Bangladesh: Sự thật nhức nhối ở nghĩa địa dành cho gái bán dâm Ngày đăng: 25/09/2019
Số người tự sát nhiều đến độ có ít nhất 2 nhà chứa ở Kandapara phải xây nghĩa địa riêng để chôn các nạn nhân.

Số tiền được kiếm ra chỉ từ nhà chứa này đã là một bằng chứng cho thấy lợi nhuận khổng lồ của việc buôn bán phụ nữ và bé gái trên toàn cầu. 

Qua nghiên cứu riêng của mình, Siddharth Kara - học giả tư vấn cho Liên Hợp Quốc và chính phủ Mỹ về chế độ nô lệ đã chứng minh rằng lợi nhuận từ buôn bán tình dục rất đáng kể so với các hình thức nô lệ khác.

Ông ước tính, buôn bán tình dục chiếm một nửa tổng lợi nhuận được tạo ra bởi chế độ nô lệ hiện đại, mặc dù số nạn nhân của nó chỉ chiếm 5% tổng số nạn nhân của tất cả các hình thức nô lệ.

“Lợi tức đầu tư cho buôn bán tình dục là khoảng 1.000% so với các nô lệ lao động trong ngành xây dựng, nông nghiệp hay khai thác mỏ. Lợi nhuận khổng lồ này xuất phát từ chi phí tối thiểu liên quan đến việc mua lại nạn nhân và thực tế là họ có thể bị ép bán dâm tới 20 lần mỗi ngày, tạo ra hàng chục ngàn, nếu không muốn nói là hàng trăm ngàn đô la tiền lãi cho mỗi nạn nhân”.

Hoạt động mại dâm đã được hợp pháp hoá ở Bangladesh từ năm 2000, sau vụ giam giữ 100 gái bán dâm trong nhiều năm làm dấy lên các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng và tự do cho phụ nữ. Tuy nhiên, luật mới lại có rất ít sự bảo vệ phụ nữ.

Thay vào đó, việc kinh doanh thân xác phụ nữ ở đất nước này lại bùng phát mạnh mẽ theo nhiều cách. Cứ 5 bé gái thì có 1 người kết hôn trước sinh nhật tuổi 15 và chỉ có ¼ hoàn thành cấp trung học cơ sở. Sự lựa chọn là một sự xa xỉ mà ít phụ nữ ở đất nước này có thể mua được.

Trong khi bán dâm là hợp pháp thì việc buôn bán người và lao động cưỡng bức là bất hợp pháp. Nhưng việc thực thi luật pháp yếu kém ở Bangladesh- nơi mà phụ nữ dễ dàng trở thành những con mồi đồng nghĩa với việc những kẻ buôn bán người sẽ hành động bất chấp mà không sợ bị trừng trị.

Chính phủ Bangladesh ước tính, có 100.000 phụ nữ và bé gái đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục của nước này. Một nghiên cứu cho biết, chỉ có gần 10% trong số đó làm việc tự nguyện. Cuộc điều tra này phát hiện ra hàng trăm bé gái kể về việc bị người lạ, người thân, thậm chí là chồng bán vào nhà chứa.

Hồi tháng 4, tờ Dhaka Tribune đưa tin, tỷ lệ kết án đối với những kẻ liên quan tới buôn bán người ở Bangladesh là chưa tới 0,5%. Kể từ năm 2013, có hơn 6.000 người bị bắt có liên quan tới nạn buôn bán người, nhưng chỉ có 25 người bị kết án. Năm ngoái, chỉ có 8 kẻ buôn bán người bị kết án ở Bangladesh.

Nhiều bé gái bị ép bán dâm ngay tại nhà hoặc trên đường phố, trong khi có hơn 5.000 phụ nữ và bé gái đang phải làm việc ở 11 nhà chứa lớn khắp đất nước. Một số nhà chứa đã tồn tại hàng trăm năm, mỗi nhà chứa được đăng ký với chính phủ và được cảnh sát địa phương theo dõi.

Ở đất nước này, một bộ ba gồm chính phủ, cảnh sát và tôn giáo sẽ theo dõi và phán quyết các vụ hãm hiếp, nô lệ tình dục và lạm dụng của hàng trăm ngàn bé gái chưa đến tuổi thành niên.

“Cảnh sát Bangladesh biết mọi thứ diễn ra trong các nhà chứa” – Azharul Islam nói. Anh là quản lý viên chương trình Rights Jessore, một tổ chức phi chính phủ đang làm việc để tái hoà nhập cho những đứa trẻ bị bán làm gái bán dâm.

“Chủ nhà chứa liên quan tới các băng nhóm. Các quan chức chính phủ và cảnh sát cũng tham gia vào các băng đảng đó”- anh nói.

