Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 30/08/2019
Ngày 30⁄8⁄2019, tại Hà Nội, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo công tác thực hiện chương trình hành động quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và nâng cao hiệu quả hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

 

 

Mua bán người vẫn diễn biến phức tạp

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tội phạm mua bán người là một trong những tội ác đáng bị lên án, vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền và là một hình thức của nô lệ hóa thời hiện đại. Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm có 800 nghìn đến 1 triệu người trở thành nạn nhân của nạn mua bán người. Tình trạng tội phạm liên quan tới hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là thông qua việc đưa người di cư trái phép từ Châu Á, Châu Phi, Trung Đông sang Châu Âu.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện 1.059  vụ mua bán người, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân (tính trung bình mỗi năm xảy ra 302 vụ, với 409 đối tượng, lừa bán 764 nạn nhân). So với giai đoạn 2011-2015, giảm 31,5% số vụ, 38,8% đối tượng và 23,5% số nạn nhân (giai đoạn 2011-2015, mỗi năm phát hiện 441 vụ, với 668 đối tượng, lừa bán 999 nạn nhân).

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016-2020, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bỏa vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. 100% nạn nhân sau khi được giải cứu đã được các lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy định và chế độ chính sách.

Ở một số địa phương, công tác hỗ trợ nạn nhân đạt kết quả với có nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp thông qua các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã và đang triển khai tại cộng đồng. Việc xây dựng các mô hình, nhất là mô hình nhóm tự lực đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các nạn nhân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội: những khó khăn trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn nhiều. Tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hình thành các đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi để lừa bán các nạn nhân. Lợi dụng sự thiếu thông tin của nạn nhân, các đối tượng thường cấu kết với người nước ngoài, đưa nạn nhân bán ra nước ngoài theo con đường du lịch, thăm thân, lao động thời vụ, môi giới hôn nhân trái phép hay nhận con nuôi…

Các đại biểu địa phương tham gia chia sẻ tại Hội thảo

Cần sự chung tay của cộng đồng

Tại hội thảo, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Lào Cai… đã chia sẻ kết quả và khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ nạn nhân.

Theo các đại biểu, tình hình mua bán người hiện nay ngày càng gia tăng cả về số vụ và số nạn nhân. Nhiều vấn đề trong lĩnh vực này đã “vượt xa” hơn chính sách hiện hành của Việt Nam. Trước đây, mua bán người tại Việt Nam chỉ xảy ra ở các tỉnh biên giới, liên quan chủ yếu đến phụ nữ và trẻ em nhưng hiện nay, tình trạng mua bán người đã xảy ra trên phạm vi cả nước, thông qua các dịch vụ về xuất khẩu lao động, di cư lao động tự do, du lịch, môi giới hôn nhân… Và không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em với mục đích cưỡng bức lao động, làm thuê, mại dâm, làm vợ, nô lệ tình dục mà các nhóm tội phạm còn mua bán cả thai nhi, sinh con hộ, mua bán các bộ phận trên cơ thể người...

Từ thực tế trên, các đại biểu cho rằng, để ngăn chặn và giảm đến mức thấp nhất số vụ, số nạn nhân bị mua bán, trước hết cần tăng cường các cách tiếp cận đa dạng để truyền thông thay đổi hành vi và giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân; hỗ trợ nạn nhân về y tế, tư pháp, tâm lý và giải quyết việc làm, an sinh xã hội khi bị mua bán trở về; đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo cho cán bộ tư pháp ở địa phương về trình độ, hiểu biết về các quy định mới trong các Bộ Luật liên quan đến công tác phòng chống mua bán người; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập khẳng định, công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương rất quan tâm, vừa đảm bảo quyền con người theo Hiến pháp (2013) và các Công ước mà Việt Nam tham gia ký kết, vừa đảm bảo an sinh xã hội vì một xã hội an toàn, hành phúc cho mọi người.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp và tham gia điều phối với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia phòng chống mua bán người của Chính phủ, giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ tổ chức nghiên cứu, đánh giá chính sách, pháp luật về mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội; triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng…

Thời gian tới, Cục PCTNXH tiếp tục tham mưu cho Bộ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; tham gia ký hiệp định song phương, đa phương với các nước trong khu vực và thế giới về phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về./.

Như Ngọc