ, vợ con ốm đau, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn… Mặt khác, với nhiều người, cuộc sống vật chất ở gia đình đầy đủ và tiện nghi hơn, được chiều chuộng. Đắm chìm trong ma túy, người nghiện có lối sống sinh hoạt "tự do", tùy tiện (ăn, ngủ tùy thích, những cuộc giao lưu bạn bè, cuộc game thâu đêm, những thú vui khác lạ…).

Trong khi đó, cuộc sống quy tắc trong CSCN hoàn toàn khác. Mọi hoạt động theo đúng giờ giấc, lịch trình và mang tính tập thể, trong đó, nhiều công việc với HV là xa lạ, lần đầu: sáng sớm thể dục, ăn cơm xếp hàng, lao động, học văn hóa, pháp luật, học nghề, tham gia các phong trào văn thể, xem tivi theo giờ quy định, đi ngủ đúng giờ, cuối tuần, cuối tháng ngồi bình xét thi đua, cuộc sống không bia rượu, thuốc lá…Như vậy, nhịp sống trước đã bị "đảo lộn", họ thấy thật gò bó, sự "tự do" trước đây không còn.

 Một nguyên nhân quan trọng khác là cơn thèm nhớ ma túy về mặt tâm lý (ham muốn hoặc thôi thúc mãnh liệt việc sử dụng ma túy), sau giai đoạn cắt cơn tuy đã thuyên giảm đáng kể nhưng chưa kết thúc. Với một số người, có thể kéo dài suốt thời gian cai nghiện. Lúc này, lúc khác, hình ảnh và ma lực của ma túy lại hiển hiện, đặc biệt ở trong giai đoạn đầu cai nghiện và với người đã nghiện nặng, thời gian dài.

Do ma túy làm thay đổi một số chức năng của não bộ, người nghiện mắc bệnh trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác nên nhận thức về mục đích, giá trị của cai nghiện có nhiều hạn chế, thiếu quyết tâm từ bỏ ma túy, không tin tưởng vào chính bản thân mình, miễn cưỡng chấp hành quy định của CSCN. Rõ ràng, mong muốn sớm kết thúc thời gian cai nghiện để về với cuộc sống "tự do" ở ngoài đời, được thỏa mãn lại cơn thèm nhớ ma túy, có thể nói, là niềm khát khao của 1 số người cai nghiện. Để họ không còn thèm nhớ ma túy cũng là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và cam go của cán bộ CSCN suốt thời gian cai nghiện.

Trốn gây ra nhiều hậu quả

Trốn lẻ tẻ, đặc biệt trốn tập thể, ngoài việc nhiều tài sản bị phá hoại, gây thương tích cho 1 số cán bộ, chính quyền địa phương phải huy động một lực lượng lớn để bảo đảm an ninh trật tự, truy tìm, vận động HV quay lại CSCN thì còn gây ra nhiều hậu quả khác, tạo ra các tiền lệ không tốt dù tỷ lệ trốn trung bình hàng năm chỉ trên dưới 1% tổng số HV và hầu hết được đưa trở lại CSCN trong thời gian ngắn. Hoạt động của CSCN bị đảo lộn, HV trốn bị gián đoạn quy trình điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cai nghiện. Gây ra phản ứng dây chuyền trốn ở các CSCN khác. Người dân ở gần CSCN và nơi người trốn đi qua hoang mang lo sợ, 1 số bị cướp bóc tài sản. Có HV trốn khỏi nơi cư trú và sau này vi phạm pháp luật hình sự. Việc tăng cường cán bộ bảo vệ cũng ảnh hưởng làm hạn chế số lượng các loại cán bộ chuyên môn khác như y tế, điều trị, tư vấn, giáo dục, dạy nghề… trong tổng số biến chế cán bộ CSCN.

Giải pháp phải mang tính tổng thể

Tuy có 1 số điểm đặc thù nhưng giải pháp phòng chống trốn phải nằm trong tổng thể giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy. Các giải pháp như phần đầu đã nêu (giảm tải cho sức chứa các cơ sở cai nghiện, nâng cấp cơ sở vật chất các hạng mục công trình, chú trọng công tác chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện, tăng tỷ lệ học viên cai tự nguyện…) chỉ là 1 phần của giải pháp tổng thể cai nghiện được thực hiện ở CSCN và cần được tiến hành đồng bộ. Vì nếu chỉ riêng xây thêm nhà ở cho HV, cải thiện bữa ăn, làm tường rào chắc chắn, tăng cường lực lượng bảo vệ… sẽ không giải quyết triệt để trốn. Các biện pháp đơn lẻ chỉ mang tính tình thế. "Nước nổi, thuyền nổi", khi công tác cai nghiện có chất lượng, hiệu quả rõ rệt thì tình trạng trốn không thể tồn tại. Đó là "căn cơ" phòng chống trốn.

