Tập huấn Hướng dẫn cơ chế chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại thành phố Hồ Chí Minh Ngày đăng: 09/08/2019
Từ ngày 07-09⁄8⁄2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức Tập huấn "Hướng dẫn cơ chế chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán". Tham dự tập huấn có cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân của ngành Lao động, Công an, Phụ nữ, Bộ đội biên phòng ở 10 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Trong thời gian tập huấn, các học viên cùng nhau học tập, trao đổi, chia sẻ về những nội dung: pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người (khái niệm mua bán người, xác định nạn nhân, phân biệt mua bán người, cưỡng bức lao động). Chính sách, quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Khó khăn và kinh nghiệm trong công tác xác minh, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong nước và quốc tế. Một số kỹ năng trong công tác chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Thực hành nhận dạng nạn nhân, giới thiệu chuyển tuyến và hỗ trợ áp dụng dựa trên quyền, lấy nạn nhân làm trung tâm.

Các học viên đều tỏ ra hứng thú với nội dung của lớp tập huấn, đặc biệt là việc xác định nạn nhân. Bên cạnh những quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, dấu hiệu xác định nạn nhân được cung cấp thêm bởi những đặc điểm khác biệt cho từng nhóm nạn nhân như: nạn nhân bị mua bán nhằm mục đích bóc lột tình dục (có hình xăm hoặc các dấu vết đánh dấu thuộc quyền sở hữu của một tổ chức/ cá nhân  nào đó; sinh hoạt và di chuyển theo nhóm, đôi khi là những người không nói chung ngôn ngữ, có thể hiểu những từ ngữ liên quan đến tình dục, trong khi không thể giao tiếp trôi chảy ngôn ngữ đó…), nạn nhân bị mua bán nhằm mục đích bóc lột lao động (không có hợp đồng lao động; không được nhận lương hoặc không biết về mức lương hoặc mức thu nhập thực tế nhận thấp hơn mức được hứa hẹn; bị hạn chế đi lại; bị trói buộc bằng các khoản nợ; sống ở những nơi xuống cấp không phù hợp cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu…), nạn nhân bị mua bán nhằm mục đích ép buộc ăn xin hoặc ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (là trẻ em hoặc người lớn tuổi, người tàn tật; sống cùng với những người trưởng thành, khỏe mạnh khác mà không phải là cha mẹ, người thân thích; bị trừng phạt nếu không thực hiện theo ý của một số người trong nhóm; không được giữ mà phải nộp cho người khác khoản tiền ăn xin/ vi phạm pháp luật có được….).

Nội dung thực hành nhận dạng nạn nhân, giới thiệu chuyển tuyến và hỗ trợ áp dụng dựa trên quyền, lấy nạn nhân làm trung tâm đã thu hút sự tham gia tích cực của các học viên. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như những khó khăn, vướng mắc đã được chia sẻ bởi những người trực tiếp làm việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân tại lớp tập huấn. Ban tổ chức mong muỗn sau lớp tập huấn, các học viên sẽ áp dụng những kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn/.

HH