Như một phần của bài điều tra, hơn 20 bé gái chưa đủ tuổi thành niên ở 4 nhà chứa đã cho chúng tôi xem giấy chứng nhận nói rằng họ trên 18 tuổi. Một cô bé thừa nhận mình mới 13 tuổi.

Nguồn phụ nữ và bé gái được cung cấp cho ngành công nghiệp này ở Bangladesh ổn định đến mức nhiều bé gái chỉ được “dùng” một lần là bị đào thải. Số người tự sát nhiều đến độ có ít nhất 2 nhà chứa ở Kandapara phải xây nghĩa địa riêng để chôn các nạn nhân.

“Trung bình cứ mỗi tháng lại có một người chết” - bà Shilpi, 57 tuổi - người bị bán vào nhà chứa ở Daulatdia từ năm 1977 cho biết. “Chưa có thời kỳ nào nhiều đến mức đó” - bà khẳng định.

Bây giờ, bà là người tổ chức các đám tang. Bà làm nhiệm vụ tắm rửa cho các thi thể trước khi dẫn một nhóm 12 bảo vệ nhà chứa đi qua đám cỏ dại để vào khu chôn cất, rồi bà đọc lời cầu nguyện ngắn trước khi kết thúc. Bà không nhớ đã có bao nhiêu cô gái được chôn ở đây. Bà chẳng đếm nữa từ khi con số vượt quá 100.

Có thời điểm, chúng tôi buộc một hòn đá vào cổ thi thể rồi ném xác xuống ao. Nhưng thỉnh thoảng, nó nổi lên mặt nước, vì thế chúng tôi lại phải tìm đất để chôn”.

Ở Mymensingh thì không có những nghĩa địa như vậy, nhưng không phải vì không có ai tự tử, mà vì các thi thể được đưa về khu vực nông thôn lúc màn đêm buông xuống và cứ thế được chôn xuống đất.

Nghĩa địa công không dành cho gái mại dâm. Ở Bangladesh, họ bị cấm chôn trong thành phố. “Ở đây, chúng tôi là những phụ nữ xấu, đáng xấu hổ” – bà Shilpi nói. “Nếu một cô gái tự sát, người ta nói đó là sự giải thoát tốt, đó là cách nhanh hơn để xuống địa ngục”.

Labonni cũng cố tự tử vài lần. “Có lẽ một ngày nào đó tôi lại làm như thế”- cô nói khi đang ngồi trên sàn nhà trong căn phòng ngủ. Số điện thoại của các khách hàng được dán lên tường. Trong khi đó, Labonni vẫn tự cắt thân thể mình hằng ngày.

Những vấn đề về sức khoẻ tâm thần như vậy rất phổ biến với gái bán dâm ở Bangladesh và nó khiến họ khó làm lại cuộc đời ngay cả khi đã trả hết “nợ”.

Dù vậy, vẫn có một số ít những hỗ trợ về mặt sức khoẻ tâm thần cho những người phụ nữ này. Hiệp hội Luật sư nữ Bangladesh là một tổ chức đang làm việc để giải cứu và tái hoà nhập cho các nạn nhân tuổi vị thành niên của nạn buôn người. “Lần đầu tiên về nhà, họ rất sợ”- nhà tâm lý học Sadia Sharmin Urmi cho hay. Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng, cô đã nhìn thấy những tiến triển. “Họ biết là họ đã an toàn. Điều đó rất có ý nghĩa”.

Với Labonni, việc nhận được sự giúp đỡ khiến cô có cảm giác đây là điều không có thực. “Cả đời tôi, người ta bảo tôi phải quan hệ tình dục để họ kiếm tiền từ đó. Tôi phải kiếm bao nhiêu để trả cho sự tự do này?”

Trốn thoát bây giờ với Labonni chỉ là những cuộc gọi video hằng ngày với cô con gái hiện đang sống với chị cô ở Dhaka. “Tôi không thể nuôi con bé ở đây. Việc đó làm tôi đau lòng nhưng tôi biết là con bé đang hạnh phúc”-Labonni nói. “Một ngày nào đó, khi con bé đủ lớn, tôi muốn nó biết tôi mới là mẹ đẻ của nó”.

40,3 triệu

Đó là số người đang sống dưới dạng nô lệ hiện đại trên khắp thế giới. Hơn một nửa số đó là lao động bị cưỡng bức. Nạn buôn bán tình dục là một hình thức của nô lệ hiện đại.

99%

trong số 4,8 triệu nạn nhân của buôn bán tình dục trên khắp thế giới là phụ nữ và bé gái.

70%

trong số 4,8 triệu nạn nhân buôn bán tình dục trên khắp thế giới là ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

150 tỷ đô la

là số tiền được tạo ra bởi nô lệ hiện đại mỗi năm – con số do Liên Hợp Quốc ước tính. Những kẻ buôn bán tình dục có thể kiếm tới 29.000 bảng Anh mỗi nạn nhân.

Theo Nguyễn Thảo (Báo Vietnamnet)