Bước ngoặt của chủ tịch xã từng là người nghiện, đầu gấu sừng sỏ Ngày đăng: 14/08/2019
Sau khi cai nghiện thành công, ông Hoàng Văn Địa trở về làm ăn lương thiện, giúp đỡ những người nghiện khác ở địa phương, rồi được bầu làm lãnh đạo xã suốt 13 năm qua.

Hỏi đường về thôn Nà Han, xã Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn), chúng tôi được anh xe ôm giới thiệu “ngày xưa gần như cả làng này nghiện”. Có thể anh hơi nói quá một chút nhưng cách đây gần 30 năm, khi quan hệ biên giới trở lại bình thường, đi cùng với việc làm ăn, buôn bán phát triển thì ma tuý cũng len lỏi vào từng gia đình, thôn bản ở Tân Thanh và các xã xung quanh.

Trong số nhiều câu chuyện cai nghiện thành công ở Tân Thanh, không ai là không biết đến trường hợp của anh Hoàng Văn Địa - trước đây từng là một tay đầu gấu sừng sỏ ở vùng đất biên giới nhưng từ khi hoàn lương đã trở thành lãnh đạo xã 13 năm nay.

Sau khi làm Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND, sau đó là Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thanh trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2016, hiện tại ông Hoàng Văn Địa đang là Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.

Khi được hỏi chuyện, vị chủ tịch xã không ngần ngại chia sẻ về quá khứ lầm lỡ của mình.

Đầu những năm 90, khi Tân Thanh nhộn nhịp với hoạt động giao thương giữa 2 nước, vốn nhanh nhẹn, thức thời, ông Địa mở bãi trông xe. Bãi trông xe của ông đứng ra tổ chức cho xe tập kết và vận chuyển bốc xếp hàng hoá cho dân buôn. Hàng trăm chiếc xe ra vào mỗi ngày đều phải chi một khoản tiền cho ông. Không chỉ thế, ông Địa khi đó còn hoạt động như một tay “cai cửu vạn”, thu tiền của đám cửu vạn bốc vác thuê. Bỗng dưng ngồi trên đống tiền, ông sa ngã vào ma tuý.

Nhưng cuộc vui chẳng kéo dài được lâu. Khi chính quyền bắt đầu mạnh tay hơn, dẹp nạn đầu gấu và giải thể bãi xe, ông mất hết thu nhập, phải quay về với vợ con. Ma tuý ngốn hết của ông số tiền tích cóp được trong suốt quãng thời gian làm “cai”.

Hết tiền, lại nghĩ thương vợ con vất vả, ông quyết tâm cai nghiện tại nhà. “5 năm nghiện nên quãng thời gian cai quả thực là vô cùng khó khăn. Những cơn đói thuốc hành hạ mình, nhiều khi tưởng chừng có thể phát điên. Nhưng quyết tâm là ở bản thân mình. Cũng có lần sau 1 tháng dừng hút chích, tôi lại tái nghiện, rồi sau đó lại tiếp tục cai”.

“Sau khi cai được, tôi ở nhà đi chăn trâu, tham gia lao động sản xuất. Cùng lúc đó, tôi được chính quyền thôn, xã vận động để trở thành đồng đẳng viên giúp đỡ  những người nghiện ở địa phương. Từng là một người nghiện nặng, tôi hiểu được cảm giác của họ, những khó khăn mà họ phải trải qua”.

“Nhìn thấy mình từng nghiện nặng và đã cai thành công, người ta cũng cảm thấy tin tưởng hơn, rằng họ cũng có thể cai thành công được như mình”.

Được ghi nhận về sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, ông được bầu làm công an viên ở thôn, rồi sau đó bà con tin tưởng bầu ông làm trưởng thôn. Tiếp đó, ông chính thức được kết nạp vào Đảng. Đến năm 2004, ông trúng Hội đồng nhân dân xã với số phiếu tín nhiệm cao.

Đến năm 2006, ông trúng cử Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh. Sau khi ông Chủ tịch UBND xã mất đột ngột, ông Địa được bầu bổ sung và trúng luôn chức Chủ tịch. Năm 2011, ông được tái trúng cử chức Chủ tịch xã nhiệm kỳ 2. Đến năm 2016, ông được bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã, sau đó được điều chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho đến nay.

Chia sẻ về tình trạng nghiện ma tuý ở địa phương, ông Địa cho biết, hiện nay xã Tân Mỹ đang có số người nghiện ma tuý cao nhất huyện Văn Lãng, khoảng 70 người. Đó là số người công khai, còn một bộ phận không công khai chưa thể thống kê được.

Ở xã Tân Thanh, ông Hoàng Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, số người nghiện thống kê được hiện nay còn khoảng 50 người. Riêng thôn Nà Han, số người nghiện còn khoảng 13-14 người. Mặc dù vậy, đây vẫn là con số đã giảm rất nhiều so với cách đây 5-7 năm.

Vị chủ tịch xã này cũng cho biết, Tân Thanh bắt đầu xuất hiện người nghiện từ những năm 1995-1996, từ đó kéo theo nhiều tệ nạn khác. Nhưng tín hiệu đáng mừng hiện tại là không có người nghiện mới và tệ nạn trộm cắp gần như không còn.

“Điều quan trọng nhất là nhận thức của người dân được nâng lên nhờ công tác tuyên truyền, quan tâm hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị. Tôi cho rằng, cách thức hiệu quả nhất vẫn là làm cho người nghiện thấy họ được quan tâm, không bị xa lánh và luôn nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ khi cần”.

Ông Hoàng Văn Làng – trưởng thôn Nà Han tâm sự: “Thời kỳ cửa khẩu giao thương, thanh niên đi bốc vác kiếm được tiền triệu mỗi ngày, trong khi một gói thuốc phiện chỉ có giá 10-15 nghìn”.

Sau này, nhiều gia đình có 1, 2 đứa con nghiện, ngày nào cũng dắt con đi uống thuốc. Từ năm 2015 đến nay, thôn này có khoảng 18 người đã cai nghiện thành công. Một số người đang vừa cai nghiện vừa làm kinh tế, cũng rất khá.

Điển hình là trường hợp của anh Hoàng Văn Chính – người điều trị thay thay thế bằng methadone nhưng đã được giảm liều. Hiện hai vợ chồng anh đang trồng cây thông và cây keo trên 3 quả đồi, mỗi loại mấy vạn cây. Ngoài ra, gia đình anh còn có nguồn thu nhâp từ cây hồi, mỗi năm được thu hoạch 2-3 mùa. Đàn bò của anh thỉnh thoảng lại được bán và sinh sản thêm để lúc nào cũng duy trì 8-9 con. Những lúc rảnh rỗi, anh vẫn tranh thủ đi bốc hàng để kiếm thêm thu nhập. Anh Chính tâm sự, anh cũng đã từng đi cai nghiện ở Hưng Yên, Hải Phòng, rồi sau đó lại tái nghiện. Hiện tại, anh đang cố gắng để dứt hẳn, không phải dùng thuốc methadone nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, vị Chủ tịch xã Hoàng Văn Địa nói: “Cai thành công hay không là phụ thuộc vào quyết tâm của mình. Muốn cai thành công, hãy tự hỏi xem tại sao mình lại nghiện, rồi tìm ra động lực từ đó”./.

K.T.H (Nguồn:Vietnamnet.vn)