Kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” trên địa bàn tỉnh An Giang Ngày đăng: 05/08/2019
Sáng ngày 02⁄8⁄2019, Ban Chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 01 tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017-2020.

Đến dự hội nghị có đồng chí Trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp, Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc - Bộ Công an; Đại tá Lâm Thành Sol, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Trương Trung Lập, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ  cùng 70 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 các cấp trong tỉnh và 15 tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện NQLT 01.

Thời gian qua, Nghị quyết liên tịch số 01 luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp đồng bộ của Hội liên hiệp phụ nữ và lực lượng Công an các cấp. Đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, phong phú và đa dạng như: Hội thi, diễn đàn; sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ… đã tổ chức được 3.742 cuộc, có trên 259.600 lượt hội viên, phụ nữ và người dân đến dự; qua đó phát 57.584 thư kêu gọi tố giác tội phạm, để cho nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và TNXH; thu lại 4.823 phiếu (nhân dân đã điện thoại hoặc trực tiếp cung cấp cho lực lượng Công an 1.297 nguồn tin có giá trị) đã giúp cho lực lượng Công an làm rõ phát hiện, triệt xóa nhiều vụ liên quan đến các đối tượng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội như: mua bán người, mại dâm; mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng…; tham gia hòa giải 889 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phối hợp nhà trường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong học đường được 437 cuộc, có 77.442 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên và công nhân viên tham dự, truyền tải nội dung tác hại của ma túy, mại dâm, văn hóa giao thông, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em. Vận động 451 đối tượng cá biệt (thanh thiếu niên hư, nghiện ma túy, nạn nhân của mua bán người, phụ nữ hành nghề mại dâm…), có nguy cơ bị tác động của tội phạm và tệ nạn xã hội. Cung cấp 1.283 tin, bài, phóng sự phản ánh sự phối hợp giữa Công an - phụ nữ và các tổ chức đoàn thể khác trong hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm. Quản lý giáo dục 2.205 đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, có biểu hiện vi phạm pháp luật (trong đó quản lý, giáo dục 1.171/2.205  đối tượng tiến bộ); tổ chức 73 lớp dạy nghề; giới thiệu 7.633 phụ nữ có việc làm… Song song đó, có nhiều mô hình phát huy hiệu quả như: mô hình “Móc khóa tố giác tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự”, mô hình “Phòng ngừa kéo giảm tội phạm, người sử dụng trái phép chất ma túy”, mô hình “02 chống, 01 chung” (02 chống là: Chống xâm hại trẻ em; Chống trẻ em vi phạm pháp luật; 01 chung là: Chung tay bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực, bóc lột)….

Các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp, Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc- Bộ Công an đánh giá cao kết quả đạt được với sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo NQLT 01 tỉnh An Giang thời gian qua, nhất là các giải pháp chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 từ tỉnh đến cơ sở, các mô hình phát huy hiệu quả ở các huyện tuyến biên giới; ghi nhận những kiến nghị các khó khăn, đề xuất các giải pháp của đại biểu tại hội nghị. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để công tác “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” đạt hiệu quả cần dự báo tình hình tội phạm để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm phát sinh trên địa bàn, đặc biệt loại tội phạm mua bán người qua biên giới; Tăng cường công tác tuyên truyền đổi mới hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Đồng thời, gắn với công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ trong độ tuổi lao động nhất là các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; Nâng cao chất lượng các mô hình phòng, chống tội phạm tại địa bàn dân cư./.

P.V