Hiện nay, Cơ sở cai nghiện tỉnh Lâm Đồng không thể tiếp nhận nhiều người nghiện từ mọi miền đến đăng ký cai nghiện tự nguyện. Đó là một cơ sở cai nghiện thân thiện, có nhiều điểm tiệm cận với Chuẩn quốc tế về điều trị nghiện. Ở đó, phòng Tư vấn cai nghiện được coi trọng, mỗi HV đều được tư vấn hữu ích và có phiếu theo dõi "Quản lý ca" thường xuyên bổ sung thông tin. Hoạt động tại cơ sở rất phong phú, đều hướng đến HV. Các chế độ đều công khai, minh bạch. Thường xuyên lấy phiếu dân chủ, tổ chức cho HV phản biện và lắng nghe ý kiến của HV về cách thức hoạt động, sẵn sàng sửa chữa, thay đổi. Đầu năm 2020, cơ sở vừa tổ chức "Thi ý tưởng xây dựng môi trường đáng sống trong Trung tâm", có gần 50 HV tham gia với nhiều phát biểu hết sức cảm động. Điều đó nói lên rằng, chống trốn phải chống từ gốc, từ sự cảm nhận về sự hoạt động hữu ích của cơ sở hơn là tăng cường răn đe, thụ động xử lý khi sự việc xảy ra.

Khi hệ thống CSCN đã vận hành tốt, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nghiện có thể điều trị được, thế nào là cai nghiện thành công, cần cho mọi người thấy hoạt động của CSCN, xóa đi sự "sợ hãi", mặc cảm, "dán nhãn" không hay về CSCN. Để những người nghiện muốn đi cai nghiện hiểu  rõ trong CSCN mọi người được tôn trọng, đối xử nhân đạo, bình đẳng, được chăm sóc chu đáo mọi mặt, không có cán bộ vô cảm với chức phận, không có nạn đầu gấu bạo hành, ăn chặn, lao động là trị liệu, không quá sức… Làm tốt tuyên truyền sẽ tạo tiền đề người nghiện thực sự "tự nguyện" cai nghiện thay vì  "tự nguyện" của bố mẹ, người thân, do áp lực của chính quyền là chính và cũng để phòng ngừa tư tưởng trốn sau này. "Hữu xạ tự nhiên hương", không gì bằng HV trở về đánh giá về CSCN và nói với những người sẽ vào cai nghiện.

Quan tâm giai đoạn tiếp nhận, phân loại HV cai nghiện. Phải xây dựng cho mỗi HV một chương trình cai nghiện riêng căn cứ vào một loạt thông số thu thập rất cụ thể về nhân thân của họ: hoàn cảnh gia đình, tính chất, mức độ nghiện, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, tiền án, tiền sự, mối quan hệ xã hội, tâm lý, sở thích, nghề nghiệp… để từ đó tiến hành các can thiệp chuyên môn phù hợp, đồng thời, làm cơ sở ban đầu theo dõi diễn biến tâm lý trong quá trình cai.

Cùng với chú trọng công tác tư vấn điều trị cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, không chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi, giám sát chặt chẽ tâm lý, hành vi HV. Những người có biểu hiện bất thường, khủng hoảng, khó khăn cần được tìm hiểu, giáo dục, giúp đỡ nhiệt tình để vượt qua. Có biện pháp quản lý chặt HV hay gây rối, xử lý kiên quyết, mạnh mẽ, kể cả biện pháp hình sự đối với những người có ý đồ, kế hoạch, tạo cớ lôi kéo HV bỏ trốn.

 Xem xét theo hướng rút ngắn khung thời gian cai nghiện bắt buộc (có thể tối đa là 1 năm). Điều này phù hợp với nội dung chuyên môn của quy trình cai nghiện, phù hợp với thời gian cai nghiện của nhiều nước trên thế giới (sau đó, họ thực hiện nhiều chương trình chăm sóc sau cai ở cộng đồng). Tạo nhiều cơ hội cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho CSCN có thể tiếp nhận cai nghiện cho nhiều lượt người trong khoảng thời gian nhất định.

Hướng dẫn quy định khung thời gian cai nghiện bắt buộc (6 tháng, 9 tháng, 1 năm) để Tòa án có căn cứ thống nhất áp dụng với từng người cai nghiện căn cứ vào tính chất, mức độ nghiện, tình trạng bệnh tật và các vấn đề nhân thân khác…

Nên bỏ nội dung tổ chức cho người nghiện đọc hồ sơ quy định trong trình tự, thủ tục đưa vào CSCN. Có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện sau khi Tòa án tuyên bố quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Truyền hình VTV1 và báo chí nên chăng không đưa tin quá chi tiết vụ việc bỏ trốn tập thể trong khung giờ HV ở các CSCN được xem tivi.

Thực hiện tổng thể giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác cai nghiện, trong đó có giải pháp chống trốn là công việc rất lớn, không chỉ là công việc cấp bách trước mắt, không thể chỉ của cán bộ CSCN mà là của các cấp chính quyền. Việc tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở CSCN liên quan lớn đến đất đai, kinh phí, tổ chức biên chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, áp dụng các phương pháp cai nghiện tiên tiến, xây dựng CSCN thân thiện, kiểu mẫu … đòi hỏi phải đổi mới cơ chế, chính sách, sự vào cuộc thực sự của các cấp các ngành, đặc biệt là đổi mới nhận thức về cai nghiện.

Lê Hiền